Chỉ giới hạn ở việc tống đạt văn bản, giấy tờ
Vấn đề tương trợ tư pháp trong thi hành án dân sự (THADS) được quy định tại Luật Tương trợ tư pháp năm 2007; Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/08/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp; Điều 181 Luật THADS; Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS; Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, TAND Tối cao quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự.
Thực tế cho thấy phạm vi tương trợ tư pháp về THADS hiện nay còn hẹp, chỉ giới hạn ở việc tống đạt văn bản, giấy tờ về thi hành án. Cụ thể, từ năm 2016, Việt Nam là thành viên của Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp. Tuy nhiên, phạm vi của Công ước chỉ điều chỉnh hoạt động tống đạt giấy tờ, tương trợ tư pháp hoàn toàn phụ thuộc vào thiện chí của quốc gia được yêu cầu.
Mặt khác, theo Điều 10 Luật Tương trợ tư pháp, phạm vi tương trợ tư pháp về dân sự chỉ gồm: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp về dân sự; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về dân sự.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực THADS, việc tương trợ tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài rất cần thiết để thực hiện các việc như: Tống đạt văn bản, giấy tờ về thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án; tạm giữ, phong toả, kê biên tài sản để thi hành án; công nhận và cho thi hành tại nước ngoài bản án, quyết định của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại… Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan THADS chỉ có quyền và phía nước ngoài cũng chỉ chấp nhận việc ủy thác tư pháp liên quan đến việc tống đạt văn bản, giấy tờ về thi hành án.
Bên cạnh đó, việc đề nghị phía nước ngoài thực hiện xác minh địa chỉ, tài sản vẫn còn nhiều vướng mắc về tương trợ tư pháp trong THADS. Cụ thể như: Phải cung cấp được địa chỉ nơi ở của đương sự, tài sản cần xác minh, số tài khoản. Phía nước ngoài sẽ trả lại hồ sơ nếu chỉ đề nghị chung là xác minh điều kiện thi hành án hoặc xác minh tài sản. Trong khi đó, dù có thông tin về tài sản của người thi hành án ở nước ngoài thì cũng không thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thi hành án vì để được thi hành bản án của tòa án Việt Nam phải được công nhận tại nước đó. Đối với các vụ việc THADS theo yêu cầu thì người được thi hành phải tự làm thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Việt Nam tại nước ngoài và sau đó tự tiến hành các thủ tục thi hành theo các quy định của nước sở tại phía nước ngoài.
Ủy thác nhiều, kết quả hạn chế
Ngoài ra, vướng mắc thực tiễn trong tương trợ tư pháp nói chung và trong THADS nói là thời gian thực hiện yêu cầu của phía nước ngoài kéo dài, nhiều kết quả không đáp ứng được yêu cầu giải quyết vụ việc vẫn còn nhiều trường hợp không nhận được phản hồi, dẫn đến việc giải quyết các vụ việc thi hành án gặp khó khăn, ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và các đương sự.
Đối với các trường hợp ủy thác tư pháp đến các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp thì phần lớn đều có kết quả trả lời nhưng đối với những nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định thì hầu hết không có kết quả, do đó những năm qua, cơ quan THADS thực hiện việc ủy thác tư pháp rất nhiều nhưng kết quả thu về còn hạn chế.
Để tháo gỡ bất cập nêu trên, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp trong THADS, nhất là các quy định về căn cứ thực hiện ủy thác tư pháp; trình tự thủ tục, chi phí, giảm bớt thời gian thực hiện ủy thác tư pháp để rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án. Đảm bảo nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết với các nước; tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan THADS có thể ủy thác tư pháp ra nước ngoài thực hiện các việc liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án. Cần bổ sung quy định của Luật Tương trợ tư pháp về việc công bố, thời hạn, cách thức công bố danh sách các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết với các nước, ngôn ngữ các nước sử dụng.
Song song với đó, cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan THADS địa phương khi thực hiện ủy thác tư pháp. Theo đó, trước khi gửi hồ sơ ủy thác tư pháp, cơ quan yêu cầu ủy thác tư pháp cần xác minh địa chỉ chính xác của đương sự; cần thực hiện đúng, đầy đủ thủ tục ủy thác tư pháp trong THADS; kịp thời phản ánh các vướng mắc để xử lý, hoàn thiện pháp luật…