Hiệu quả từ hệ thống cân xe tự động trên QL5

Hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên QL5.
Hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên QL5.
(PLVN) - Sáng 4/12, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đã tổ chức triển khai, đánh giá hoạt động thí điểm hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động trên QL5.

Tỉ lệ xe quá tải giảm dần theo từng tháng

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, từ 0h ngày 15/8/2020, Tổng cục đã cho trích xuất dữ liệu, sử dụng kết quả thu được từ 2 bộ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe lắp đặt trên 2 làn xe, tại Km 78+830 trên QL5 (chiều Hải Phòng-Hà Nội) để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Thống kê cho thấy, từ 15/8-30/11/2020, tổng số xe tải (xe thân liền khối lượng toàn bộ ≥16 tấn và tổ hợp xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc) được cân kiểm tra là 305.015 xe, trong đó có 451 xe (tỷ lệ bằng 0,15%) vi phạm tải trọng đường bộ ở mức xử phạt theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Kể từ khi bộ cân được lắp đặt và sử dụng, tỷ lệ xe vi phạm quá tải trọng giảm dần theo từng tháng. 

Tháng đầu tiên, số xe vi phạm giảm còn 0,23%, số xe vi phạm theo ngày giảm xuống bình quân còn 7,2 xe/ngày; tháng thứ hai, số xe vi phạm giảm còn 0,18%%, số xe vi phạm theo ngày giảm xuống bình quân còn 5,4 xe/ngày; tháng thứ ba và nửa đầu tháng thứ tư, số xe vi phạm giảm còn tỉ lệ 0,15%, số xe vi phạm theo ngày giảm xuống bình quân còn 4,2 xe/ngày. Đặc biệt, có 10 ngày không có xe vi phạm.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Tổng cục phó Tổng cục Đường bộ cho biết: Lần đầu tiên thông qua hệ thống cân này đã phát hiện và xử lý, ngăn chặn được tình trạng các xe có trục phụ có cơ cấu nâng hạ trục, số xe vi phạm tổng trọng lượng giảm rất nhiều. Hầu hết các chủ phương tiện đều chấp thuận về kết quả vi phạm và chấp hành quyết định xử phạt.

Hệ thống cân điện tử trên do Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với hệ thống camera hiện đại, tự động chụp lại biển kiểm soát của tất cả các xe đi qua và lập tức đọc ra 15 thông tin như tên chủ xe, khối lượng bản thân xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng... Trong khi đó, với loại hình trạm cân tải trọng cũ phải cần lực lượng thanh tra túc trực giám sát, đo lường thành thùng, khối lượng xe.

Hệ thống cân sau đó sẽ tự động đo lường, phân tích thông số như xe nặng bao nhiêu tấn, tính toán ra xe này có vi phạm tải trọng không; vi phạm tải trọng cầu đường, tải trục bao nhiêu %,...

“Đây được xem là hệ thống cân tải trọng xe hiện đại nhất Việt Nam, hình thành trên sự kết hợp giữa công nghệ cân trọng tải của Nhật Bản và phần mềm tính toán của Tổng cục Đường bộ”, bà Hiền cho biết.

Đại diện Tổng cục Đường bộ đánh giá hệ thống cân tốc độ cao này, ứng dụng công nghệ cảm biến lực có độ chính xác cao, ổn định, tin cậy; phần mềm cân xe tự động của Tổng cục Đường bộ cho phép hệ thống cân hoạt động tự động hoàn toàn, không cần thao tác vận hành và can thiệp của con người; cho ra kết quả cân rất nhanh (từ 3-15 giây tùy thuộc tốc độ và tình trạng mạng internet tại thời điểm xe lưu thông qua cân); kiểm soát được 100% số lượt xe lưu thông trên đoạn đường đặt thiết bị cân.

Đặc biệt, hệ thống cân này còn hỗ trợ việc áp dụng hình thức xử phạt nguội, giúp lực lượng chức năng không phải trực tiếp ra đường để dừng xe, kiểm tra và xử phạt vi phạm, tránh được tiếp xúc và va chạm với tổ chức, cá nhân vi phạm; chi phí cho việc vận hành, khai thác dữ liệu và xử phạt không đáng kể; nhân sự không phải trực 24/24 giờ trong ngày, không làm việc trực tiếp tại hiện trường; lái xe vi phạm bị phát hiện, xử phạt, tình trạng xe quá tải nhanh chóng được ngăn chặn, chấm dứt...

Đề xuất nhân rộng

Kiến nghị với Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, để có thể triển khai áp dụng rộng rãi mô hình, công nghệ kiểm tra tải trọng xe tốc độ cao, tự động, Tổng cục đã xây dựng, trình và đề nghị Bộ GTVT tải ban hành mô hình thiết kế hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe tự động, tốc độ cao để triển khai cho các dự án khác. Trước mắt, đề xuất cho lắp đặt cân tự động trên một số hệ thống đường bộ của thành phố Hà Nội, trong đó có đường vành đai 3, cầu Thăng Long và dự án lắp đặt cân xe trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhìn nhận, với sự phát triển của đất nước, với cơ̛ chế thị trường, lợi nhuận gắn liền với sản xuất kinh doanh sẽ vẫn tồn tại xe quá tải, nếu không quyết liệt sẽ làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Do đó, cần tiếp tục duy trì kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với xe quá tải.

“Khi thí điểm xong hệ thống cân kiểm soát tải trọng tự động đã mang lại hiệu quả, đã đúng, đã trúng thì chúng ta cần sớm tham mưu cho Chính phủ thực hiện mô hình này về kiểm soát tải trọng. Nhưng sớm đưa mô hình mới này vào thực tế cần phải hoàn thiện nhanh về mặt thủ tục pháp lý làm cơ sở duyệt chủ trương đầu tư”, ông Thọ nói.

Ông Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ hoàn thiện báo cáo thí điểm, phân tích rõ những ưu điểm và cả những tồn tại, hạn chế để xây dựng Đề án cân tải trọng tốc độ cao tự động trình Bộ GTVT để trình Chính phủ phê duyệt. Trước mắt, trong tháng 1/2021, Bộ GTVT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng về đề án làm cơ sở pháp lý triển khai nhân rộng trong cả nước.

Trong đó, ông Thọ yêu cầu Tổng cục Đường bộ cần bổ sung và làm rõ việc xác định mô hình, tiêu chuẩn quy chuẩn để tạo hành lang pháp lý, kiến nghị nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách (từ nguồn Trung ương hay địa phương) và chi phí quản lý, bảo dưỡng. 

Tổng cục Đường bộ cũng vừa ban hành kế hoạch tăng cường kiểm soát hoạt động vận tải, tải trọng phương tiện trước và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Nhằm mục đích đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết, Tổng cục yêu cầu các Sở GTVT (có quản lý QL ủy quyền) tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý tại các bến xe, bến tàu, nhà ga, đầu mối xếp hàng (bến bãi, mỏ vật liệu, công trình, dự án lớn) đối với hoạt động vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa, kiểm soát hành vi xếp khách, xếp hàng, chở hàng quá tải trọng cho phép tham gia giao thông.

Về xử lý các trường hợp vi phạm tải trọng phương tiện và kích thước thành, thùng xe, các Sở GTVT có trách nhiệm thông báo cho địa phương quản lý doanh nghiệp vận tải để đối chiếu, rà soát việc ký cam kết không vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định.

Với các Cục QLĐB I, II, III và IV, cần chủ động phối hợp với các Sở GTVT triển khai kế hoạch phối hợp về kiểm soát xe quá tải tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động hoặc sử dụng cân xách tay trên các quốc lộ thuộc địa bàn quản lý của Cục, tập trung trên QL 1 (từ Lạng Sơn đến Cần Thơ).

Triển khai rà soát, yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ cắm đầy đủ, đúng quy định các biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết, thực hiện và làm căn cứ xử lý vi phạm; cắm biển cấm dừng, đỗ xe tại những nơi có tình trạng nhiều xe chở hàng quá tải trọng dừng, đỗ gây mất an toàn giao thông và ùn tắc giao thông.

Với Vụ Quản lý bảo trì đường bộ, tăng cường kiểm tra các đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc, đôn đốc các chủ đầu tư, trong việc thực hiện kiểm soát xe quá tải, quá khổ trên đường cao tốc.

Đọc thêm

Cảnh sát giao thông Hà Nội: Triển khai mô hình 'Ngã tư an toàn giao thông'

CSGT sẽ đẩy mạnh xử lý các lỗi không chấp hành hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. (Ảnh: Trường Thắng)
(PLVN) - Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông - CSGT (Công an TP Hà Nội), hiện nay tại một số nút giao trọng điểm trên các tuyến trục chính ra, vào TP, tình trạng lộn xộn, thiếu an toàn vẫn diễn ra. Mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" được triển khai để góp phần giải quyết tình trạng này.

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.