'Hồn' thu Hà Nội lan tỏa trên dải đất hình chữ S

Mẹt “mùa thu Hà Nội” được một cửa hàng online tại TP Hồ Chí Minh rao bán. (Ảnh minh họa)
Mẹt “mùa thu Hà Nội” được một cửa hàng online tại TP Hồ Chí Minh rao bán. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Ngày nay, những gói cốm tươi non, những chiếc xe chở đầy hoa đủ sắc màu, hương hoa sữa nồng nàn không chỉ còn của riêng Hà Nội mà đã lan tỏa đi muôn nơi. Cách thưởng thức mùa thu của người Hà Nội đang trở thành một “tinh thần sống” đáng yêu mà người dân nhiều vùng trên cả nước cũng muốn trải nghiệm.

Xe hoa Hà Nội tạo “trend” từ Nam chí Bắc

Những chiếc xe đạp chở theo sau cả một gánh hàng hoa đủ màu sắc rực rỡ là một trong những hình ảnh nên thơ, làm say lòng người của mùa thu Hà Nội. Nhiều năm qua, cứ mỗi độ thu về, cả người dân Hà Nội xúng xa xúng xính, hẹn hò nhau chụp những bộ ảnh lưu niệm với những chiếc xe mang theo mùa thu rực rỡ, khiến người dân cả nước không khỏi “ghen tị”. Và du khách, có dịp đến Hà Nội mùa thu cũng khó lòng cưỡng lại, phải “check in” với xe hoa để mà có cái “khoe khoang” cùng bạn bè.

Thế mà không hiểu sao, từ đầu thu năm nay, xe hoa Hà Nội bỗng trở thành một “trend” nở rộ ở khắp mọi miền trên cả nước. Đầu tháng 9, chớm mùa thu, khi đường phố Hà Nội xuất hiện những chiếc xe đạp chở hoa nhiều màu sắc, cũng là lúc ngay tại trung tâm TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện “xe hoa mùa thu Hà Nội”. Tại khu vực nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố, có hẳn một loạt chiếc xe đạp chở hoa mang phong cách Hà Nội được dựng bên vỉa hè. Nào hoa sen trắng, sen hồng, cẩm tú cầu tím, trắng, hoa cúc vàng, hoa baby nhuộm đủ màu xanh đỏ, thậm chí còn có cả những bông hoa giả không rõ tên... Hoa đủ sắc màu làm rực lên một góc phố, khiến bao người dân, du khách nao nức. Những chiếc xe hoa này được những người kinh doanh nhạy bén thực hiện để thu phí khách chụp hình, nhưng cũng không khiến du khách phật lòng. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người, từ các bạn trẻ, các đôi tình nhân, các chị, các cô trung niên, rồi du khách nước ngoài háo hức đến để chụp hình với những chiếc xe hoa xinh đẹp này.

Trong tháng 9, tại nhiều công viên ở TP Hồ Chí Minh như công viên Gia Định, công viên Lê Thị Riêng... cũng xuất hiện các xe hoa, mỗi xe một vẻ và mỗi khi xe xuất hiện, đều thu hút sự chú ý của người dân và kéo theo một lượng lớn người đến để chụp ảnh.

Mà không chỉ tại TP Hồ Chí Minh, xe hoa mùa thu Hà Nội xuất hiện ở rất nhiều địa phương trên cả nước. Trên các trang cộng đồng của người dân từ miền Trung như Nha Trang, Bình Thuận; Đông Nam Bộ như Vũng Tàu, Đồng Nai; hay Tây Nam Bộ như Kiên Giang, Tiền Giang..., xe hoa Hà Nội đều “lên sóng” như một trào lưu mới.

Tại nhiều quán cà phê từ Nam chí Bắc, những chiếc xe hoa mùa thu được dựng ngay cửa quán, như một cách trang trí “theo trend” nhằm thu hút khách đến chơi, ngắm nghía, chụp ảnh. Một chủ cửa hàng áo cưới ở Đơn Dương, Lâm Đồng còn “sáng tạo” hơn khi trưng bày một chiếc xe hoa thu Hà Nội trước cửa hàng của mình và tổ chức cuộc thi “chụp ảnh đẹp với xe hoa mùa thu”. Khách thắng cuộc sẽ được nhận những voucher chụp ảnh chuyên nghiệp miễn phí của cửa hàng. Nhờ “sáng tạo” này mà trong những ngày mùa thu tháng 9, hình ảnh chiếc xe hoa Hà Nội cũng với cửa hàng áo cưới liên tục xuất hiện trên trang cá nhân của người dân Đơn Dương.

Tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, hai bạn trẻ chủ shop hoa nho nhỏ đã dựng một chiếc xe đạp chở hoa cực kì rực rỡ với dòng chữ gắn trên xe: “Xin chào mùa thu Hậu Nghĩa - Chúng tớ đợi cậu từ mùa hè”. Hai cô chủ shop hoa chia sẻ, năm nào mùa thu đến cũng thích thú nhìn ngắm ảnh những xe hoa mùa thu Hà Nội và mong muốn đến mùa thu Hà Nội một lần nhưng chưa có dịp. Nên năm nay hai bạn trẻ đã quyết định làm “một góc thu Hà Nội” để các bạn trẻ Long An đến chụp ảnh nhằm lan tỏa vẻ đẹp mùa thu Thủ đô đến mọi người.

Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, hướng dẫn viên một công ty du lịch chia sẻ: “Có một số ý kiến cho rằng chỉ nên để xe hoa mùa thu ở Hà Nội thì mới đúng chất, còn nhân rộng đi khắp nơi thì lại “mất chất” đi, hình ảnh xe hoa không độc đáo nữa mà trở nên hơi “nhàm chán”. Nhưng tôi thì nghĩ rằng cái gì đẹp thì có thể để nhiều người cùng thưởng thức. Nhân rộng một hình ảnh đẹp, nên thơ thì càng đáng quý, còn hơn là nhân rộng những “trend” kém duyên, không hay chứ”.

Mùa thu và nét đẹp phong nhã của người Tràng An


Xe hoa mùa thu Hà Nội xuất hiện tại một cửa hàng áo cưới ở Đơn Dương, Lâm Đồng. (Ảnh minh họa)

Xe hoa mùa thu Hà Nội xuất hiện tại một cửa hàng áo cưới ở Đơn Dương, Lâm Đồng. (Ảnh minh họa)

Tháng 9, trên trang cá nhân của mình, chị Lê Ngọc Ánh Tuyết, một nhân viên truyền thông sống tại TP Hồ Chí Minh đăng tải ảnh chụp một gói cốm non bọc trong lá sen bên những trái hồng chín mọng và tách trà nóng. Nhiều bạn bè trầm trồ bình luận, hỏi có phải chị Tuyết đã ra Hà Nội để thưởng thức mùa thu. Chị Ánh Tuyết trả lời hài hước: “Giờ thu Hà Nội đi muôn nơi rồi nhé, có khi giữa Sài Gòn cũng thưởng thức được thu Hà Nội đó nha”. Thực ra, những gói cốm non tươi thơm mang hương vị của mùa thu Hà Nội đã được người nhà chị Tuyết gửi một người bạn theo đường bay, để khi đến tay chị ở Sài Gòn, gói cốm vẫn tươi thơm nức.

Những ngày mùa thu này, người Sài Gòn cũng “học” người Hà Nội cách thưởng cốm. Cũng những nắm cốm nom xanh non gói trong chiếc lá xanh mát. Cũng đĩa chuối cau hay trái hồng con con. Một ly cà phê hay tách trà nóng, thế là có một mùa thu Hà Nội ở bên.

Ngày xưa, muốn ăn cốm non mùa thu Hà Nội đâu có dễ. Có những khách phương xa “nghiện” hương cốm mới, cứ mùa thu là phải mấy chặng bay ra bay vào. Còn giờ đây, phương tiện giao thông phát triển mạnh mẽ, người ta gửi ra Bắc, vào Nam những “quà mùa thu” tấp nập, sáng gửi trưa đến, nên nhâm nhi cốm Bắc ở trời Nam chẳng còn là chuyện lạ.

Không chỉ thế, những người bán hàng online nhạy bén biết người miền Nam “mê” cốm Hà Nội, nên đâu thể bỏ qua dịp để kinh doanh. Thế là cốm non gói lá, xôi cốm hạt sen, chè cốm, rồi bánh trung thu nhân cốm... được bán khắp cõi mạng. Chỉ cần ít tiền cùng chút trí tưởng tượng, người ta có thể mang “một xíu” thu Hà Nội về nhà.

Rồi còn cúc họa mi độ cuối thu nữa. Còn nhớ, ngày trước, khi cúc họa mi nở rộ ở Hà Nội, người phương Nam ai được chụp ảnh với bó cúc họa mi là “tự hào”, là vui ghê lắm. Giờ đây, không phải ra đến Hà Nội mới có thể ôm trên tay bó cúc họa mi xinh xắn nên thơ. Theo đường bay, những bông hoa xinh đẹp ấy đã xuất hiện trong các gian phòng xinh xắn ở phương Nam và chủ nhân cũng đầy kiêu hãnh “khoe” với bạn bè món quà thu Hà Nội mà giá trị không thể tính bằng tiền ấy.

Với người dân phương Nam, thưởng thức cốm mùa thu không phải chỉ bởi vị cốm tươi ngon, thơm dịu. Thậm chí, có người không hợp khẩu vị còn cho rằng cốm Hà Nội “không ngon lắm”. Hay phương Nam cũng không thiếu những bông hoa đẹp rực rỡ, mà trưng cúc họa mi mùa thu vẫn làm cho lòng người phương Nam xuyến xao.

Bởi, bản thân việc bày biện nào cốm, nào hoa quả, nào trà thật xinh xắn, rồi ngồi thong thả thưởng thức như cách một người Hà Nội thường làm lúc vào thu, ấy là một cái thú thưởng lãm đầy phong nhã mà người dân vùng miền khác cũng muốn trải nghiệm. Bởi, cắm một bình cúc họa mi trong phòng nhà hay trên bàn làm việc, cảm giác như đem thu Hà Nội về bên mình, một mùa nhu nho nhỏ, duyên dáng, tươi xinh.

“Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió/Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ/Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”. Những câu hát trong bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khắc họa rất thơ mà cũng khá đủ đầy hình ảnh về một mùa thu Hà Nội trong tâm tưởng của biết bao người. Có lẽ chính bởi những câu thơ, bài hát quá đẹp về thu Hà Nội, mà người dân cả nước biết đến hoa sữa, biết đến cốm non ngay cả khi chưa bao giờ đặt chân đến Thủ đô. Trong tâm trí người dân cả nước, đấy vẫn là những “linh hồn mùa thu” đẹp đẽ của Hà Nội, của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Giờ đây, xe hoa mùa thu Hà Nội đã có mặt khắp cả nước, cốm non thu Hà Nội đã có thể “bay” đi muôn nẻo, cúc họa mi kiêu hãnh ở Sài Gòn và hoa sữa thơm thoảng hay nồng nàn con phố có thể xuất hiện tận ở... Cà Mau. Sự lan tỏa đi xa không phải là sao chép hay bắt chước vụng về, mà nó thể hiện rằng, người dân cả nước yêu quý, trân trọng những giá trị văn hóa đẹp đẽ của Thủ đô biết bao nhiêu.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Hơn 300 doanh nghiệp Quảng Ninh tung gói kích cầu mùa du lịch cuối năm 2024

Một góc TP Hạ Long, Quảng Ninh điểm đến thân thiện và an toàn.
(PLVN) -  Ngày 20/11, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ công bố chương trình kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa”. Chương trình nhằm tăng sức hút du khách dịp cuối năm 2024. Thu hút h ơn 300 doanh nghiệp từ các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan, và du thuyền đã tham gia .

Khách tây thích thú trải nghiệm nhiều hoạt động du lịch ở Ninh Bình

 Nhóm 17 nữ du khách người Mỹ vừa có một buổi trải nghiệm đầy hào hứng tại cánh đồng xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, Ninh Bình.
(PLVN) - Những năm gần đây, du lịch Ninh Bình đặc biệt để lại ấn tượng tốt đẹp đối với du khách từ nhiều nước trên thế giới tới tham quan, trải nghiệm. Để phát triển và thu hút khách hơn nữa, gần đây Ninh Bình đã cho triển khai các các tour dân dã khác như: tour cưỡi trâu, cấy lúa hay tour thêu thủ công truyền thống, bắt cá bằng nơm…

Mù Cang Chải, không lỡ hẹn mùa lúa vàng

Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi - Thị trấn Mù Cang Chải. (Ảnh trong bài: PV)
(PLVN) - Hàng năm vào dịp tháng 10, bước vào mùa lúa vàng, du khách thập phương rủ nhau về trẩy hội. Năm 2024, cơn bão số 3 (Yagi) đi qua khiến thiên đường ruộng bậc thang Mù Cang Chải có một mùa vàng đáng nhớ.

Cẩn trọng với những “bí kíp” du lịch mạo hiểm qua mạng

Du lịch mạo hiểm hấp dẫn, nhưng cũng đi kèm rất nhiều rủi ro. (Ảnh minh họa. Nguồn: Trekking Camping)
(PLVN) - Nghiên cứu mới nhất của nền tảng du lịch Klook chỉ ra rằng, năm 2024, mạng xã hội chính là công cụ thiết yếu để chia sẻ trải nghiệm, thúc đẩy yếu tố lan tỏa và nhu cầu du lịch. Cụ thể, hơn 80% khách du lịch châu Á - Thái Bình Dương và đến 91% du khách Việt Nam đã đặt các dịch vụ du lịch dựa trên các đề xuất và đánh giá từ người sáng tạo nội dung, trong đó định dạng phổ biến nhất với người Việt Nam là video (63%) vì có sức hút trực quan mạnh mẽ.

Bản Cát Cát Sa Pa bức tranh văn hóa đa sắc màu vùng Tây Bắc

Bản Cát Cát Sa Pa bức tranh văn hóa đa sắc màu vùng Tây Bắc
(PLVN) -  Bản Cát Cát là một bản làng cổ của người Mông nằm trong thung lũng Mường Hoa, cách trung tâm thị trấn Sapa khoảng 2km. Nơi đây được mệnh danh là viên ngọc quý của du lịch Sapa bởi những nét đẹp hoang sơ, mộc mạc nhưng không kém phần độc đáo.

Rộn ràng những lễ hội hoa thu hút du khách

Các mùa Festival hoa Đà Lạt thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước. (Ảnh: Cường Bùi)
(PLVN) - Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ X với chủ đề “Miền hoa thương nhớ” sẽ chính thức diễn ra từ ngày 9 - 21/11/2024 tại Quảng trường Thanh niên huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Hấp dẫn Tuần lễ Hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya năm 2024

Tuần lễ hoa dã quỳ- Núi lửa Chư Đang Ya hứa hẹn đem đến cho người dân, du khách trải nghiệm thú vị.
(PLVN) - Ngày 8/11, UBND tỉnh Gia Lai khai mạc Tuần lễ Hoa dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 tại sân nhà Rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) với nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật hấp dẫn mang đậm bản sắc dân tộc Tây Nguyên.

Du lịch âm nhạc bùng nổ những tháng cuối năm

 Du lịch âm nhạc Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ vào những tháng cuối năm. (Ảnh: GDCS)
(PLVN) - Thời gian vừa qua, du lịch âm nhạc đang trở thành một sản phẩm được đầu tư mạnh mẽ ở Việt Nam. Bằng những concert (sự kiện) hấp dẫn, độc đáo, du lịch âm nhạc đang có dấu hiệu bùng nổ vào những tháng cuối năm 2024, hứa hẹn là động lực để Việt Nam đưa du lịch âm nhạc vươn tầm quốc tế trong tương lai.