Quyền của bào thai cần được bảo vệ
Một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 7 là quy định đối với trường hợp mua bán thai nhi. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc và bổ sung quy định cụ thể về việc mua bán thai nhi vào phạm vi điều chỉnh của luật này.
Đại biểu Trần Khánh Thu của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh “núp bóng” tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Tuy nhiên, việc mua bán thai nhi diễn ra từ khi mang thai đến khi đứa trẻ chưa chào đời, do đó chưa có hậu quả xảy ra, gây khó khăn cho công tác xử lý. Đại biểu này giải thích, pháp luật hình sự hiện hành chỉ coi trẻ em có quyền công dân khi đứa trẻ được sinh ra, trong khi thai nhi chưa được coi là con người và chưa là đối tượng của hành vi phạm tội.
Hiện nay, Luật Trẻ em năm 2016 định nghĩa trẻ em là người dưới 16 tuổi và có quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi bạo lực, bóc lột và mua bán. Tuy nhiên, Luật này chủ yếu tập trung vào trẻ em sau khi sinh, mà chưa có những quy định cụ thể về bào thai. Bên cạnh đó, Bộ luật Hình sự 2015 có Điều 150 về “Tội mua bán người” và Điều 151 về “Tội mua bán người dưới 16 tuổi” nhưng cũng chưa bao quát hết các tình huống cụ thể liên quan đến thai nhi. Khoảng trống này khiến cơ quan chức năng lúng túng khi không có căn cứ pháp lý cụ thể để xử lý hành vi mua bán thai nhi trên thực tế.
Nhận định tình trạng mua bán thai nhi đã xảy ra tại nhiều địa phương, là hành vi nguy hiểm cho xã hội và vi phạm đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục nhưng chưa có quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này, Đại biểu Thu đề xuất bổ sung truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp mua bán thai nhi.
Cùng quan điểm, Đại biểu Huỳnh Thị Phúc của Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đề nghị cần điều chỉnh hành vi mới phát sinh trong thực tiễn về mua bán người, bao gồm hành vi của người mẹ có con bán cũng phải được quy định là hành vi mua bán người. Nữ Đại biểu nhấn mạnh cần có giải pháp phù hợp đối với hành vi mua bán thai nhi trước tình hình phức tạp và tinh vi hiện nay.
Đồng tình, Đại biểu Thạch Phước Bình của Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, việc mua bán thai nhi là một hình thức vi phạm nghiêm trọng quyền con người và quyền trẻ em. Do đó, Việt Nam cần có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ thai nhi khỏi các hành vi mua bán. Đại biểu Bình cũng nêu dẫn chứng từ Hoa Kỳ, nơi một số bang có quy định cấm mua bán thai nhi và coi đó là hành vi phạm tội nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Hoa Kỳ, mặc dù luật liên bang không quy định cụ thể về việc công nhận bào thai là một thực thể có đầy đủ quyền lợi như một đứa trẻ sau khi sinh, nhưng một số bang đã ban hành luật bảo vệ bào thai. Đơn cử, luật tiểu bang Alabama công nhận bào thai từ lúc thụ tinh có quyền được bảo vệ. Điều này được thể hiện rõ trong các quy định về tội danh chống lại bào thai. Bên cạnh đó, Luật “Heartbeat Bill” (Luật Nhịp Tim) của tiểu bang Georgia cấm việc phá thai sau khi nhịp tim của thai nhi có thể được phát hiện, thường là khoảng sáu tuần thai kỳ. Luật này cũng công nhận bào thai là một thực thể có quyền sống.
Sớm bổ sung quy định, tránh bỏ lọt tội phạm
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty). |
Pháp luật Việt Nam vẫn chưa có những quy định cụ thể và rõ ràng về bảo vệ bào thai, điều này tạo điều kiện cho các đối tượng buôn bán người lợi dụng kẽ hở pháp lý. Đó là thiếu quy định cụ thể về quyền lợi của bào thai, khiến việc bảo vệ bào thai trở nên khó khăn; chưa có các biện pháp chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi mua bán thai nhi. Chưa kể, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý và tâm lý cho các bà mẹ mang thai, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh khó khăn vẫn còn thiếu, thiếu về cơ chế khuyến khích, thiếu cả về số lượng, chất lượng.
Tuy nhiên, vấn nạn mua bán bào thai không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là vấn đề nhân đạo. Thực tế cho thấy nhiều bà mẹ mang thai bị ép buộc hoặc lừa gạt để bán thai nhi của mình vì các lý do kinh tế hoặc lý do tình cảm. Việc bổ sung các quy định về bảo hộ thai nhi sẽ giúp các cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý triệt để các vụ việc liên quan đến bảo vệ thai nhi và bà mẹ mang thai khỏi những hành vi lừa gạt, cưỡng bức, ép buộc phải bán con mình.
Trên nghị trường, nhiều ĐBQH đã đề xuất bổ sung thêm các điều khoản về hành vi mua bán bào thai. Đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần mở rộng phạm vi của hành vi mua bán người, trong đó có hành vi mua bán nội tạng và bào thai, thai nhi. Đại biểu Thạch Phước Bình của Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề xuất bổ sung nội dung về biện pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quyền của thai nhi và bà mẹ mang thai, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc mua bán thai nhi, tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, bảo vệ tốt hơn cho thai nhi và bà mẹ mang thai. Các quy định hiện hành chưa đưa ra các biện pháp hỗ trợ cụ thể cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng buôn bán bào thai.
Bên cạnh việc cụ thể hoá quy định về bảo vệ thai nhi, bổ sung biện pháp hỗ trợ phụ nữ mang thai, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng cường các hình phạt, chế tài đối với hành vi mua bán thai nhi, bao gồm cả những người tham gia và những người môi giới, bao gồm cả các hình phạt tài chính và hình phạt tù nghiêm khắc để răn đe xã hội. Việc giám sát và xử lý các hành vi mua bán bào thai hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, do đó cũng cần có các cơ chế giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các hành vi mua bán bào thai. Các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Hơn nữa, trong bối cảnh tình trạng mua bán bào thai có tính chất xuyên biên giới, các cơ quan chức năng cũng cần có cơ chế, hành động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác để đấu tranh hiệu quả với tình trạng buôn bán người, bao gồm cả mua bán bào thai.
Tình trạng mua bán bào thai là một vấn đề nghiêm trọng, đòi hỏi chiến lược, chính sách cụ thể, toàn diện, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Việc bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật nhằm bảo vệ thai nhi, ngăn chặn tình trạng mua bán bào thai là cần thiết, cấp bách, tạo ra nền tảng pháp lý làm cơ sở xem xét, xử lý vi phạm thực tế. Chỉ khi có những biện pháp mạnh mẽ, pháp luật, xã hội mới có thể bảo vệ được quyền lợi của thai nhi và người mẹ mang bầu, tạo dựng một môi trường an toàn, công bằng hơn với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trẻ em khi còn trong bụng mẹ.