Tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ sự cần thiết ban hành, mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật.
Theo đó, việc xây dựng dự thảo Luật nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành; luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023.
Việc xây dựng Luật để sửa đổi, bổ sung các quy định phòng ngừa rủi ro, tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng; xây dựng công cụ để quản lý các tổ chức tín dụng, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ nhân sự quản lý, điều hành của tổ chức tín dụng; phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành tổ chức tín dụng; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các công cụ để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước...
Dự thảo Luật được bố cục gồm 13 Chương, 195 Điều với những nội dung cơ bản về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; những quy định chung; về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng; về các nội dung liên quan đến hoạt động của tổ chức tín dụng; các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, phá sản, giải thể tổ chức tín dụng...
Về quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về người có liên quan; sửa đổi, bổ sung quy định những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ; giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan tại tổ chức tín dụng; bổ sung quyền, nghĩa vụ của người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng trong phạm vi quyền, nghĩa vụ được giao có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước...
Bên cạnh đó, để xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong hoạt động ngân hàng thời gian qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp như: quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ; sửa đổi, làm rõ nội dung yêu cầu về kiểm toán độc lập; bổ sung nhiệm kỳ thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), nhiệm kỳ của Thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Quy định rõ hành vi bị cấm trong hoạt động ngân hàng
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2), có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “can thiệp sớm” và “thanh lý, phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài” vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các đại biểu tại phiên họp. |
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, làm rõ khái niệm về tổ chức tín dụng; hoạt động ngân hàng, bao thanh toán, bảo lãnh và bổ sung một số khái niệm khác như vốn pháp định, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, dịch vụ ngân quỹ, giao đại lý...
Về tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 55), Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần là một trong những biện pháp nhằm hạn chế sự can thiệp, chi phối của cổ đông lớn vào quản trị của tổ chức tín dụng, đồng thời tăng tính đại chúng của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, đề nghị làm rõ hơn cơ sở đề xuất các tỷ lệ này; cần đánh giá rõ thực trạng sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng để xác định rõ mức độ, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo để đề xuất giải pháp căn cơ, triệt để và xử lý được tình trạng sở hữu chéo hiện nay.
Đồng thời, đánh giá kỹ lưỡng tác động, nhất là đối với các cổ đông hiện hữu sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần sau khi luật có hiệu lực và tác động đến thị trường chứng khoán.
Qua thảo luận, các Ủy viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa kịp thời những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực ngân hàng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát sinh, khắc phục những hạn chế, bất cập qua thi hành Luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH Nguyễn Thị Thanh đề nghị quy định rõ hành vi bị cấm trong hoạt động ngân hàng, như việc lợi dụng người đứng tên để chi phối quyền sở hữu, lách quy định để phục vụ lợi ích cho một nhóm cá nhân...