Hỗ trợ nhà ở đối với người có công: Có tình trạng lạm dụng chính sách?

Cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo nhà ở cho người có công (ảnh minh họa).
Cần chú trọng huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo nhà ở cho người có công (ảnh minh họa).
(PLO) - Theo Nghị quyết của Quốc hội về việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng thì số lượng cần hỗ trợ khoảng 71.000 hộ. Tuy nhiên, khi triển khai Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, theo kê khai của các địa phương đến tháng 7/2014, số lượng đã lên tới trên 300.000 hộ, tăng gấp 4,6 lần so với số lượng dự kiến.

Để làm rõ nguyên nhân sự chênh lệch trên, hôm qua (19/10), Ủy ban về Các vấn đề xã hội (UBVCVĐXH) của Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên họp toàn thể nghe Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan giải trình việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng từ năm 2013 đến ngày 30/9/2016. 

Làm rõ trách nhiệm tham mưu

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, theo Nghị quyết 494 của QH, có 12 nhóm đối tượng người có công với cách mạng thuộc đối tượng được hỗ trợ. Theo đó, số lượng hỗ trợ khoảng 71.000 hộ (49.000 hộ xây dựng mới và hơn 21.000 hộ sửa chữa, cải tạo). Theo đề nghị thêm của các địa phương, tổng số hộ được hỗ trợ trong giai đoạn 1 nâng lên thành 80.000 hộ.

 Tuy nhiên, khi triển khai Quyết định 22 của Chính phủ, theo kê khai của các địa phương đến tháng 7/2014, số lượng lên tới trên 300.000 hộ, tăng gấp 4,6 lần so với số lượng dự kiến năm 2012. Theo thống kê, đến hết tháng 9/2016, Nhà nước đã hoàn thành hỗ trợ 75.600 trên tổng số 80.000 hộ. Còn lại 4.400 hộ, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Tổng kinh phí đã cấp đủ để thực hiện chính sách này (gần 2.800 tỷ đồng).  

Về việc tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công giai đoạn tới, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ: quan điểm của Bộ Xây dựng là cố gắng hỗ trợ tối đa người có công về nhà ở. Theo số liệu tính toán đến ngày 30/9/2016 thì giai đoạn tới cần 7.540 tỷ đồng để hỗ trợ cho 291.128 hộ. 

Trước sự chênh lệch quá lớn về đối tượng được hỗ trợ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UBVCVĐXH của QH đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan khi tham mưu cho Chính phủ xây dựng Quyết định 22 để triển khai Nghị quyết của QH. Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH của QH Đặng Thuần Phong cho rằng Nghị quyết của QH nêu rõ đối tượng hỗ trợ là người có công đang ở nhà tạm hoặc hư hỏng nặng; khảo sát chỉ có 71.000 hộ, nhưng số cho bổ sung lại lên tới 335.000 hộ, thì “việc mở rộng đối tượng theo Quyết định 22 vượt tầm Pháp lệnh Người có công, làm vượt lớn dự kiến ngân sách và đây là lỗi trong việc tham mưu”. Như vậy, “có hay không tình trạng lạm dụng chính sách, không minh bạch trong quá trình rà soát, thực hiện chính sách?” – ông Phong đặt vấn đề. 

Tìm cách cân đối nguồn lực

Lý giải tình trạng biến động liên tục về số hộ được hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, khi các địa phương báo cáo số liệu với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 thì chưa có tiêu chí hỗ trợ cụ thể về đối tượng và nhà ở nên hầu hết các địa phương chỉ rà soát 7 nhóm đối tượng đầu tiên trong số 12 nhóm đối tượng người có công với cách mạng; cũng có địa phương chỉ rà soát 3 trong số 12 nhóm đối tượng. 

Tuy nhiên, theo Quyết định 22 thì cả 12 nhóm đối tượng đều được hỗ trợ nên số lượng tăng lên rất nhiều so với báo cáo năm 2012. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp hiện trạng nhà ở thời điểm năm 2012 còn tốt nhưng khi triển khai Quyết định 22 thì đã bị xuống cấp, hư hỏng trầm trọng do bị thiên tai như bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất… nên số lượng nhà ở cần hỗ trợ cũng tăng lên… Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cũng thừa nhận trong vấn đề này có trách nhiệm của địa phương và giữa các bộ còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, cần phải rút kinh nghiệm. 

Ngoài  ra, các đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan làm rõ vấn đề: với những hộ người có công thuộc diện hỗ trợ giai đoạn 2, chưa được cấp kinh phí nhưng do nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp nên đã tự bỏ kinh phí hoặc vay mượn để làm thì có được Nhà nước hoàn trả kinh phí hay không và khi nào thì được hoàn trả? Trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm trễ từ khi ban hành chính sách đến tổ chức triển khai thực hiện khiến cho nhiều người có công chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thì đã qua đời? Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, đối với những trường hợp người có công thuộc diện được hỗ trợ nhà ở nhưng đã mất, Bộ Xây dựng đề xuất thực hiện hỗ trợ đối với vợ hoặc chồng của người đó. Trong trường hợp cả vợ, chồng đều đã mất thì sẽ thôi không thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở nữa. 

Nhấn mạnh tính quan trọng của việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, tuy nhiên, các thành viên UBVCVĐXH của QH cũng cho rằng, nếu vẫn rà soát và thực hiện theo cách thức như hiện nay thì Nhà nước sẽ mãi chạy theo sự biến động về số lượng hộ cần hỗ trợ và ngân sách nhà nước không thể đáp ứng được. Để thực hiện có hiệu quả chính sách này thì điều quan trọng là phải cân đối được nguồn lực, đồng thời phải theo một nguyên tắc nhất quán là: Nhà nước hỗ trợ và huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, trong báo cáo của các bộ, ngành tại phiên giải trình thì chưa thấy đề cập đến giải pháp xã hội hóa nguồn lực để chăm lo nhà ở cho người có công.

Đọc thêm

“Lùm xùm” tại dự án Dinh I Đà Lạt: UBND tỉnh và nhà đầu tư chưa thống nhất được số tiền bồi thường

Toàn cảnh Dinh I nhìn từ trên cao.
(PLVN) - Ngày 25/4/2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Cty CP Hoàn Cầu Đà Lạt ngừng hoạt động khai thác kinh doanh, không tổ chức đón khách tại dự án King Palace (Dinh 1, đường Trần Quang Diệu, TP Đà Lạt). Đây là diễn biến mới nhất liên quan vụ “lùm xùm” tại dự án Dinh I kéo dài nhiều năm nay.

Long An: Bốn năm chờ bồi thường 2 tài sản bị bỏ sót khi kiểm đếm

Trạm trộn bê tông và trạm điện (nằm sát nhau, bên trái) của Cty Lực Tấn đến nay vẫn chưa được bồi thường. (Ảnh: Bùi Yên)
(PLVN) - Nhận được quyết định bồi thường, Cty TNHH Đầu tư - Xây dựng - Thương mại Lực Tấn (địa chỉ lô LG12, đường số 2, khu công nghiệp (KCN) Xuyên Á, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) khiếu nại, kiến nghị vì bị bỏ sót 2 tài sản. Bốn năm qua, Cty vẫn chờ kết quả từ cơ quan chức năng.

Nộp phạt muộn có bị thu hồi giấy phép lái xe không?

Ảnh minh họa (Nguồn: laodong.vn).
(PLVN) - Tôi bị vi phạm giao thông lỗi quá tốc độ, bị áp dụng hình thức là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Sắp tới tôi bận việc ở xa không trực tiếp để nộp phạt theo đúng thời hạn quy định được. Vậy tôi đến nộp phạt muộn có thể nhận lại bằng lái xe không?

Sau bài viết một số khu tái định cư tại TP Huế chưa có nước sạch: Lãnh đạo Thừa Thiên Huế yêu cầu cấp nước trước ngày 10/5

Các bên đã thống nhất sẽ bảo đảm cung ứng nước cho dân trước ngày 10/5/2024. (Ảnh trong bài: Tám Bảy)
(PLVN) - Báo Pháp luật Việt Nam - PLVN đã có bài phản ánh việc người dân tại khu tái định cư (TĐC) Hương Sơ 9 và 10 (TP Huế) tới đây sinh sống từ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nhưng phải sống trong cảnh chưa có nước sạch. Sau khi báo đăng, chiều 23/4, ông Phan Ngọc Thọ (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế) đã tới địa phương kiểm tra thực tế, gặp người dân và cơ quan liên quan.

Hiệu quả từ những cơ chế đúng đắn

Cao tốc Bắc Nam (Ảnh: Báo Chính phủ)
(PLVN) - Sau một thời gian các đoạn cao tốc đi vào vận hành và nhận được những phàn nàn từ những người đi trên cao tốc về vấn đề không có trạm dừng nghỉ, cơ quan chức năng đã quyết liệt vào cuộc. Đại diện Cục Đường cao tốc cho biết, bảo đảm trong năm 2024, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đều có trạm dừng nghỉ.

Doanh nghiệp đề xuất tặng công trình vi phạm cho địa phương: UBND tỉnh Hải Dương đưa ra hướng xử lý

Công trình vi phạm trên đất của BV Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Hoàng Giang)
(PLVN) - Tỉnh sẽ tiếp nhận công trình xây dựng vi phạm trên diện tích đất của Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền để tránh gây lãng phí, thất thoát tiền. Ý kiến được ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đưa ra, tại cuộc họp Hội đồng thẩm định các dự án đầu tư công do cấp tỉnh quản lý.