Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó ghi nhận quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa là một trong những quyền cơ bản của công dân và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.
Bộ Luật Hình sự năm 2015, Bộ Luật tố tụng hình sự, Luật thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015 cũng đã ghi nhận các quy định để bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý. Trên cơ sở đó, Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025 (kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 01/06/2015) và Luật Trợ giúp pháp lý 2017 ra đời với định hướng là nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý, tập trung thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt trong lĩnh vực tố tụng hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
Nhằm triển khai có hiệu quả Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025, từ năm 2016 đến nay, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý.
Theo đó, chỉ tiêu được giao cho từng mức bổ nhiệm của Trợ giúp viên pháp lý: (1) Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm dưới 03 năm; (2) Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 03 năm đến dưới 05 năm; (3) Trợ giúp viên pháp lý được bổ nhiệm từ đủ 05 năm trở lên. Mức giao chỉ tiêu được tăng dần theo từng năm. Bộ Tư pháp cũng đưa ra các trường hợp miễn, giảm chỉ tiêu và biến động khác cụ thể để phù hợp với nhiệm vụ được giao cho các Trợ giúp viên pháp lý.
Được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của Bộ Tư pháp, Cục Trợ giúp pháp lý, sự chỉ đạo của Lãnh đạo Sở, sự phối hợp có hiệu quả của một số Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở địa phương và quyết tâm của toàn hệ thống trợ giúp pháp lý, các chính sách về trợ giúp pháp lý được triển khai đồng bộ, nhận thức của các Giám đốc Trung tâm, các Trợ giúp viên pháp lý đã có sự chuyển biến, xác định Trung tâm là tổ chức hành nghề, từ đó dần tập trung vào nhiệm vụ chính là thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.
Đến nay, phần lớn các Trung tâm tập trung nguồn lực vào thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng theo đúng tinh thần của đổi mới công tác trợ giúp pháp lý và Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.
Qua 04 năm triển khai (2016-2019), số vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã tăng lên nhiều. Đến năm 2019, số vụ việc tham gia tố tụng tăng so với năm 2016 là 3.432 vụ, tương đương tăng 50,2%, và số vụ việc tham gia tố tụng bình quân trên mỗi Trợ giúp viên pháp lý tăng gần 32% (năm 2016: bình quân 12,2 vụ/1 Trợ giúp viên pháp lý; năm 2019: bình quân 16,1 vụ/1 Trợ giúp viên pháp lý). Phần lớn Trợ giúp viên pháp lý đã cố gắng tìm ra giải pháp phù hợp thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu vụ việc.
Chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý qua các năm thực hiện đã và đang trở thành công cụ hiệu quả trong việc quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý ở Trung ương nói chung và ở địa phương nói riêng.
Từ chỗ hoạt động tham gia tố tụng chủ yếu dựa vào đội ngũ luật sư, còn Trợ giúp viên pháp lý chỉ tham gia khoảng 08 vụ/năm, có Trợ giúp viên pháp lý không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng thì nay, trung bình các Trợ giúp viên pháp lý đã thực hiện 16 vụ/năm và trở thành lực lượng chính trong hoạt động tham gia tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý.
Qua các năm thực hiện chỉ tiêu, nhiều Trung tâm sau khi thực hiện chỉ tiêu tham gia tố tụng đã có chuyển biến. Năm 2016 có 03 Trung tâm có không có Trợ giúp viên pháp lý nào hoàn thành chỉ tiêu thì đến nay các Trung tâm trợ giúp pháp lý đều có Trợ giúp viên pháp lý hoàn thành chỉ tiêu. Năm 2016 có 118 Trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu thì đến nay chỉ còn 77 Trợ giúp viên pháp lý không đạt chỉ tiêu, tương đương 12,1%.
Nhiều địa phương có số vụ việc tham gia tố tụng năm 2019 tăng mạnh so với năm 2018 như: Hậu Giang tăng 259%; Nam Định tăng 215%; Đồng Nai tăng 133%; An Giang tăng 109%; Lâm Đồng tăng 96%; Đắk Nông tăng 94%; Kiên Giang tăng 91%...
Số lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng và hiệu quả trợ giúp pháp lý tiếp tục tăng cao. Cụ thể, các Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã thụ lý 47.263 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng lên tới 22.571 vụ việc (chiếm 48% tổng số vụ việc, tăng 23,1% so với năm 2018).
Đặc biệt, năm 2019, một số Trung tâm có bình quân số vụ việc/Trợ giúp viên pháp lý cao như: Gia Lai (trung bình 55 vụ/TGVPL); Đắk Nông (trung bình 38 vụ/TGVPL); Lạng Sơn, Nghệ An, Phú Thọ (trung bình 34 vụ/TGVPL); Sơn La (trung bình 32 vụ/TGVPL)….
Nhiều Trợ giúp viên pháp lý thực hiện trên 60 vụ việc tham gia tố tụng/năm. Chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý ngày càng được chú trọng. Các vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá chất lượng theo các tiêu chuẩn quy định của pháp luật. Hầu hết, các vụ việc trợ giúp pháp lý được đánh giá là đạt chất lượng và đạt chất lượng tốt, không có vụ việc nào bị khiếu kiện.
Nhiều vụ việc tham gia tố tụng do trợ giúp viên pháp lý thực hiện đạt hiệu quả, có nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện Kiểm sát, thậm chí có những vụ việc được tuyên vô tội. Đây là điều đáng mừng trong năm 2019.
Để khích lệ các Trợ giúp viên pháp lý thực hiện nhiều vụ việc tham gia tố tụng năm 2019, Cục Trợ giúp pháp lý đã đăng “Danh sách 10 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện vụ việc tham gia tố tụng nhiều nhất năm 2019” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, trên Trang thông tin điện tử của Cục Trợ giúp pháp lý và Báo pháp luật Việt Nam. Theo đó, 10 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện được số lượng vụ việc tham gia tố tụng kết thúc nhiều nhất trong thời gian từ ngày 01/11/2018 đến hết ngày 31/10/2019 gồm những ông/bà có tên sau đây:
Có thể khẳng định, sau 04 năm thực hiện chỉ tiêu tham gia tố tụng, nhìn chung, việc tham gia tố tụng của các Trợ giúp viên pháp lý đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý được nhiều cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Các Trợ giúp viên pháp lý đã yên tâm công tác, yêu nghề, trình độ, năng lực thực hiện trợ giúp pháp lý được nâng lên. Việc thực hiện trợ giúp pháp lý ngày càng đi vào thực chất, số vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý và số vụ việc tham gia tố tụng bình quân của mỗi Trợ giúp viên pháp lý tăng dần hàng năm.
Những kết quả đó đã chứng minh việc giao chỉ tiêu tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý là đúng đắn, hiệu quả, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân.
Đồng thời, việc giao chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý góp phần giúp các Sở Tư pháp xác định vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp tránh lãng phí nguồn lực trong điều kiện thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay./.