Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, qua tổng kết thực tiễn thi hành Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT ngày 30/3/2012 hướng dẫn việc đăng ký, cung cấp thông tin về cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế. Đó là một số quy định của Thông tư liên tịch số 02/2012 không phù hợp với Nghị định số 102/2017/NĐ-CP, gây khó khăn cho các cơ quan đăng ký cũng như người yêu cầu đăng ký.
Ví dụ như: Hồ sơ đăng ký cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển phải nộp bản chính Hợp đồng thế chấp tàu bay, tàu biển; hồ sơ đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, tàu biển trong trường hợp đã đăng ký phải nộp bản chính Giấy chứng nhận đăng ký cầm cố, thế chấp đã cấp. Tuy nhiên, việc quy định nộp bản chính như trên là chưa phù hợp với thực tiễn cũng như quy định của Nghị định số 102/2017/NĐ-CP (nộp bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao không có chứng thực).
Bên cạnh đó, một số nội dung kê khai trên mẫu đơn bộc lộ bất cập cần phải sửa đổi, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn như không gửi kèm Giấy tờ xác định tư cách pháp lý của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, bổ sung thêm việc kê khai thông tin về bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm như: số thẻ căn cước công dân, số thẻ thường trú, số Giấy chứng nhận đầu tư, số Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư... do các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành trong thời gian gần đây quy định.
Theo đó, trên cơ sở kế thừa quy định về trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tàu bay, tàu biển còn phù hợp tại Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BTP-BGTVT như cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, tàu biển, dự thảo Thông tư đã bổ sung thêm trường hợp bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tàu bay, tàu biển; đồng thời bổ sung thêm trường hợp sửa chữa sai sót do lỗi của cơ quan đăng ký nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người yêu cầu đăng ký.
Để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, dự thảo Thông tư bổ sung thêm thông tin về kê khai Căn cước công dân đối với công dân Việt Nam; bổ sung hướng dẫn kê khai đối với bảo lưu quyền sở hữu tàu bay trong trường hợp mua bán tàu bay, tàu biển; hướng dẫn ghi nội dung đăng ký biện pháp bảo đảm bảo lưu quyền sở hữu hoặc hợp đồng mua bán tàu bay, tàu biển kèm văn bản về bảo lưu quyền sở hữu tàu bay, tàu biển vào Sổ Đăng bạ tàu bay Việt Nam, Sổ Đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam; giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với pháp nhân được thành lập theo pháp luật Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi kê khai Phiếu yêu cầu đăng ký, dự thảo Thông tư quy định Phiếu yêu cầu đăng ký chỉ cần chữ ký, con dấu (nếu có) của bên nhận bảo đảm hoặc người được bên nhận bảo đảm uỷ quyền đối với trường hợp, chữ ký của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là người yêu cầu đăng ký trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản nhưng không thực hiện việc đăng ký biện pháp bảo đảm.
Dự thảo Thông tư cũng hướng dẫn về thẩm quyền và phạm vi thông tin được trao đổi, tiếp nhận và xử lý thông tin trao đổi giữa cấc cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo nguyên tắc phối hợp trong trao đổi thông tin được kịp thời. Trong trường hợp từ chối trao đổi thông tin thì phải được thực hiện bằng văn bản ngay trong ngày nhận được văn bản trao đổi thông tin hoặc chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo.
Cục Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, một trong những mục tiêu hướng tới trong việc xây dựng dự thảo Thông tư là tạo cơ chế thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp thực hiện công tác đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển và sử dụng hệ thống đăng ký biện pháp bảo đảm như một công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi thực hiện các giao dịch về dân sự, kinh tế, thương mại, hạn chế tối đa các tranh chấp xảy ra.