Hiến mô, tạng - hành trình hồi sinh sự sống

Hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người khác.
Hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người khác.
(PLO) - Việc hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể người đã biến mất mát, nỗi đau của một gia đình thành niềm vui, hạnh phúc của nhiều gia đình khác. Sự ra đi của một người không phải là trở về với cát bụi, hư vô mà là hành trình hồi sinh sự sống. 

Vừa qua (16/11), tại Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế đã tổ chức chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”. Chương trình nhằm truyền tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn của việc hiến tặng mô, tạng cứu người và cũng là lời tri ân của ngành y đến những tấm lòng đã tình nguyện hiến tặng một phần cơ thể của mình cho những người bệnh.

Món quà vô giá

Ghép mô, tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho người bệnh bị hỏng mô, tạng không hồi phục được. Cho đến nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển và được ghi nhận là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học thế giới, 1 trong 10 phát minh về khoa học kỹ thuật làm thay đổi cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 20.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, những ca ghép tạng, mô từ người chết não, ngừng tim đã mở ra một hướng đi hết sức đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, nhu cầu ghép mô, tạng rất lớn. Hàng chục ngàn người suy thận mạn, hơn 1.500 người suy gan, 300.000 người mù... đang mòn mỏi chờ được phẫu thuật. Tuy nhiên, rất ít người trong số họ có cơ may được ghép tạng vì số người hiến tạng hết sức khan hiếm. 

Nếu như ở các nước trên thế giới, nguồn tạng hiến hầu hết được lấy từ người đãchết não thì tại Việt Nam, y học nước nhà mới chỉ trông chờ vào nguồn hiến sống ít ỏi. Tại BV Chợ Rẫy, mỗi năm có khoảng 1.000-1.500 bệnh nhân chết não vì tai nạn giao thông. Còn tại BV Việt Đức, con số này cũng xấp xỉ 1.000 người… Thế nhưng, rất ít gia đình đồng ý hiến tạng để cứu giúp các cuộc đời khác.

Quang cảnh chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”.
Quang cảnh chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”.

Giúp cho người khác tái sinh bằng việc hiến tạng khi còn sống hoặc sau khi chết là việc làm rất cao đẹp nhưng do vấn đề tâm lý, tôn giáo, đặc biệt là quan niệm “cái chết nguyên vẹn” còn chi phối nặng nề nên thực tế chưa có nhiều người sẵn sàng hiến tặng món quà sự sống.

GS Sơn dẫn chứng, có trường hợp xảy ra tại Hà Nội, người anh trai bị suy thận đang chờ thận để ghép. Người em trai không may mắn bị chết não do tai nạn giao thông. Lúc ấy, bệnh viện đã động viên nên hiến thận cho chính người anh đang bị suy thận. Nhưng chỉ vì một người trong gia đình không đồng ý nên cuối cùng, em cũng mất còn anh thì vẫn tiếp tục phải chạy thận nhân tạo.

Mặt khác, nhiều người chưa phân biệt được giữa chết não và sống thực vật. GS Sơn giải thích: “Trong y học, người sống thực vật là người chưa chết não, họ chỉ không cử động hay giao tiếp với mọi người và có thể kéo dài thêm sự sống tùy theo thể trạng mỗi người. Còn chết não nghĩa là tế bào não đã chết, các bộ phận trong cơ thể cũng sẽ hoại tử. Nếu gia đình người chết não đồng ý hiến tạng thì cơ hội được sống và sống khỏe sẽ đến với nhiều bệnh nhân khácđang trong cảnh đèn dầu treo trước gió”.

Hai mẹ con cùng tự nguyện hiến thận

Là một trong những người được vinh danh tại chương trình “Khi sự sống được sẻ chia”, cô Lê Thị Thảo (ở Lương Tài, Bắc Ninh) cho biết,sự tình cờ đã đưa cô đến với tâm nguyện hiến tặng thận cho người bệnh vào cuối năm 2014.

Khi đó, cô có tham dự Chương trình truyền thông, vận động tự nguyện hiến giác mạc ở chùa Linh Thông(Hà Nội). Sau đó, cô lại có dịp tham dự một hội thảo về vấn đề này ở Đồ Sơn (Hải Phòng) và được đọc một cuốn sách nói về ghép tạng. Cô Thảo bị ám ảnh bởi những số phận không có cơ hội kéo dài cuộc sống vì không nguồn tạng mà người đời tự nguyện hiến tặng.

Người phụ nữ này đi học thiền, những lúc ấy cô lại nghĩ tới sự vô thường, được - mất của cuộc đời. Với cô, việc cho đi một phần cơ thể của mình nhưng lại có thể giúp người khác cơ hội sống là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn. Trước khi quyết định tự nguyện hiến tạng, cô cũng đã hỏi ý kiến người thân và nhận được sự ủng hộ.

Ngay sau đó, tháng 12/2014, cô Thảo đã liên lạc với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để gửi đơn. Từ khi gửi đơn, thỉnh thoảng cô Thảo lại điện thoại, cókhi lại đích thân đến bệnh viện để hỏi xem “chuyện sắp xếp hiến tạng đến đâu rồi”.

GS Trịnh Hồng Sơn (chính giữa) cùng tập thể cán bộ Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.
GS Trịnh Hồng Sơn (chính giữa) cùng tập thể cán bộ Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người.

Để chứng minh việc hiến tặng bộ phận cơ thể người là tự nguyện, không vụ lợi, cô Thảo đã phải trải qua các bài kiểm tra khác nhau từ chỉ số sức khỏe, thể chất lẫn tâm thần để chứng minh mình là người hoàn toàn bình thường, có tâm nguyện hiến tạng để cứu sống người khác. Các xét nghiệm y khoa cho thấy, quả thận của cô hoàn toàn khỏe mạnh và được chấp nhận cho ghép.

Hiện giờ, sau 17 tháng hiến thận trở về, cô Thảo cô cho biết, sức khoẻ vẫn không có gì ảnh hưởng so với trước đây. Cô vẫn trồng cây cảnh, thời gian rỗi thì lên chùa làm công quả, giúp đỡ trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.

Em Bùi Thị Hòa, con gái út của cô Thảo cũng tình nguyện hiến thận để cứu sống người bệnh. Hòa tâm sự, em không mất nhiều thời gian để đặt bút ký vào đơn đăng ký bởi em hiểu rằng, sự sống với mỗi người là điều tuyệt vời, thiêng liêng và cao quý nhất. Nếu không may mình mất đi mà một phần cơ thể mình được giữ lại trên cõi đời thì thật là đáng quý.

“Thân xác con người sẽ tan biến theo thời gian nhưng ý nghĩa trong hành động trao tặng mô tạng cơ thể sẽ còn mãi. Do vậy em mong nhiều người hơn nữa nhận thức được điều này để hàng nghìn người đang mỏi mòn chờ ghép tạng có cơ hội được hồi sinh”, em Hòa nói.

Đạp xe xuyên Việt để vận động hiến tạng

Chứng kiến người bạn thân mất đi khi tuổi đời còn quá trẻ (24 tuổi) vì không tìm được người hiến thận, Trần Nguyễn An Khương (28 tuổi, quê Cà Mau) đã rất đau khổ. 

“Trong suốt thời gian bạn bị bệnh, em thường lui tới thăm bạn ấy. Người bạn của em được bác sĩ chỉ định ghép thận và chỉ ghép thận mới kéo dài được cuộc sống cho bạn ấy nên bạn luôn hi vọng ai đó sẽ hiến thận hoặc có phép màu nào đó có thể giúp bạn ấy khỏi bệnh vì nhà bạn cũng rất nghèo. Nhưng cuối cùng, phép màu đã không đến...”, Khương xúc động kể.

Những ngày vào viện thăm bạn, Khương cũng gặp rất nhiều trường hợp suy tạng mòn mỏi đợi người hiến nhưng đều ra đi trong vô vọng. Cũng từ đó chàng trai trẻ suy nghĩ về quyết định hiến một phần cơ thể mình. 

Từ một thông tin vô tình anh đọc được trên báo, tháng 4/2013, Khương quyết định đến Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM hiến xác và tháng 8 cùng năm, tiếp tục đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đăng ký hiến đa tạng sau khi chết não với hi vọng cơ thể mình sau khi chết đi vẫn có thể cứu sống được ít nhất 7 người nữa.

Khi Khương cầm thẻ đăng ký hiến mô tạng về nhà, ba anh im lặng còn mẹ thì khóc. Nghe anh nhẹ nhàng thuyết phục rằng, khi chết đi nếu chôn thì xác cũng phân hủy, hoặc hỏa táng sẽ thành tro cốt, rất uổng phí, trong khi có thể cứu sống cho vài người thì sao lại không hiến để cứu người, cuối cùng cả ba mẹ đều đồng ý.

Nghĩ rằng nếu chỉ bản mình ủng hộ việc hiến tạng chẳng khác nào “muối bỏ biển” nên chàng trai này đã quyết định đạp xe từ Cà Mau ra Hà Nội để vận động cộng đồng chung tay hiến tạng cứu người. 

Trần Nguyễn An Khương và các bác sĩ tại Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia.
Trần Nguyễn An Khương và các bác sĩ tại Trung tâm Điều phối hiến ghép tạng quốc gia.

Hành trình của Khương bắt đầu từ ngày 12/4/2016, trải qua 27 tỉnh thành và kết thúc vào ngày 19/5 ở Thủ đô Hà Nội. Vốn mắc bệnh viêm khớp và vẹo cột sống, vóc dáng lại nhỏ bé, chỉ cao 1,5 m và nặng 42kg, song Khương vẫn không ngần ngại một mình đạp xe xuyên Việt bởi niềm tin trong chàng trai trẻ đã chiến thắng tất cả.

Được biết, gia cảnh Khương rất nghèo. Bản thân anh là công nhân, lương thấp. Nhưng anh vẫn dành dụm để mua chiếc xe đạp 2,3 triệu đồng. Hành trang lên đường của chàng thanh niên 28 tuổi cũng chỉ có vài bộ quần áo, lều ngủ cùng một chiếc bếp cồn nhỏ phục vụ đun nấu trong quá trình đi đường. Trên ba lô và túi đựng đồ của anh còn ghi rất rõ những dòng chữ tuyên truyền hiến tạng rất mộc mạc, đơn giản mà thiết thực, dễ hiểu như: “Cho đi là còn mãi”, “Bạn có biết bạn có thể cứu người khác khi bạn ra đi”…

Đồng thời, Khương cũng chuẩn bị một số tài liệu tuyên truyền về hiến tạng để phát tại những nơi anh dừng chân, nghỉ dọc đường.  Anh thường chọn nghỉ ở những quán nước ven đường, những nơi mọi người tụ tập đông. Đến mỗi nơi, tiếp xúc với nhiều người, Khương đều kể cho họ nghe về nỗi đau, sự mất mát của bản thân và về những người bệnh nặng đang mòn mỏi chờ ghép tạng tại các cơ sở y tế, nhiều trong số đó không may mắn đã qua đời.

Nghe Khương tâm sự, nhiều người cảm thông và nói rằng sẽ suy nghĩ về việc hiến tặng mô tạng khi qua đời, song một số khác lại cho rằng anh bị “khùng”. Tuy nhiên, không vì những khó khăn trở ngại đó mà Khương cảm thấy chùn bước. Chàng trai trẻ vẫn miệt mài trên hành trình tìm kiếm hi vọng cho những bệnh nhân không may mắc bệnh.

Nói về cuộc hành trình dài hơn 2.000km ấy, chàng thanh niên này tâm sự: “Có những lúc mình cũng muốn bỏ cuộc lắm vì sức có hạn. Có những lúc mình chỉ muốn quay về thôi nhưng cứ nghĩ biết đâu trong đoạn đường sắp tới nếu cố gắng mình sẽ thuyết phục được ai đó đồng ý hiến tạng thì sao. Chính ý nghĩ ấy đã giúp mình có thêm động lực để quyết tâm đi tới điểm cuối cùng của cuộc hành trình”.

Điểm đến cuối cùng của hành trình này là Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đặt tại BV Việt Đức. Tại đây, không hề do dự, chàng trai đất mũi đã vui vẻ điền vào đơn tự nguyện hiến sống một phần lá gan và quả thận của mình cho những người kém may mắn.

Họ sống mãi trong niềm yêu thương

Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động khác về những tấm lòng cao cả. Một công nhân ở Hải Phòng đã đến hiến thận rồi vẫn muốn hiến cả gan, thậm chí, chuẩn bị đưa cả gia đình đến đăng ký hiến tạng. Có đại gia, trí thức, tổng giám đốc một ngân hàng cũng đăng ký hiện tạng. Có gia đình cả 5 người cùng đăng ký hiến. 2 vợ chồng một bác sĩ và giáo viên đại học cùng đến đăng ký hiến tạng… Ở Kim Sơn, Ninh Bình, rất nhiều bà con giáo dân tình nguyện hiến giác mạc, trong đó có cụ già 90 tuổi; cũng có gia đình hiến giác mạc của đứa con 5 tuổi không may mất sớm.

Các bác sĩ Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhớ mãi câu chuyện xúc động: Có người phụ nữ bị khối u, khi biết mình chỉ còn có thể sống được 6 tháng nữa, đã nhờ người viết đơn hộ được hiến tạng. Mẹ chị cũng đăng ký. Cho tới ngày chị ra đi, chị rất thanh thản, không có gì hối tiếc. Khi chị mất, ngân hàng mắt tới lấy giác mạc, mẹ chị không buồn mà còn hạnh phúc khi di nguyện được giúp đỡ người khác của chị đã được thực hiện.

Hay câu chuyện về một nữ phóng viên trẻ ký đơn hiến tạng ngay trên giường bệnh. Cô gái này bị ung thư giai đoạn cuối không thể qua khỏi nên có tâm nguyện hiến tặng giác mạc. Và rồi, cô ký đơn trên giường bệnh khi cơn đau vẫn còn đang hành hạ. Ngày nữ phóng viên ra đi, cũng là ngày 2 người khác được nhìn thấy ánh sángcuộc sống . Xúc động trước hành động của con gái, người mẹ của nữ phóng viên cũng làm đơn xin hiến tạng gửi đến trung tâm.

Hãy biến yêu thương thành phép màu.
Hãy biến yêu thương thành phép màu.

Một trường hợp đặc biệt khác là câu chuyện của sư thầy Thích Đạo Cảnh, tu tại chùa Diên Phúc (Hoài Đức, Hà Nội). Thầy Cảnh đã 5 lần viết đơn gửi đến trung tâm xin hiến tạng. Lá đơn đầu tiên, thầy Cảnh xin hiến gan, tuy nhiên lá gan của thầy Cảnh không đủ điều kiện để hiến ghép. Không từ bỏ tâm nguyện, thầy tiếp tục viết đơn xin hiến thận. Các xét nghiệm y khoa cho thấy, quả thận của thầy hoàn toàn khỏe mạnh và được chấp nhận cho ghép cho một bệnh nhân ở Lào Cai. Thầy Cảnh đã giúp cho bệnh nhân kết thúc được kiếp chạy thận đằng đẵng 6 năm trời (1 tuần 3 lần chạy thận).

Thậm chí, Trung tâm Điều phối Quốc gia còn đón tiếp những người là dân “anh chị”, xã hội đen. Họ trông vẻ ngoài bặm trợn, xăm trổ, ăn mặc đôi khi kỳ cục là vậy nhưng nhắc đến chuyện hiến tạng cứu người lại vô cùng vui vẻ. Họ nói: “Chết là hết thôi. Ta chẳng mang theo được gì nên làm được gì tốt thì làm thôi. Lợi cho người bệnh là họ được cứu sống, được trở lại cuộc sống bình thường, còn lợi cho mình”.

Xin dẫn lại lời của GS Trịnh Hồng Sơn thay cho lời kết: Trong cuộc đời mỗi con người, sinh có hẹn, tử bất kỳ, nhưng nếu ai đó quyết định đăng ký hiến tặng mô, tạng, họ sẽ mang lại cơ hội cứu sống biết bao người bệnh. Hơn thế, khi một người ra đi với ý nghĩa hiến tặng mô tạng cho đời thì người đó sẽ sống mãi trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời và việc làm đó chính là đã viết lên một câu chuyện cổ tích hiện đại…

Trao đổi với phóng viên, Thượng Tọa Thích Nhật Từ(Phó thư ký, Ban Phật giáo quốc tế TƯ, GHPGVN, Phó ban kiêm tổng thư ký Ban hoằng pháp Thành hội Phật giáo TP.HCM, Trụ trì Chùa Giác Ngộ, Tp.HCM)cho biết, tại Ấn Độ, thời xa xưa có nhiều phong tục tống táng con người, trong đó có thiên táng, tức là thi thể người chết được treo trên cây cho các con vật khác ăn. Bằng phương pháp tống táng này thì người thân của người quá cố cho rằng, các con vật sẽ hạn chế được các nghiệp sát đối với các con vật nhỏ bé hơn chúng ít nhất là vài ngày. Như vậy là từ thời xa xưa, người ta đã ý thức được rằng: biến thi thể vốn vô dụng trở thành hữu dụng cho sự sống.

Đức Phật thì sâu sắc hơn thay vì cho các loài thú ăn thì Ngài kêu gọi hiến tạng và hiến xác cho khoa học bằng khái niệm bố thí nội tạng. Đó là một nghĩa cử cao thượng mà người bố thí cơ thể sau khi chết sẽ có được cơ hội tái sinh nhanh chóng hơn, vì ngay khi còn sống, họ đã ý thức được rằng thân thể này không còn là của mình nữa, mình đã vay mượn nó mấy chục năm và trong mấy chục năm vay mượn đó ta biến cuộc đời này trở thành hữu dụng cho người thân, gia đình, xã hội và thế giới…

“Chúng tôi rất mong rằng việc hiến xác, hiến mô cho khoa học tiếp tục được truyền bá để trở thành một công cụ phục vụ cho nghiên cứu y khoa và giúp cho những người hữu duyên tái sinh thêm một lần nữa trong kiếp sống hiện tại bằng ghép tạng”, Thượng Tọa Thích Nhật Từ nói.

Tin cùng chuyên mục

Bộ Y tế phối hợp các đối tác thông tin về Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR).

Hành động ngay để đối phó mối đe dọa do tăng tỷ lệ kháng kháng sinh

(PLVN) - Sáng nay, 22/11, Bộ Y tế với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế phối hợp tổ chức Tuần lễ Nâng cao Nhận thức về Kháng thuốc (AMR) (từ 18-24/11/2024) với chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay”, nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.

Đọc thêm

Lửa nhiệt huyết chưa bao giờ nguội ở chuyên gia chẩn đoán hình ảnh với hơn 40 năm cống hiến

 PGS.TS.BSCC Nguyễn Quốc Dũng luôn hết mình vì chuyên môn và vì sức khỏe người dân. (Ảnh trong bài: NVCC)
(PLVN) - Hơn 4 thập kỷ cống hiến trong ngành Y, trải qua nhiều vai trò khác nhau, vị chuyên gia ấy vẫn luôn cháy lửa nghề. Đến nay, khi tuổi đã ngoài 60, ông luôn nỗ lực làm mới bản thân trước guồng quay công nghệ nhằm áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất vào công tác khám, chữa bệnh phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng bệnh sởi

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, đã từng xảy ra những đợt dịch lớn; hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
(PLVN) - Trong những tháng gần đây, bệnh sởi có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Để chủ động kiểm soát, ngăn ngừa, không để bệnh sởi lây lan, bùng phát trên diện rộng, ngày 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi.

Điều chỉnh giá khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở

Ảnh minh hoạ: Ngọc Nga
(PLVN) - Đến nay Bộ Y tế đã phê duyệt giá khám chữa bệnh 15 bệnh viện theo mức lương cơ sở. Bộ này đánh giá, khi điều chỉnh giá khám bệnh, chữa bệnh theo yếu tố tiền lương từ mức lương cơ sở 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng, phần đồng chi trả (ở mức 20% và 5%) tăng thêm không nhiều.

Kiểm soát chặt chẽ chất lượng bữa ăn học đường

Cần sự phối hợp từ phía nhà trường, gia đình và cả xã hội trong việc đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh. (Ảnh minh họa: SKĐS)
(PLVN) -  Thời gian qua, vấn đề chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh đã trở thành mối lo ngại ở nhiều trường học tại các thành phố lớn, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh. Điều này khiến phụ huynh vô cùng bất an và để lại hệ lụy không nhỏ cho sức khỏe của học sinh.

Tăng thuế thuốc lá để giảm thiệt hại 108.000 tỷ đồng mỗi năm

Bà Phan Thị Hải- Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá phát biểu tại hội thảo (Ảnh: BTC)

(PLVN) - Theo ThS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam, mỗi năm thuốc lá gây tổn thất khoảng 108.000 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh. Việc tăng thuế sẽ làm giảm đáng kể việc tiếp cận thuốc lá, cũng làm giảm tỷ lệ tử vong và tổn thất sức khỏe...

Mắc uốn ván từ khoang miệng

Bệnh nhân mắc uốn ván từ khoang miệng. Ảnh: Thanh Thanh
(PLVN) - 10 ngày trước khi phát bệnh, bệnh nhân L.V.S (nam, 40 tuổi ở Hải Dương) bắt đầu có triệu chứng đau họng nhưng không sốt. Sau 6 ngày dùng thuốc bệnh nhân bắt đầu khó há miệng, khó nói và ăn uống kém. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông S. mắc uốn ván.