Báo cáo tại cuộc họp cho biết, ngày 18/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật năm 2020) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. Để kịp thời triển khai thi hành Luật năm 2020, việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP nhằm hướng dẫn đúng, đầy đủ các quy định của Luật năm 2020, đồng thời bảo đảm Luật được thi hành một cách thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước ngay vào thời điểm Luật có hiệu lực; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP…
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã trao đổi, thảo luận về một số vấn đề quan trọng, như phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; định hướng sửa đổi, bổ sung đối với các nội dung lớn; đánh giá tác động của chính sách, lập danh mục văn bản quy định chi tiết, kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập.
Nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Nguyễn Đức Kiên bày tỏ mong muốn dự thảo Nghị định giải quyết được trường hợp khi văn bản Luật căn cứ hết hiệu lực có kéo theo các văn bản quy định chi tiết cũng hết hiệu lực hay không. Đồng chí Vũ Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng nêu ý kiến, cần phải có quy định cụ thể văn bản khi nào hết hiệu lực, tuyên bố văn bản hết hiệu lực như thế nào và vấn đề hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có nên quy định giá trị pháp lý hay không.
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Chuyên gia cao cấp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư Pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, cần phải rà soát kỹ lưỡng quy định tại Điều 61 Luật Ban hành VBQPPL và quy định rõ thế nào là căn cứ văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn để phù hợp với thực tế khi áp dụng quy định tại Điều 61; tiếp tục rà soát để có biện pháp thi hành thuộc thẩm quyền Chính phủ.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cơ bản nhất trí với mục đích, yêu cầu của dự thảo, trong đó bổ sung nội dung liên quan đến phạm vi điều chỉnh, như quy định chi tiết đối với những quy định mới của Luật năm 2020; rà soát các quy định mới để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp; rà soát sửa đổi, bổ sung một số quy định có nội dung không còn phù hợp đã trong quá trình thực hiện Nghị định 34/2016/NĐ-CP; rà soát nhằm loại bớt một số quy định không còn cần thiết. Ngoài ra, Ban soạn thảo nhất trí bổ sung thêm một số mẫu văn bản mới, rà soát mẫu cũ để tạo sự linh hoạt cho các bộ, ngành, địa phương.
Thứ trưởng đề nghị làm rõ khái niệm VBQPPL là văn bản như thế nào hoặc xem xét có hướng dẫn kỹ hơn; xem xét lại phần liệt kê văn bản không phải VBQPPL; quy định rõ hơn trường hợp văn bản luật hết hiệu lực thì văn bản chi tiết hết hiệu lực hay không… Đặc biệt, làm rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định cụ thể tại Điều 156, Luật Ban hành VBQPPL.