Mới đây, tại buổi tọa đàm về Áo dài diễn ra ở TP HCM, trong nhiều ý kiến xoay quanh trang phục áo dài, đề xuất của bà Lê Tú Cẩm - Chủ tịch Hội Di sản TPHCM đã thu hút sự chú ý của dư luận.
Theo bà Lê Tú Cẩm, quan sát các cuộc thi hoa hậu những năm qua, rất ít khi thấy thí sinh trong trang phục áo dài trong đêm chung kết mà hầu hết diện trang phục dạ hội hoặc các trang phục đặc biệt theo chủ đề.
Bà Lê Tú Cẩm bày tỏ quan điểm: “Tôi vẫn chưa rõ vì sao, tại các cuộc thi hoa hậu, khi bước vào phần thi trang phục dạ hội thì cứ phải đầm dạ hội? Áo dài Việt Nam không là trang phục dạ hội được sao? Biết bao chiếc áo dài với bàn tay của những nhà thiết kế tài hoa của chúng ta, rất xứng đáng là trang phục dạ hội, không thua kém các bộ váy đầm dạ hội về sự kiêu sa, lộng lẫy, trang trọng, lịch lãm...
Nhìn sang lĩnh vực thể dục - thể thao, khi vận động viên Việt Nam đoạt huy chương vàng tại các giải đấu quốc tế, lúc bước lên bục danh dự cũng là lúc lá cờ Việt Nam tung bay. Đối với hoa hậu Việt Nam, khi đăng quang, khoác trên người chiếc áo dài mang đậm "quốc hồn, quốc túy" là niềm tự hào của cá nhân và của đất nước Việt Nam”.
Từ ý kiến này, bà Lê Tú Cẩm đưa ra kiến nghị Nhà nước cần quy định, khi đăng quang, hoa hậu phải mặc áo dài.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, doanh nhân chia sẻ, thảo luận về trang phục áo dài trong đời sống, cũng như việc khuyến khích các doanh nhân mặc áo dài truyền thống khi thực hiện ký kết hợp tác hoặc tham gia các sự kiện quan trọng, nhất là đối với nam giới.
Riêng ý kiến của bà Tú Cẩm về việc “bắt buộc” diện áo dài trong đêm chung kết hoa hậu, đã có nhiều luồng ý kiến không đồng tình. Trong đó, có cả ý kiến của NTK áo dài nổi tiếng Sỹ Hoàng.
Ông Sỹ Hoàng cho rằng, chúng ta đang ở thời kì hội nhập và không nên đi ngược với tiến trình hội nhập bằng cách “buộc” phải mang áo dài và từ chối trang phục dạ hội trong đêm chung kết bất cứ cuộc thi nào. “Dạ hội là sự hội nhập, còn áo dài là giữ gìn bản sắc. Chúng ta không nên đi từ cực này sang cực kia”, NKT Sỹ Hoàng chia sẻ.
Stylist trẻ Đan Châu thì bày tỏ: “Tôi nghĩ áo dài là nét đẹp văn hóa Việt. Có thể quy định công chức nên mặc áo dài vào đầu tuần chẳng hạn, nhưng là một cuộc thi nhan sắc, hoặc bất cứ cuộc thi nào thì không thể, không nên “ép” mặc áo dài. Vì như thế sẽ “đồng bộ hóa” thí sinh, gây khó khăn cho sáng tạo. Hầu như chưa có quốc gia nào quy định như thế, bởi thử tưởng tượng cảnh hàng loạt các người đẹp mặc kimono hay handbook lên sân khấu chung kết hoa hậu thì sẽ như thế nào. Tôi nghĩ mặc áo dài trong các cuộc thi nhan sắc là một ý tưởng hay, góp phần quảng bá hình ảnh nét đẹp áo dài Việt, nhưng chỉ nên dừng ở mức “khuyến khích”.
Những năm trước đây, việc yêu cầu mặc áo dài trong một số trường hợp nhất định cũng đã gây ra nhiều luồng tranh cãi. Như đề xuất của nghệ sĩ Kim Xuân với nội dung “cho nam sinh mặc áo dài đi học vào sáng thứ hai đầu tuần”; ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đã từng đề xuất xây dựng luật để nam giới và nữ giới đều mặc áo ngũ thân truyền thống hay việc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai cho cả nam, nữ công chức mặc áo dài ngũ thân cho buổi chào cờ đầu tuần của tháng mới.
Công chức Huế mặc áo dài ngũ thân nơi công sở |
Khi một ý kiến mới đưa ra, tất yếu sẽ nhận không ít luồng ý kiến trái chiều, nhưng có một thực tế cần ghi nhận là nhiều ý kiến ban đầu có vẻ khó khả thi, nhưng khi áp dụng vào thực tế lại đem về hiệu quả bất ngờ. Như việc triển khai mặc áo dài ở Huế đã được tiến hành đồng bộ, khiến phong trào mặc áo dài ngũ thân trong giới trẻ Huế tăng cao, góp phần tôn thêm nét đẹp văn hóa cổ truyền của Huế.
Cũng cần thừa nhận rằng, với nỗ lực của những người yêu áo dài, trong những năm qua, áo dài đã trở lại với đời sống thường nhật của người Việt. Đặc biệt, giới trẻ quan tâm nhiều đến áo dài hơn, tà áo dài ngũ thân cũng xuất hiện nhiều trong các đám cưới, sàn diễn thời trang hay các bộ ảnh chụp phong cảnh, di tích.
Mỗi một đề xuất nhằm phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền, dẫu thế nào vẫn mang giá trị đáng để tham khảo, đáng để ghi nhận. Còn việc có thực hiện được hay không, còn phải chờ thực tế chứng minh.