Trong 5 năm qua, tỉnh Hòa Bình đã rà soát, điều chỉnh quy hoạch, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết chuyên đề, các chính sách phát triển sản phẩm nông nghiệp lợi thế của tỉnh. Công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm luôn được ngành nông nghiệp đặc biệt chú trọng.
Theo đó, đã có 93 doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn, tuần lễ nhận diện nông sản an toàn tổ chức tại các tỉnh, thành phố. Thông qua đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có thêm cơ hội tìm kiếm đối tác để hợp tác kinh doanh, học hỏi kinh nghiệm, làm cầu nối giữa sản xuất và thị trường.
Mặt khác, để bảo vệ quyền lợi của các cơ sở làm ăn chân chính, tránh sự lợi dụng, làm giả thương hiệu sản phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã triển khai dán trên 7,3 triệu tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như: cam Cao Phong, cam Mường Động, bưởi đỏ Tân Lạc, cá sông Đà, chuỗi thịt lợn, măng các loại…
Đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm lợi thế như cam, quýt, bưởi, mía tím, rau hữu cơ, gà đồi, lợn bản, dê núi đá, cá sông Đà, mật ong… Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap, được cấp nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý.
Trong đó, nổi bật là cam Cao Phong với khoảng 1.018,34 ha được cấp chứng nhận VietGAP, được người tiêu dùng cả nước biết đến, trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, thông qua các hội nghị xúc tiến thương mại, tỉnh đã ký kết được 10 bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp tỉnh trong việc liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó, Sở NN&PTNT đã ký biên bản ghi nhớ với một số tập đoàn lớn về tiêu thụ sản phẩm như: Tập đoàn Central Group Việt Nam, Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp...
Trong 1 năm qua, khả năng sản xuất, cung cấp sản phẩm nông sản ra thị trường từ các chuỗi sản xuất của tỉnh đạt trên 3.128 tấn rau; 24.000 tấn quả có múi các loại; 250 tấn thịt lợn; 1.500 tấn cá sông Đà; 300 tấn sản phẩm chế biến các loại.
Chất lượng, ATTP của sản phẩm trước khi lưu thông trên thị trường, cung cấp cho người tiêu dùng luôn có sự tăng cường giám sát của các cơ quan quản lý từ địa phương tới T.Ư. Nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng khi được cung ứng vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ đã được người dân địa phương chấp nhận, đánh giá cao về chất lượng.
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, tiếp tục duy trì hoạt động các chuỗi liên kết, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết mới trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tăng cường phối hợp, chỉ đạo các địa phương tạo cơ chế thông thoáng để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực ứng dụng công nghệ cao tham gia tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn…
Trong thời gian tới, tỉnh Hòa Bình cần tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định của Nhà nước về ATTP đến mọi đối tượng trên địa bàn. Trong đó, chú ý đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất có tính chất nhỏ lẻ, thủ công, thời vụ nhằm nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP./.