Nelson Mandela có tên khai sinh là Rolihlahla Mandela. Ông sinh ngày 18/7/1918, là người của bộ tộc Madiba cư ngụ tại ngôi làng Mvezo thuộc tỉnh Transkei, Nam Phi. Cái tên Rolihlahla, trong tiếng địa phương có nghĩa đen là “kéo cành cây” nhưng cũng có nghĩa là “kẻ gây rối”. Đến khi đi học, ông được cô giáo đặt cho tên Nelson theo tục đặt tên lúc bấy giờ.
Nguyên tắc không thể thỏa hiệp
Cha của Mandela khi đó là cố vấn của Nhà vua của người Thembu tên Jongintaba Dalindyebo. Năm Mandela 12 tuổi, cha ông qua đời, khiến cuộc đời của ông đã thay đổi đáng kể. Bởi sau đó, Vua Dalindyebo đã quyết định nhận ông làm con nuôi để bày tỏ sự cảm kích đối với những sự hỗ trợ của cha ông dành cho ông ta trong những năm trước đó.
Với việc trở thành con nuôi của Vua của bộ tộc, Mandela trở thành người đầu tiên trong gia đình ông được học trung học và là một trong rất ít học sinh da đen ở Nam Phi được theo học đến cấp này.
Cũng với việc là con trai của Vua Thembu, sau khi hoàn thành bậc trung học, Mandela được cho theo học tại trường đại học duy nhất dành cho người da đen ở Nam Phi lúc bấy giờ là trường Fort Hare.
Tại trường học, ông kết thân với nhiều sinh viên người châu Phi, Ấn Độ và người da màu, trong đó có nhiều người về sau trở thành những người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng Nam Phi và trong cuộc chiến chống chế độ thuộc địa ở một số nước châu Phi khác.
Tuy nhiên, Mandela thực tế đã không lấy được bằng của trường Fort Hare, nguyên nhân là do sự khái tính của ông. Cụ thể, tại trường học, Mandela được bầu vào Hội đồng đại diện sinh viên của trường nhưng ông đã từ chối nhận vị trí này vì không đồng tình với cách bầu chọn các thành viên của hội đồng.
Sau khi Mandela bác bỏ tối hậu thư của trường về việc nhận vị trí trong hội đồng đại diện hoặc đối mặt với việc đuổi, trường học đã cho ông thêm thời gian đến hết kỳ nghỉ hè để suy nghĩ về việc này. Nhưng, Mandela đã quyết định không trở lại trường học sau kỳ nghỉ vì không muốn thỏa hiệp với những nguyên tắc công bằng mà ông đã định ra cho mình.
Sau khi Mandela trở về, nhà Vua đã rất tức giận và yêu cầu ông kết hôn với một phụ nữ do vua chọn. Để trốn tránh sự sắp đặt đó, Mandela quyết định bỏ trốn tới Johannesburg. Tại đây, ông làm bảo vệ cho một mỏ khai khoáng rồi sau đó gặp một nhân viên môi giới bất động sản tên Walter Sisulu và được người này giới thiệu cho vào làm việc trong một công ty luật. Trong lúc làm việc cho công ty này, Mandela ghi danh theo học trường Đại học Nam Phi và tốt nghiệp vào năm 1943.
Cuộc đấu tranh không mệt mỏi
Năm 1942, Mandela gia nhập đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) và tích cực tham gia vào phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Trong nội bộ ANC, ông gia nhập một nhóm nhỏ tự nhận là Đại hội đoàn thanh niên châu Phi, hoạt động với mục tiêu chuyển đổi ANC thành một phong trào quần chúng, tập hợp sức mạnh từ hàng triệu nông dân và người lao động không hề có tiếng nói trong xã hội lúc bấy giờ. Đặc biệt, nhóm này cho rằng chiến thuật đấu tranh kiến nghị lịch sự cũ của ANC không hề hiệu quả.
Kết quả của những cuộc vận động tích cực đó là việc năm 1949 ANC đã chọn các biện pháp đấu tranh như tẩy chay, đình công, không hợp tác của Đại hội đoàn thanh niên châu Phi làm phương pháp đấu tranh của đảng với mục tiêu là đảm bảo quyền công dân của người dân, phân phối lại ruộng đất, quyền công đoàn và giáo dục miễn phí cho trẻ em.
Trong suốt 20 năm sau đó, Mandela đã lãnh đạo nhiều phong trào đấu tranh ôn hòa, bất bạo lực để bày tỏ sự phản kháng đối với chính phủ và những chính sách đầy tính phân biệt chủng tộc của chính phủ Nam Phi lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó, năm 1952, ông cũng cùng với người bạn mà ông quen từ thời đại học tên Oliver Tambo thành lập Công ty luật Mandela & Tambo – công ty luật của người da đen đầu tiên ở Nam Phi - để tư vấn miễn phí hoặc giá rẻ cho những người dân da đen không có tiền thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ tòa án.
Nelson Mandela khi còn trẻ |
Năm 1956, Mandela và 150 người khác bị bắt và bị khởi tố về tội phản quốc vì những hoạt động chính trị của họ nhưng sau đó được tuyên trắng án. Đến năm 1961, ông bắt đầu nhận thấy rằng đấu tranh vũ trang là con đường duy nhất để có thể đạt được những thay đổi. Do đó, ông đã cùng thành lập nhánh vũ trang của ANC có tên Umkhonto we Sizwe, hay MK, chuyên áp dụng chiến thuật phá hoại và chiến tranh du kích với mục tiêu chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi.
Năm 1961, Mandela đứng ra tổ chức cuộc đình công kéo dài 3 ngày của các công nhân trên toàn quốc. Một năm sau đó, ông bị bắt vì đã dẫn đầu cuộc đình công và bị kết án 5 năm tù giam. Năm 1963, Mandela bị đưa ra tòa xét xử lại. Lần này ông và 10 lãnh đạo khác của ANC bị kết án tù chung thân vì các tội danh về chính trị, trong đó có tội phá hoại.
Nelson Mandela bị giam trên đảo Robben trong suốt 18 trong tổng số 27 năm ngồi tù của ông. Trong suốt thời gian này, ông chỉ được nhận những chế độ thấp nhất dành cho tù nhân vì là người da đen và còn bị mắc lao phổi. Song, cũng trong lúc ngồi tù, ông vẫn tích cực học tập và lấy được bằng cử nhân luật thông qua chương trình học từ xa của trường Đại học London.
Cũng trong thời gian đó, ông tiếp tục trở thành biểu tượng của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và cả thế giới. Một chiến dịch quốc tế đòi thả ông sau đó đã được phát động. Năm 1985, Tổng thống Nam Phi P.W. Botha đề nghị thả Mandela để đổi lấy việc ông thuyết phục những người đồng chí của mình từ bỏ việc đấu tranh có vũ trang nhưng ông thẳng thừng từ chối.
Trước áp lực cả từ trong nước và quốc tế, đến năm 1990, Tổng thống mới của Nam Phi là Frederik Willem de Klerk cuối cùng đã thông báo việc thả Mandela, dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động đối với ANC, cũng như dỡ bỏ lệnh hạn chế với các nhóm chính trị ở nước này.
Tổng thống da màu đầu tiên
Sau khi được thả ra, Nelson Mandela đã tích cực kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực buộc chính phủ Nam Phi sửa đổi hiến pháp, đồng thời tuyên bố rõ sẽ tiếp tục đấu tranh cho đến khi những người da đen được quyền bỏ phiếu.
Năm 1991, ông được bầu làm Chủ tịch đảng Dân tộc Phi và tích cực đàm phán với Tổng thống de Klerk để hướng tới cuộc bầu cử đa sắc tộc đầu tiên ở nước này. Năm 1993, ông và Tổng thống de Klerk đã cùng được trao giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ trong việc hướng tới xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc ở nước này.
Ngày 27/4/1994, Nam Phi đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên. Cũng tại cuộc bầu cử đó, Nelson Mandela đã được bầu làm tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi còn ông de Klerk trở thành phó tổng thống của ông.
Trong thời gian cầm quyền, Mandela đã tích cực để đưa đến sự cân bằng giữa các sắc tộc trong chính quyền của nước này. Ông cũng tích cực sử dụng sự yêu thích của người dân đối với các môn thể thao để thúc đẩy sự hòa giải giữa người da trắng và người da đen trong nước.
Mandela cũng tích cực để bảo vệ nền kinh tế Nam Phi khỏi nguy cơ sụp đổ trong nhiệm kỳ của ông thông qua Kế hoạch phát triển và tái thiết để tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe và nhà cửa cho người dân. Ông chính là người ký thành luật bản hiến pháp mới của Nam Phi, lập chính phủ trung ương dựa trên nguyên tắc đa số và bảo vệ quyền của người thiểu số cũng như quyền tự do biểu đạt của người dân.
Sau khi rút lui khỏi chính trường vào năm 1999, ông vẫn tích cực các hoạt động quyên tiền để xây các trường học và bệnh viện ở Nam Phi. Bên cạnh việc vận động cho hòa bình và bình đẳng ở Nam Phi và trên toàn cầu, trong những năm cuối đời, Mandela cũng tích cực đấu tranh chống HIV/AIDS.
Ngày 5/12/2013, Nelson Mandela qua đời ở tuổi 95 tại nhà riêng ở Johannesburg, Nam Phi. Trước đó, năm 2009, Đại hội đồng LHQ tuyên bố ngày sinh của ông là Ngày Mandela để thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới và cũng là để tưởng thưởng di sản của nhà lãnh đạo kiệt xuất của Nam Phi...