Kỳ án Hồ Duy Hải: Những vấn đề pháp lý phiên giám đốc thẩm sẽ đặt ra

(PLVN) - Có phải được giám đốc thẩm (GĐT) là Hồ Duy Hải sẽ được giải oan và được trả tự do? Có phải là chỉ khi nào tìm ra hung thủ thật sự thì Hồ Duy Hải mới được minh oan? Hội đồng Thẩm phán có quyền bác kháng nghị của VKSNDTC hay không? Nếu bác kháng nghị thì vụ án có còn được xem xét ở cấp nào khác hay không? 

Nhiều vấn đề pháp lý thú vị và mới mẻ sẽ diễn ra trong vụ án này. Ngày 5/5, một ngày trước khi dự kiến xét xử GĐT vụ án Hồ Duy Hải, PLVN đã trao đổi với Luật sư (LS) Trần Hồng Phong (Đoàn LS TP HCM) về những vấn đề pháp lý sẽ xảy ra trong phiên xử này.

Vẫn còn “cửa” cho Hồ Duy Hải

Thưa LS, phiên GĐT bao gồm những ai? 

- GĐT là trình tự đặc biệt dành cho các vụ án được Viện trưởng VKSNDTC hoặc Chánh án TANDTC kháng nghị. Tùy theo mức độ phức tạp của vụ án mà HĐXX sẽ gồm từ 3-5 thành viên hoặc toàn bộ Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Theo quy định, thông thường phiên tòa GĐT có sự tham gia của đại diện VKSNDTC và cũng có thể sẽ mời LS bào chữa tham gia; hoặc nếu cần thiết có thể có cả bị án, những người có liên quan. 

Với phiên tòa GĐT vụ án Hồ Duy Hải, Chánh án TANDTC chủ tọa phiên tòa và có khả năng là toàn bộ Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ tham dự. Tòa còn mời cả các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm.

Với thành phần tham dự rộng rãi như vậy, hy vọng là phiên tòa sẽ sôi nổi, làm rõ những vướng mắc của vụ án.

Thể thức xét xử sẽ như thế nào?

- Về trình tự, HĐXX sẽ nghe đại diện VKSNDTC trình bày kháng nghị, nghe phát biểu của các bên để làm sáng tỏ vụ án và đưa ra phán quyết theo đa số.

Hội đồng Thẩm phán sẽ xem xét toàn diện vụ án mà không bị hạn chế trong phạm vi nào. Hội đồng Thẩm phán sẽ đưa ra quyết định của mình bằng hình thức bỏ phiếu, thể hiện tại một văn bản gọi là Quyết định GĐT. Trong Quyết định sẽ thể hiện nội dung chấp nhận hoặc không chấp nhận quyết định kháng nghị (yêu cầu) của VKSNDTC.

Nếu chấp nhận kháng nghị, tức là sẽ chính thức hủy cả hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) kết tội đối với Hồ Duy Hải và trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, theo hướng khắc phục những sai sót, vi phạm trước đây.

Theo tôi, khả năng này cao và trong tình huống này, Hồ Duy Hải sẽ lại trở thành một “bị can”, chứ không là “tội phạm” như hiện nay nữa.

Trong tình huống Hội đồng Thẩm phán không chấp nhận kháng nghị của VKSNDTC thì còn có cơ quan, tổ chức nào có thể kiến nghị, xem xét bản án? Hồ Duy Hải và gia đình có còn “cửa” nào để cầu cứu?

- Thực sự, qua nội dung nêu trong Quyết định kháng nghị GĐT của VKSNDTC thì tôi cho rằng khả năng rất cao là Hội đồng Thẩm phán của TANDTC sẽ chấp nhận kháng nghị. Vì VKSNDTC đã chỉ ra rất rõ trong cả hai bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) kết tội đối với Hồ Duy Hải đều có những mâu thuẫn và vi phạm hết sức nghiêm trọng, liên quan đến bản chất của vụ án, cũng chính là tính chất kết tội đúng sai với Hồ Duy Hải. Và điều này hầu như không thể khắc phục hay làm rõ nếu không tiến hành điều tra lại. Hay nói khác đi là tôi không tin kháng nghị của VKSNDTC sẽ bị bác.

Tuy nhiên, giả sử rằng xảy ra trường hợp Hội đồng Thẩm phán bác quyết định kháng nghị của VKSNDTC thì rất tình cờ và may mắn là hiện nay, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, vẫn còn có thêm một “cửa” nữa: Đó là “Thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC”. 

Theo đó, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng; hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán không biết được khi ra quyết định đó thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC hoặc Chánh án TANDTC có quyền đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải xem xét lại quyết định đó thông qua một “phiên họp”, với sự tham gia của bên yêu cầu hay đề nghị. 

Cũng cần nói thêm là trước đây trong Luật Tố tụng Hình sự không có quy định này. Nhưng từ năm 2015 đã bổ sung thêm quy định này, nhằm hạn chế oan sai đến mức thấp nhất có thể. Theo tôi được biết thì tới nay chưa có trường hợp nào phải trải qua thủ tục đặc biệt này. 

Vẫn còn cả một chặng đường dài

Vụ án đã xảy ra quá lâu, ngay thời điểm đó vật chứng gây án đã phải mua ngoài chợ; dấu vân tay, vết máu trên hiện trường đã không phải là của Hồ Duy Hải, nếu điều tra lại thì làm sao có được chứng cứ giết người? Cơ quan điều tra có quyền và trách nhiệm gì khi điều tra lại?

- Trong quá trình điều tra lại, nếu không có đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ban hành quyết định đình chỉ vụ án. Tức là Hồ Duy Hải sẽ được tuyên bố là không phạm tội. Còn nếu vẫn kết tội thì Hồ Duy Hải sẽ bị đưa ra xét xử lại, từ sơ thẩm, rồi phúc thẩm.

Nói chung phía trước vẫn còn cả một chặng đường khá dài với nhiều khả năng, tình huống.

Ngay từ năm 2014, PLVN đã có loạt bài phản ánh dấu hiệu oan sai vụ Hồ Duy Hải (Hình: Người thân Hồ Duy Hải đọc ấn phẩm của PLVN).
 Ngay từ năm 2014, PLVN đã có loạt bài phản ánh dấu hiệu oan sai vụ Hồ Duy Hải (Hình: Người thân Hồ Duy Hải đọc ấn phẩm của PLVN).

Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xảy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất?

- Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TANDTC ra quyết định GĐT theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của VKSNDTC. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu CQĐT tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, LS có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không?

- Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các LS bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù chúng tôi đã có đơn đề nghị.

Nói một cách khách quan thì LS bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của LS.

Trên thực tế, các LS cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như khi đọc kháng nghị của VKS, tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20/3/2008, ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21/3/2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải. Hay như trong hồ sơ, có các bản khai của đối tượng Nguyễn Văn Nghị, nhưng LS chưa bao giờ nhìn thấy. 

Trước đây, song song với việc kêu oan cho Hồ Duy Hải, LS đã tố cáo một người tên Nguyễn Văn Nghị. Xin cho biết tố cáo người này trên cơ sở nào? 

- Vấn đề này không đơn giản để có thể trình bày một cách ngắn gọn trong một bài phỏng vấn. Nhưng tôi có thể nói gọn là dựa trên hai tình tiết chính: Thông tin về việc tối hôm xảy ra án mạng đối tượng này có mặt tại hiện trường (Bưu điện Cầu Voi) và toàn bộ tài liệu, thông tin về người này đã bị rút khỏi hồ sơ một cách rất bất thường và sai quy định.  

Động thái từ các cơ quan tố tụng sau khi nhận đơn là thế nào? Hiện nay LS còn bảo lưu quan điểm này không?

- Tôi không nắm được thông tin cụ thể từ các cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, tất nhiên là tôi và gia đình Hồ Duy Hải vẫn hoàn toàn giữ vững quan điểm và các đề nghị, kiến nghị nêu trong ba lá đơn (đề nghị GĐT, tố giác đối tượng Nguyễn Văn Nghị và tố cáo làm sai lệch hồ sơ vụ án). Mục tiêu là kêu oan, minh oan cho Hồ Duy Hải.

Xin cảm ơn luật sư!

“Tôi tin Hội đồng GĐT sẽ tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với Hồ Duy Hải. Theo quy định của pháp luật, ở vào trường hợp Hội đồng GĐT tuyên hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại thì lúc này Hồ Duy Hải vẫn là bị can trong vụ án. Trong quá trình điều tra lại, nếu cơ quan tiến hành tố tụng thấy không đủ chứng cứ buộc tội và ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Hồ Duy Hải thì lúc đó anh này mới được coi là không có tội”.

(LS Trần Văn Tạo, người từng xin Chủ tịch nước tạm hoãn thi hành án tử hình đối với tử tù Hồ Duy Hải)

“Tôi tin tại phiên GĐT vụ Hồ Duy Hải tới đây từ ngày 6 đến ngày 8/5, Hội đồng GĐT sẽ tuyên hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Với những chứng cứ các LS chúng tôi phân tích về sai phạm trong quá trình tiến hành tố tụng, kháng nghị của VKSNDTC đã chỉ rõ thì Hội đồng GĐT không thể coi bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An, bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại TP HCM đã kết tội với Hồ Duy Hải là đúng.

Việc vi phạm pháp luật tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án Hồ Duy Hải đã thể hiện rõ với đầy đủ chứng cứ. Tôi cho rằng, cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật trong vụ án Hồ Duy Hải để đưa ra phán quyết hợp pháp”.

(Một LS thuộc Đoàn LS Hà Nội)

Đọc thêm

Khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ sai phạm về quản lý đất đai tại Lào Cai

Vũ Xuân Nghiêm thời điểm bị bắt giữ.
(PLVN) -  Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc  của 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Bắt tạm giam Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã thi hành lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi.
(PLVN) - Liên quan đến vụ án vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh An Giang, sáng 20/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa tống đạt quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam bị can Nguyễn Văn Giỏi (SN 1991, ngụ huyện An Phú, tỉnh An Giang) - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Hào Kiệt về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Bí thư Bến Tre cùng hàng loạt cựu quan chức thuộc Bộ Công thương chuẩn bị hầu tòa

Ông Lê Đức Thọ khi còn đương chức (Ảnh Internet)
(PLVN) - Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có Quyết định đưa vụ án ‘‘Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức’’ ra xét xử vào ngày 20/11 đối với cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre Lê Đức Thọ cùng 14 bị cáo là cựu quan chức của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.HCM…

Lợi dụng công ty bảo hiểm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Lợi dụng công ty bảo hiểm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
(PLVN) - Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét nơi ở đối với đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lợi dụng đầu tư vào các sản phẩm của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam.