Trong gần mười năm, mùi nhựa, cao su khét lẹt bốc lên nồng nặc từ các cơ sở sản xuất, tái chế đã khiến cuộc sống của gần 2000 dân của làng Khê Tang, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội như bị “bức tử”...
Gần mười năm sống với ô nhiễm
Tìm về làng Khê Tang, xã Cự Khê theo phản ánh của người dân, chúng tôi rùng mình bởi mùi khét của nhựa, của mùi cao su bốc lên nồng nặc. Chị Lê Thị Hồng, một người dân thôn Mỹ bức xúc:“Từ ngày hai cơ sở sản xuất, tái chế nhựa Đồng Thành và Quang Quân hoạt động, mùi nhựa khét lẹt bao trùm cả khu vực khiến người dân suốt ngày phải đóng kín cửa, nhiều khi đi ngủ còn phải đeo khẩu trang; mùa đông còn đỡ chứ vào mùa hè trời oi bức thì không sao chịu nổi, gần mười năm qua chúng tôi luôn phải “ngắc ngoải”sống trong cảnh này”.
Cùng chung bức xúc, bà Phạm Thị Thực, thôn Cầu cho hay:“Mùi nhựa thật khủng khiếp, nhiều khi không thể thở nổi, sản xuất gây ô nhiễm như vậy là giết dần chúng tôi còn gì”.
Theo tìm hiểu, cơ sở sản xuất, tái chế nhựa Đồng Thành và Quang Quân nằm giáp ranh giữa xã Bích Hòa và xã Cự Khê, nên mặc dù nằm trên địa bàn của xã Bích Hòa, nhưng khí thải phát sinh trong quá trình sản xuất của hai cơ sở này lại gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân làng Khê Tang, xã Cự Khê.
Cơ sở sản xuất, tái chế nhựa Đồng Thành. Ảnh: T.T |
“Việc cơ sở Đồng Thành và Quang Quân xả khí thải gây ô nhiễm môi trường là rất nghiêm trọng. Gần 10 năm qua, số người già và trung niên bị mắc bệnh ung thư, trẻ nhỏ bị mắc các bệnh về đường hô hấp tại làng Khê Tang ngày một nhiều, chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần lên các buổi họp HĐND, UBND xã và huyện, nhưng không hiểu tại sao tình trạng ô nhiễm không những không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, làm chúng tôi như mất niềm tin vào chính quyền”, ông Phạm Văn Giáp, Trưởng thôn Cầu lắc đầu ngao ngán.
Ô nhiễm đến bao giờ?
Trước cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm của người dân làng Khê Tang, ông Đặng Anh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê cho biết:“Các cơ sở sản xuất, tái chế nhựa gây ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân làng Khê Tang đã kéo dài, mùi cực kỳ khó chịu, trong các kỳ họp của xã với lãnh đạo UBND huyện chúng tôi đều có ý kiến, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không hề giảm. Cái khó của xã là cơ sở gây ô nhiễm lại nằm trên địa bàn của xã Bích Hòa nên chúng tôi không thể xử lý. Chính quyền xã mong các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết dứt điểm tình trạng trên”.
Còn ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Bích Hòa lại cho rằng: “Việc các cơ sở sản xuất nhựa ở đây không gây ảnh hưởng đến xã Bích Hòa, Chúng tôi không nhận được phản ánh của người dân, còn việc người dân xã Cự Khê bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm hay không chúng tôi không biết vì không nằm trên địa bàn quản lý của chúng tôi”. Cũng theo ông Thành, một trong hai cơ sở sản xuất, tái chế nhựa trên là của bà Nguyễn Thị Huệ vợ ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thanh Oai.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Phát, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai cho biết: “Cơ sở Đồng Thành và Quang Quân sản xuất, tái chế nhựa thải ra mùi gây ảnh hưởng tới người dân là có thật, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến người dân như thế nào thì chúng tôi không thể kết luận được vì không có kết quả phân tích? Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu các cơ sở phải có hệ thống xử lý khí thải nhưng hiện nay các cơ sở này vẫn chưa làm được?”.
Mặc dù đã phát hiện ra việc gây ô nhiễm, nhưng trước câu hỏi vì sao lại để cho tình trạng trên kéo dài, ông Phát cho rằng: “Chúng tôi đã nhiều lần tiến hành kiểm tra nhắc nhở, còn việc xử phạt, đình chỉ sản xuất các cơ sở trên Phòng Tài nguyên & Môi trường không đủ thẩm quyền”.
Thực trạng trên vốn tồn tại đã lâu, các cấp chính quyền địa phương đã biết, nhưng không hiểu sao cơ sở Đồng Thành và Quang Quân vẫn vô tư xả thải “khí độc” ra môi trường?. Thiết nghĩ, chính quyền huyện Thanh Oai cùng các cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm của hai cơ sở này, tránh gây bức xúc cho người dân./.
Trung Thứ