Dự kiến tổng vốn đầu tư các dự án trọng điểm trên là 261 triệu USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho biết, mục tiêu và kỳ vọng đối với hội nghị là phải tìm kiếm, mời gọi được nhà đầu tư thích hợp đầu tư vào những dự án mà tỉnh đang kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, phải tạo dấu ấn cho các doanh nghiệp biết đến nhiều hơn về Hậu Giang, một tỉnh có tới 87% diện tích là đất sản xuất nông nghiệp và 70% dân số trong độ tuổi lao động.
Thông qua hội nghị, Hậu Giang sẽ thông tin chi tiết về những lợi thế cũng như chính sách ưu đãi của tỉnh cho doanh nghiệp.
"Chúng tôi sẽ thông tin về các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như hỗ trợ về mặt thủ tục, với việc cấp chủ trương đầu tư khoảng 15 ngày; hỗ trợ ưu đãi một số loại thuế…”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng nói.
Ông Lữ Văn Hùng cho biết thêm, tỉnh đã xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực hơn trong việc hỗ trợ về mặt bằng, thuế, tìm kiếm lao động, vùng nguyên liệu…, như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo kể từ khi phát sinh thu nhập chịu thuế; ưu đãi mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong vòng 15 năm đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới…
“Hậu Giang luôn thực hiện nhất quán quan điểm: Ở nơi nào trên địa bàn tỉnh có khó khăn của doanh nghiệp thì ở đó sẽ có mặt của chính quyền địa phương để cùng tháo gỡ”, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khẳng định.
Hậu Giang đã thu hút được nhiều dự án có vốn đầu tư lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng kể là các doanh nghiệp đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hà Lan, Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Malaysia, Canada. Tỉnh có 28 dự án FDI, với tổng mức đầu tư đăng ký gần 828 triệu USD.
Một số sản phẩm nông nghiệp của Hậu Giang hiện nay đã tạo được thương hiệu trên thương trường, như: Bưởi Năm Roi, cá thát lát, khóm Cầu Đúc.