Cơ sở pháp lý đầu tiên trong pháp điển
Liên quan đến lĩnh vực kiểm tra, rà soát, pháp điển văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cho biết: Theo đánh giá chung, cơ chế, chính sách cho hoạt động soạn thảo, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ.
Bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về thẩm quyền, phương thức thực hiện công tác soạn thảo, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), để có cơ chế cho các hoạt động này được triển khai thực hiện thuận lợi và hiệu quả hơn, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và liên tịch với các cơ quan ban hành các văn bản QPPL.
Về cơ bản, các văn bản này đã đảm bảo được cơ chế, chính sách cho các công tác xây dựng, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với Chính phủ xây dựng thêm và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho các công tác này.
Cụ thể, Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua là cơ sở pháp lý đầu tiên để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện công tác pháp điển hệ thống QPPL. Triển khai thực hiện pháp lệnh này, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL. Để các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng triển khai thực hiện công tác pháp điển trên thực tế, hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo thông tư hướng dẫn kỹ thuật pháp điển, dự kiến sẽ được ban hành ngay trong quý I/2014.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống QPPL. Hiện Dự thảo thông tư liên tịch đang được hoàn chỉnh để trình Lãnh đạo hai Bộ ký ban hành.
Đối với lĩnh vực kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cho biết: Để công khai, minh bạch quy định thủ tục hành chính cũng như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ các thủ tục hành chính trong phạm vi cả nước, pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan.Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc nhập các thủ tục hành chính và văn bản quy định về thủ tục hành chính đã được công bố vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thủ tục hành chính và văn bản quy định về thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đã được luật định.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm đăng tải dữ liệu về thủ tục hành chính đã được Bộ, ngành, địa phương gửi trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các dữ liệu về thủ tục hành chính. Do đó, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng Dự thảo Quy chế nhập, đăng tải, khai thác, quản lý và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia theo hướng tạo thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính.
Chú trọng khâu kiểm soát thủ tục hành chính
Về đề nghị của một số địa phương cho rằng cần có văn bản hướng dẫn cụ thể việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ để thống nhất thực hiện, Bộ Tư pháp cho biết: Bộ đã nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn công bố, niêm yết thủ tục hành chính và chế độ báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính.
Dự thảo đã được gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và đang được tổng hợp, hoàn chỉnh, dự kiến sẽ ban hành trong thời gian tới để triển khai thực hiện trong năm 2014. Trong khi chờ ban hành Thông tư hướng dẫn, các Bộ, ngành, địa phương vẫn thực hiện báo cáo công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 5156/VPCP-KSTT ngày 28/7/2011 của Văn phòng Chính phủ.
Liên quan đến công tác tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác kiểm soát thủ tục hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm nâng cao kỹ năng và trình độ nghiệp vụ mà UBND các tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Sơn La, Bình Dương, Yên Bái, Quảng Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bộ Tư pháp cho hay: năm 2013, sau khi các Bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành việc ổn định tổ chức, chuyển giao công tác kiểm soát thủ tục hành chính từ Văn phòng Bộ, ngành, Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sang Tổ chức Pháp chế các Bộ, ngành và Sở Tư pháp các địa phương, Bộ Tư pháp đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến cho trên 400 học viên là đại diện lãnh đạo tổ chức pháp chế, lãnh đạo Sở Tư pháp, cán bộ, công chức Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính các Bộ, ngành, địa phương.
Sau đó, Bộ đã bổ sung, hoàn chỉnh tài liệu, nội dung hỏi - đáp (các ví dụ, các bài tập về công tác kiểm soát thủ tục hành chính) và đăng tải trên Trang tin điện tử tổng hợp tại địa chỉ thutuchanhchinh.vn để phục vụ việc nghiên cứu, sử dụng trong quá trình tập huấn lại cho cán bộ đầu mối làm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.
Chưa hết, để giúp các Bộ, ngành, địa phương trong việc truyền đạt các nội dung liên quan tới công tác kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng chương trình làm việc với tổ chức pháp chế các Bộ, ngành để tiếp tục nâng cao nhận thức, như kỹ năng, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách về kiểm soát thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp đang biên soạn “Sổ tay nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính” để chuyển đến tất cả các Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, công chức kiểm soát thủ tục hành chính. Năm 2014, Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức các đợt tập huấn nghiệp vụ về kiểm soát thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức chuyên trách kiểm soát thủ tục hành chính, cán bộ đầu mối làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các Bộ, ngành, địa phương.