Chưa có chế tài quản lý thương nhân vi phạm
Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP (NĐ 107) về kinh doanh xuất khẩu (XK) gạo. Dự thảo NĐ 107 sửa đổi, bổ sung tập trung giải quyết các vấn đề như: Chế độ báo cáo số liệu thống kê hợp đồng XK và thực hiện hợp đồng XK gạo; Kiểm tra điều kiện kinh doanh XK gạo; Công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND cấp tỉnh và cơ quan liên quan tổ chức điều hành XK gạo; Ủy thác XK, nhập khẩu (NK) gạo; Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XK gạo…
Tại tờ trình, Bộ Công Thương lý giải, theo Nghị định cũ có nhiều vấn đề chưa được cụ thể hóa, gây khó khăn cho công tác điều hành XK gạo. Ví dụ, quy định về việc thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng XK gạo, tình hình thực tế tồn kho của thương nhân.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều thương nhân kinh doanh XK gạo chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm báo cáo theo quy định như: không báo cáo, báo cáo không đầy đủ nội dung theo quy định, có báo cáo nhưng không thường xuyên…
Do đó, các thông tin, số liệu liên quan (diện tích gieo trồng, sản lượng từng chủng loại lúa, lượng thóc, gạo hàng hóa tồn kho, XK...) thường không đầy đủ, xác thực, kịp thời, không phản ánh đúng thực tế, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều hành, quản lý sản xuất (SX), XK gạo đặc biệt tại thời điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
NĐ 107 cũng chỉ quy định “Thương nhân báo cáo không đúng sự thật hoặc không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định không được hưởng các chính sách ưu tiên quy định cho đến khi thương nhân chấm dứt, khắc phục hành vi vi phạm”.
Như vậy, theo Bộ Công Thương, các thương nhân vi phạm nghĩa vụ báo cáo chỉ bị phạt bằng hình thức “không được hưởng các chính sách như tham gia các chương trình xúc tiến, xây dựng, quảng bá hình ảnh, thương hiệu ở trong nước và ngoài nước, không được phân bổ chỉ tiêu thực hiện các hợp đồng XK gạo tập trung hay tham gia chương trình mua thóc, gạo tạm trữ của Nhà nước”.
Trong khi bối cảnh hiện nay, các thị trường thực hiện tư nhân hóa, giao dịch hợp đồng XK gạo tập trung còn rất ít, kinh phí quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại lại không đáng kể, không phân biệt giữa doanh nghiệp (DN) báo cáo và DN không báo cáo nên quy định của NĐ 107 khó có thể coi là "chế tài" để buộc các thương nhân phải thực hiện nghĩa vụ báo cáo. Cơ quan quản lý chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích các thương nhân tự giác chấp hành.
“Do đó, hiện chưa có chế tài đủ mạnh mang tính răn đe để áp dụng đối với các hành vi vi phạm về chế độ báo cáo và các trách nhiệm khác của thương nhân kinh doanh XK gạo” - tờ trình nêu rõ.
Cần có quy định về nhập khẩu gạo
Điểm bất cập nữa là Điều 5 NĐ 107 quy định, Sở Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp Sở NN&PTNT và cơ quan liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh XK gạo của thương nhân sau khi thương nhân được cấp Giấy chứng nhận.
Theo Bộ Công Thương, thực tế triển khai đã bộc lộ một số hạn chế như chậm tiến hành hậu kiểm do không xác định được Sở Công Thương tại tỉnh/thành phố nào chủ trì do thương nhân kinh doanh XK gạo có thể kê khai kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo tại nhiều địa phương để được cấp Giấy chứng nhận; Việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân còn chưa được quan tâm, đáp ứng, đặc biệt là về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy... nhưng chưa được Sở Công Thương các tỉnh kịp thời giám sát, báo cáo.
Chưa kể, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố chưa có sự chủ động trong công tác quản lý Nhà nước kiểm tra, báo cáo về việc duy trì điều kiện kinh doanh XK gạo, về việc thay đổi thông tin, năng lực SX của thương nhân trên địa bàn; chủ yếu thực hiện nhiệm vụ khi Bộ Công Thương phát hiện vấn đề và có văn bản chỉ đạo. Đây là vấn đề thực tiễn cần được xem xét sửa đổi
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho XK. Do vậy, khi xây dựng NĐ 107, hoạt động NK gạo không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, bảo đảm phù hợp với thực tế tại thời điểm xây dựng nghị định.
Tuy nhiên, việc NK gạo, dù để phục vụ nhu cầu SX, kinh doanh trong nước đã tăng mạnh trong năm 2021. Cùng với việc chưa được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời đã có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động SX trong nước như SX lúa gạo, SX thức ăn chăn nuôi, SX bia, rượu, SX các sản phẩm từ gạo như bún, bánh…
Điều này tạo ra sự cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người SX trong nước và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.
Do vậy, cần có quy định về quản lý NK gạo để giúp cơ quan quản lý Nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động NK gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.