Tuy nhiên, không một ai trong số các cựu quan chức biết về chương trình này có thể nói chính xác những thiết bị mà Hiramine đưa vào Triều Tiên được cài đặt ở đâu cũng như mô tả thông tin tình báo mà Hiramine thu thập được.
Đường dây tài chính lắt léo
Lầu Năm Góc còn tìm cách để ngụy trang nguồn cung cấp tài chính cho tổ chức này. HISG của Hiramine nhận nguồn tiền tài trợ từ Cty Tư vấn khối tư nhân –một công ty do Hiramine, đối tác là Michael McCausland cùng một số lãnh đạo cấp cao khác của HISG điều hành. Báo cáo tài chính của HISG năm 2009 ghi rõ rằng họ không có nhân viên nào được trả lương thường xuyên, 30 người là “những người tình nguyện”.
Thế nhưng, 3 người từng làm việc cho HISG lại nói rằng lương và các khoản thu nhập của khác của nhân viên được Cty Tư vấn khối tư nhân chi trả. Ví dụ, năm 2009, các bản kê khai thuế của HISG không có hạng mục chi trả lương cho nhân viên, nhưng vẫn ghi nhận số tiền nhận được từ Cty Tư vấn khối tư nhân là 281.351USD.
Nguồn tiền thứ hai đổ vào HISG thông qua một quỹ tư nhân khác là Quỹ Đối tác Việc làm – tổ chức phi lợi nhuận bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2004. Đây cũng là thời điểm Cty Tư vấn khối tư nhân của Hiramine được thành lập và thời điểm chương trình bí mật của Lầu Năm Góc bắt đầu được vận hành. Quỹ này do một nhà kinh doanh ô tô ở Colorado là Yale King điều hành và, King là bạn thân của tướng William Jerry Boykin.
Trước đó, tiền của Lầu Năm Góc “chạy” qua một quỹ trung gian là Quỹ tín thác Thiên niên kỷ mới, được điều hành bởi Đại tá quân đội đã về hưu Thomas Lujan. Theo các báo cáo thuế, từ năm 2005 đến năm 2014, Quỹ tín thác Thiên niên kỷ mới chuyển cho Quỹ Đối tác Việc làm 11,9 triệu USD; Quỹ Đối tác Việc làm lại chuyển cho HISG 6,5 triệu USD từ 2005-2012.
Để duy trì vỏ bọc của một quỹ từ thiện hợp pháp, mỗi năm, Quỹ Đối tác Việc làm đều tài trợ những khoản tiền mặt nhỏ cho các tổ chức phi chính phủ thực sự khác, ví dụ như tổ chức từ thiện y tế do vợ của Yale King điều hành. Một quan chức quân đội đã nghỉ hưu ước tính, Lầu Năm Góc đã cấp ít nhất 15 triệu USD cho HISG trong suốt giai đoạn tiến hành chương trình do thám Triều Tiên.
Kay Hiramine (trái) và Michael McCausland trong một chuyến thực hiện cứu trợ nhân đạo. |
Phản ứng trái chiều
Tom Jennings, người từng giữ vị trí Giám đốc khu vực châu Á của HISG trong thời gian 6 năm cho biết, Kay Hiramine không bao giờ nói về việc nguồn tiền hỗ trợ cho HISG từ đâu tới. Thế nhưng, Jennings cũng không hề biết Hiramine làm việc cho Lầu Năm Góc trong một chương trình gián điệp bí mật.
Khi được hỏi về chương trình do thám Triều Tiên dưới vỏ bọc các hoạt động cứu trợ nhân đạo, Thượng nghị sĩ Jan Schakowsky - thành viên Ủy ban Tình báo Hạ viện từ năm 2007 đến nay - cũng nói không hề biết gì về chương trình này, không hề biết gì về những báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld trước Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện và những nhân vật cấp cao.
Theo bà Schakowsky, “việc sử dụng nhân viên cứu trợ vào các hoạt động tình báo mà họ không hề hay biết, sử dụng những nỗ lực làm việc đầy thiện chí của của họ để thu thập thông tin là điều không thể chấp nhận. Giờ chúng ta lại có cả những người được thuê làm việc tốt để rồi vô tình trở thành một thành viên trong các nhiệm vụ tình báo nữa sao? Chính họ có thể trở thành mục tiêu bị trả đũa. Thật không thể chấp nhận”.
Các chính sách của Mỹ nghiêm cấm việc sử dụng giáo sĩ, nhà báo hoặc các tình nguyện viên hòa bình làm vỏ bọc để tiến hành các hoạt động tình báo. Sử dụng các cơ quan phi chính phủ dù không bị cấm nghiêm ngặt bằng, nhưng điều này cũng rất nguy hiểm và chưa có tiền lệ.
Ông Sam Worthington, Chủ tịch của Hiệp hội InterAction – một hiệp hội liên kết hơn 200 tổ chức phi chính phủ ở Mỹ cũng nhận định việc sử dụng HISG cho các hoạt động gián điệp là vượt quá giới hạn mà chính phủ Mỹ được phép và nên làm.
Việc sử dụng các nhà hoạt động nhân đạo làm điệp viên “vi phạm các quy tắc quốc tế”, mang lại rủi ro cho các hoạt động trợ giúp chính đáng cũng như các nhà hoạt động nhân đạo. Theo ông Worthington, việc Lầu Năm Góc hay bất kỳ cơ quan chính phủ nào khác của Mỹ sử dụng các tổ chức phi lợi nhuận cho các hoạt động tình báo là không thể chấp nhận, phá vỡ niềm tin cơ bản giữa chính phủ Mỹ và các tổ chức dân sự.
Rủi ro trong việc sử dụng các nhân viên cứu trợ nhân đạo để thu thập thông tin tình báo là điều không cần tranh cãi, và nó đã được chứng minh bằng những sự việc cụ thể. Năm 2011, CIA chỉ thị cho một bác sĩ người Pakistan thu thập các mẫu DNA của một người bị nghi ngờ có quan hệ với gia đình trùm khủng bố Osama bin Ladin dưới vỏ bọc một chương trình tiêm chủng vắc-xin ở Abbottabad, Pakistan.
Sau cuộc vây bắt Bin Laden, vị bác sĩ này đã bị chính quyền Pakistan bắt giữ và kết án tù. Trong khi đó, Taliban giết chết một số chuyên gia y tế, những người đang thực hiện chương trình thanh toán bệnh bại liệt ở Pakistan với lý do các chương trình tiêm chủng là một phần trong hoạt động tình báo của phương Tây.
Đô đốc William McRaven – người đặt dấu chấm hết cho chương trình do thám Triều Tiên. |
Xóa sạch dấu vết
Không rõ Hiramine đã tham gia vào hoạt động gián điệp của Lầu Năm Góc tới mức nào, nhưng hỗ trợ nhân đạo của HISG đã giúp Lầu Năm Góc che giấu việc thu thập thông tin tình báo, vận chuyển các thiết bị quân sự tới những khu vực cấm.
Theo những người đã từng làm việc tại HISG, tổ chức này đã cứu trợ sau thảm họa, cung cấp thực phẩm, thuốc men, quần áo, hỗ trợ thành lập các doanh nghiệp nhỏ ở những nước như Niger, Mali, Ethiopia, Kenya, Lebanon, Yemen và Trung Quốc. Tuy nhiên, chưa có thông tin thêm về việc liệu Hiramine đã mở rộng hoạt động tình báo ra các quốc gia khác ngoài Triều Tiên hay chưa.
Hiramine và HISG đã hoạt động rất thành công, được ghi nhận bằng Huân chương Vì cộng đồng mà Tổng thống George Bush trao tặng năm 2007. Nhưng đến tháng 1/2013, Hiramine và những lãnh đạo cấp cao của HISG bất ngờ thông báo đóng của tổ chức này.
Tom Jennings kể: “Chúng tôi không hề được báo trước về việc này. Chúng tôi không có nghề khác, không có trợ cấp, không giải thích. Tất cả những gì họ nói với chúng tôi là “chúng ta đã không còn nguồn hỗ trợ tài chính”.
Việc HISG đóng cửa vào đầu năm 2013 phù hợp với thông tin Đô đốc William McRaven - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Đặc nhiệm Mỹ - đã ra lệnh ngừng chương trình do thám Triều Tiên vào năm 2012. Theo một cựu quan chức quốc phòng Mỹ, McRaven lo sợ nếu thông tin Bộ Quốc phòng Mỹ sử dụng các nhà truyền giáo làm gián điệp lộ ra, sẽ gây ra một vụ scandal “động trời”.
Theo hồ sơ thuế của Quỹ Đối tác Việc làm, năm 2013 là năm đầu tiên kể từ khi đi vào hoạt động từ năm 2005, Quỹ này không chuyển bất cứ khoản tài trợ nào cho HISG. Thay vào đó, số tiền 700.000 USD – vốn được phân bổ trước khi McRaven yêu cầu dừng chương trình – đã được trao tặng cho một loạt những nhóm hoạt động phi lợi nhuận khác.
Với sự ra đi của HISG, Lầu Năm Góc bắt đầu xóa bỏ cơ chế tài trợ cho tổ chức này. Công ty Tư vấn khối tư nhân được giải thể vào tháng 12/2013, và năm nay, lần đầu tiên kể từ khi thành lập, Quỹ Đối tác Việc làm không nhận một đồng nào từ Quỹ tín thác Thiên niên kỷ mới.
Trước khi giải thể vào tháng 1/2015, Quỹ Đối tác Việc làm đã quyết toán khoản cuối cùng 457.500 USD gửi tới Văn phòng Dịch vụ tài chính thuộc Bộ Tài chính. Ban Giám đốc của Quỹ đã biểu quyết chấm dứt hoạt động, chuyển toàn bộ khoản tiền còn lại vào Ngân khố quốc gia để giảm nợ công.
Trở lại với Triều Tiên, bất chấp “tuyệt chiêu” do thám thông qua các tổ chức nhân đạo của Mỹ, quốc gia này vẫn là một mục tiêu khó chinh phục của giới tình báo Mỹ. Việc giới chức Mỹ không hề hay biết về cái chết của cố lãnh đạo Kim Jong Il hồi tháng 12/2011 cho tới khi Triều Tiên chủ động công bố đã chứng minh cho nhận định này. Và chắc chắn, “tuyệt chiêu” này thất bại, Mỹ sẽ dày công tìm ra một “tuyệt chiêu” khác để thâm nhập vào “quốc gia bí ẩn nhất thế giới” …/.