Đồng chủ trì Hội thảo là Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng và Giám đốc Viện Hợp tác quốc tế, Quỹ Hanns Seidel Foundation Susanne Luther. Tham dự Hội thảo còn có Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Lê Thị Hoàng Thanh; các chuyên gia, giáo sư đến từ trong nước và quốc tế; đại diện các bộ, ngành liên quan…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, nhân loại đang chứng kiến những tác động sâu rộng và mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Cuộc cách mạng này được cho là mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nhân loại, đặc biệt thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia.
Toàn cảnh Hội thảo |
Nói đến CMCN 4.0 là nói đến những công nghệ đột phá như: chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), rôbốt, Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây... trong đó nổi bật là sự bùng nổ của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI).
Sự phát triển và ứng dụng rộng rãi của công nghệ AI trong nhiều lĩnh vực như giao thông, y tế, tài chính, bán lẻ, quảng cáo… mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với mỗi quốc gia, trong đó có những thách thức về mặt pháp lý như vấn đề an ninh, an toàn; vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân; vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; vấn đề xây dựng tiêu chuẩn ngành; vấn đề xác định trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan đến AI.
Tại Việt Nam, với tiềm năng và lợi thế về nhân lực, sự nhạy bén, AI đang được phát triển và ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội như bán lẻ; quảng cáo; tài chính; y tế; trợ lý ảo; các sản phẩm xử lý ảnh, camera nhận dạng; xe tự hành.
Thứ trưởng Bộ tư pháp Trần Tiến Dũng phát biểu khai mạc. |
Xác định khả năng tác động của AI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự cần thiết của việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo hành lang pháp lý thông thoáng đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào cuộc sống; đồng thời, phát triển và ứng dụng AI lấy con người và doanh nghiệp làm trung tâm, tránh lạm dụng công nghệ và xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, trong đó, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Theo Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, để xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo, chúng ta cần hiểu rõ những rủi ro mà AI mang lại; tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong đó có kinh nghiệm của Liên minh châu Âu và CHLB Đức trong việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng hi vọng các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tích cực thảo luận, trao đổi về các giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới AI tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tích cực, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mặt khác, hạn chế và ngăn chặn những rủi ro của AI đối với xã hội.
Thứ trưởng tin tưởng thông qua việc trao đổi, chia sẻ trên, Bộ Tư pháp cũng như các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan có thêm các thông tin, kinh nghiệm hữu ích trong việc triển khai Quyết định số 127/QĐ-TTg.
Tại Hội thảo, các Giáo sư đến từ châu Âu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm pháp luật của CHLB Đức và Liên minh châu Âu về xây dựng khung pháp lý để quản lý AI, xác định trách nhiệm pháp lý của các đối tượng liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Các chuyên gia đến từ Việt Nam trao đổi một số vấn đề pháp lý về AI tại Việt Nam…/.