Giám đốc thẩm kỳ án Hồ Duy Hải: Những kỷ lục trong lịch sử tố tụng Việt Nam

LS Trần Hồng Phong trao đổi với gia đình Hồ Duy Hải chuẩn bị hồ sơ tham gia phiên xử GĐT.
LS Trần Hồng Phong trao đổi với gia đình Hồ Duy Hải chuẩn bị hồ sơ tham gia phiên xử GĐT.
(PLVN) - Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, luật sư bào chữa được mời tham gia xử giám đốc thẩm. Chưa hết, việc Chánh án TAND Tối cao làm chủ tọa một phiên tòa đúng là điều khá đặc biệt. Trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án TANDTC đứng ra làm chủ tọa xét xử một vụ án.  

Kỳ án tử tù Hồ Duy Hải bị cáo buộc giết hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi từng chấn động dư luận khi được hoãn thi hành án phút 89. Tiếp đó, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng, Ủy ban Tư pháp Quốc hội liên tiếp có văn bản đề nghị xem xét nhưng TANDTC, VKSNDTC vẫn bảo lưu không giám đốc thẩm (GĐT).

Năm 2019, Văn phòng Chủ tịch nước lại có văn bản và VKSNDTC đã ra kháng nghị. Vụ án sẽ được GĐT vào ngày 6/5 tiếp tục chấn động dư luận với dồn dập những diễn biến mới: Công an Long An “khảo sát lại hiện trường vụ án”, luật sư được mời tham gia phiên xử và đã trình chứng cứ mới của vụ án…

Điểm tiến bộ theo tinh thần cải cách tư pháp

Theo thông tin của TANDTC, phiên xử GĐT kỳ án Hồ Duy Hải sẽ kéo dài 3 ngày và do ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC làm Chủ tọa phiên tòa. Ngoài các ủy viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và đại diện VKSNDTC, còn có đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Long An.

Trước đó, theo yêu cầu của Chủ tịch nước, Đoàn giám sát liên ngành VKSNDTC, TANDTC và Bộ Công an đã giám sát vụ án này. Tháng 3/2015, đoàn kết luận cho rằng việc kết án tử hình với Hải về các tội danh trên là “có căn cứ pháp luật, quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.

Song song đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có chương trình giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, trong đó có vụ Hồ Duy Hải. 

Theo báo cáo kết quả giám sát ngày 20/5/2015, cho thấy, việc giải quyết vụ án này có nhiều thiếu sót, vi phạm như quá trình khám nghiệm hiện trường không chú ý xem xét để thu giữ những đồ vật liên quan đến dấu vết trên cơ thể nạn nhân như cái thớt, chiếc ghế inox, con dao nên sau này bị can khai ra đó là hung khí vụ án thì cái thớt, con dao đã bị thất lạc không tìm lại được; chiếc ghế thu giữ sau này được cho là vật chứng không đúng với chiếc ghế phản ánh trong biên bản khám nghiệm và bản ảnh hiện trường…

Còn có các chi tiết: Kiểm tra việc sử dụng thời gian của Hải vào ngày xảy ra vụ án thiếu chính xác, chưa chặt chẽ; một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung bị tẩy xóa, sửa chữa nhưng không có chữ ký xác nhận của người khai; động cơ, mục đích giết người nêu trong kết luận của các cơ quan tố tụng chưa phù hợp diễn biến vụ án. Đây là những thiếu sót, vi phạm dẫn đến nghi ngờ về tính khách quan của kết quả điều tra, truy tố, xét xử. 

Nhưng ngay trên diễn đàn Quốc hội, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Thứ trưởng Bộ Công an vẫn giữ lập trường “quá trình điều tra còn có một số vi phạm, thiếu sót nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án” và án tử tiếp tục treo lơ lửng trên đầu Hồ Duy Hải.

Trong phiên xử tới đây, điều đặc biệt là TANDTC đã mời LS Trần Hồng Phong, người hỗ trợ pháp lý kêu oan cho bị án Hồ Duy Hải, tham gia phiên xét xử. Đây là điều hiếm thấy và cũng có thể nói là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, luật sư bào chữa được mời tham gia xử GĐT. Đây là điểm tiến bộ đáng mừng cho tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp. LS Nguyễn Duy Bình đã bình luận “đây là tiền lệ tốt, tạo cho luật sư có cơ hội chứng minh. Tốt hơn nữa là cho bị cáo tham gia và truyền hình trực tiếp”. 

LS Trần Tuấn Anh, GĐ Công ty Luật Minh Bạch cho biết, việc Chánh án TANDTC làm chủ tọa một phiên tòa đúng là điều khá đặc biệt. Trước đây rất hiếm trường hợp đích thân Chánh án TANDTC đứng ra làm chủ tọa xét xử một vụ án. LS Trần Hồng Phong thì hoàn toàn yên tâm, cho rằng đây là vụ án phức tạp, Chánh án TANDTC chủ tọa xét xử là phù hợp và đúng luật.

Bà Loan, mẹ Hồ Duy Hải, 12 năm nhiều lần đau tim ngất xỉu khi vật vã kêu oan cho con
Bà Loan, mẹ Hồ Duy Hải, 12 năm nhiều lần đau tim ngất xỉu khi vật vã kêu oan cho con 

“Tái điều tra hiện trường” sau 12 năm

Một diễn biến đáng chú ý khác là tại huyện Thủ Thừa (Long An), cán bộ và nhân dân xã Nhị Thành nơi xảy ra vụ án đã ghi nhận việc Công an tỉnh Long An tái điều tra lại tại hiện trường vụ án là tòa nhà Bưu cục Cầu Voi vốn đã hoang phế 12 năm qua sau khi vụ án xảy ra.

Ngày 27/4, lãnh đạo Công an tỉnh cùng nhiều cán bộ, điều tra viên Phòng CSĐT tỉnh và công an huyện đi nhiều ô tô xuất hiện trước sân Bưu cục Cầu Voi, đoạn Km 1942+200 QL1.

Nhóm cán bộ điều tra đi khảo sát toàn bộ khu vực xung quanh, ghi nhận vị trí đặt quầy giao dịch, điểm bán báo và vị trí đặt bàn ghế cho khách ngồi chờ. Khu vực đặt lavabo rửa tay, nhà vệ sinh nơi nghi nạn nhân bị sát hại rồi kéo thi thể ra gần cầu thang cũng được quan sát rất kỹ.

“Hy vọng giám đốc thẩm ra quyết định hủy án, điều tra lại”

Trả lời câu hỏi: Luật sư có thể phác họa một vài kịch bản khả dĩ có thể xảy ra cho vụ án, từ tốt nhất đến xấu nhất?”, LS Trần Hồng Phong nói: “Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TANDTC ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của VKSNDTC. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra một nghi can khác. CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án (phần Hồ Duy Hải), đình chỉ bị can với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là một khả năng cao, nhất là nếu CQĐT tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua”.

Trước đó vào tháng 11/2019, khi VKSNDTC vừa ra quyết định kháng nghị, Công an Long An cũng đã đến hiện trường khảo sát một lần. Điều này cho thấy, CQĐT Long An đã chuẩn bị khá công phu cho phiên GĐT. Tuy nhiên, việc tìm thêm chứng cứ mới hoặc làm rõ những cáo buộc cũ sẽ có khó khăn nhất định vì có đến 6 người có liên quan đến vụ án đã qua đời, trong đó có ông Phạm Tiến, Phó phòng CSĐT, hai công an viên có liên quan, luật sư do công an chỉ định Võ Thành Quyết…

Mới đây, LS Trần Hồng Phong và gia đình tử tù Hồ Duy Hải đã gửi đến Hội đồng GĐT tài liệu mới liên quan đến lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường. Thường là người duy nhất vào Bưu điện Cầu Voi tối xảy ra vụ án, để gọi điện về Cà Mau lúc 19h39 phút 22 giây thì thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện và nhìn thấy chiếc xe Dream nhưng không thấy biển số xe.

Tại biên bản ghi lời khai, anh Thường khai không thể nhận dạng chính xác người thanh niên đó qua khuôn mặt được.

Tuy nhiên, cáo trạng lại căn cứ vào lời khai này diễn dịch sai lệch thành “nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” tại thời điểm xảy ra vụ án.

Khi xét xử, tòa án đã không triệu tập nhân chứng này. HĐXX đã xét xử mà không thẩm vấn, làm rõ tình tiết anh Thường có nhìn thấy Hồ Duy Hải tại bưu điện hay không.

LS Phong đã gặp anh Thường. Anh Thường đã viết giấy xác nhận, nêu rõ việc tòa “không mời tham dự phiên tòa” và “không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà tôi thấy tối 13/1/2008 tại Bưu cục Cầu Voi”.

Tài liệu này, LS Phong đã từng đính kèm và phân tích trong nhiều đơn kêu oan trước đây nhưng chưa được xem xét.

Đây là tình tiết quan trọng của vụ án, nếu được Hội đồng GĐT xem xét thì chỉ riêng tình tiết này đã đủ phải hủy hai bản án sơ phúc thẩm để điều tra lại.

Những nghi vấn cần phải làm rõ 

Nội dung chính của phiên xử GĐT là làm rõ các nội dung kháng nghị của VKSNDTC. Theo đó, bản án sơ thẩm và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ; nhiều nội dung cần chứng minh của vụ án còn mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ.

Một số nội dung chính là: Lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án. Lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án, mặc dù những tài liệu này có trong hồ sơ lưu trữ của CQĐT.

Hung khí gây án không có thực: Cái thớt, con dao được mua ngoài chợ. Mặt khác, ghế thu giữ được sau khi vụ án xảy ra hơn 2 tháng là một chiếc ghế có mã số khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường.

Về nhận dạng đối tượng phạm tội, “không có nhân chứng nào khẳng định thấy Hải có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra vụ án”.

Cấp sơ thẩm và phúc thẩm không làm rõ được địa điểm, người tiêu thụ tài sản do Hải cướp được. 

Kết luận giám định cho thấy dấu vân tay thu được ở hiện trường không phải là của Hải, nhưng là của ai cũng không được làm rõ…

Về thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng, như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Cơ quan tố tụng không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, là nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án; ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai thì còn có đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol không được điều tra làm rõ.

12 năm qua là quãng đời trai trẻ đẹp nhất Hồ Duy Hải phải sống trong số phận tử tù. Mẹ và các dì của Hải đã phải bán hết nhà cửa ruộng vườn để đi kêu oan. Hy vọng phiên tòa GĐT sẽ có kết luận làm sáng tỏ vụ án.

Tiến trình pháp lý vụ án:

- Ngày 24/5/2011, Chánh án TANDTC có Quyết định không kháng nghị GĐT bản án phúc thẩm;

- Ngày 24/10/2011, Viện trưởng VKSNDTC ra Quyết định không kháng nghị GĐT bản án phúc thẩm;

- Tháng 1/2012, LS Trần Hồng Phong (theo yêu cầu của gia đình Hồ Duy Hải) tiếp tục gửi đơn đề nghị GĐT cho Hồ Duy Hải;

- Tháng 4 và 5/2012, TANDTC và VKSNDTC cho rằng đã xét xử đúng người, đúng tội;

- Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước bác đơn ân giảm án tử hình với Hồ Duy Hải;

- Ngày 24/11/2014, Hội đồng thi hành án ra quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014.

- Ngày 25/11/2014, cán bộ TAND tỉnh Long An đến nhà, thông báo cho gia đình về việc nhận xác con sau tử hình. Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ Hải, một lần nữa ra Hà Nội gửi đơn kêu cứu.

- Ngày 4/12/2014, báo chí đồng loạt đưa tin về việc sắp thi hành án đối với Hồ Duy Hải, dư luận đề nghị cân nhắc, xem xét lại để tránh oan sai. Gia đình Hải gửi đơn xin hoãn thi hành án. LS gửi đơn khẩn đến Văn phòng Chủ tịch nước và Chánh án TANDTC đề nghị hoãn thi hành án và xem xét giám đốc thẩm.

Trong ngày 04/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng về việc đã nhận được đơn kêu oan của mẹ bị án nên đã yêu cầu Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Thủ trưởng Cơ quan THA hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án, để xem xét thật kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người. Đến khoảng 12h trưa, Hội đồng thi hành án thông báo việc tạm hoãn thi hành án tử hình (Phó Chánh án ghi vào sau đơn của gia đình).

Đọc thêm

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản

Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm bắt giữ nghi phạm cướp tài sản
(PLVN) - Ngày 10/12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Văn Thương (sinh năm 2004, trú tại Khu phố 4, phường Mỹ Đông, TP Phan Rang - Tháp Chàm) để tiếp tục củng cố hồ sơ và điều tra mở rộng về hành vi cướp tài sản.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp tại TP HCM

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn TP HCM. (Ảnh: Việt Dũng)
(PLVN) - Ngày 10/12, tại phần thảo luận trong ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 20, HĐND TP HCM khóa X, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP thông tin về tình hình bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao trên địa bàn TP.

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng

Lập khống phiếu cấp nhiên liệu, chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
(PLVN) - Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 7 đối tượng về tội “Tham ô tài sản”.