Đất nước thăng trầm
Khi nhắc tới mảnh đất Macedonia, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự tồn tại của một quốc gia nhỏ bé “lọt thỏm” giữa Đông Âu và Nam Âu, với dân số còn ít hơn một thành phố Hà Nội, khoảng 2 triệu người. Hoặc nhiều người cũng không ngờ rằng đây là một quốc gia độc lập được hơn trăm nước trên thế giới công nhận, chứ không còn là Cộng hòa Macedonia trực thuộc Nam Tư cũ.
Nhiều người cũng sẽ không thể tin nổi, mảnh đất này hàng ngàn năm về trước chính là nơi Alexander Đại đế sinh ra – người đã đem quân chinh phục châu Âu, tạo nên một đế quốc hùng mạnh. Nhưng lịch sử oai hùng này, cùng tên gọi quốc gia đầy kiêu hãnh vẫn còn bị người láng giềng Hy Lạp “chèn ép”.
Nhà tiên tri Vanga mù từ năm 12 tuổi, dành trọn cuộc đời ở Bulgaria, nhưng đã dự đoán đúng nhiều sự kiện kinh hoàng trên thế giới khi còn sống. Ví như: vụ chìm tàu ngầm nguyên tử Kursk (K-141) của Nga ở biển Barent năm 2000; thảm họa 11/9 ở Mỹ năm 2001, sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, thảm họa Chernobyl, chiến thắng trong cuộc bầu cử của Boris Yeltsin, chiến thắng của Topalov trong giải thi đấu cờ vua thế giới… đều đã xảy ra đúng như nhà tiên trị dự đoán. Bà còn biết trước cái chết của chính mình. Tiến sĩ Tinka Miteva, tác giả cuốn “Bí mật của Vanga”, kể lại những lần gặp gỡ nhà tiên tri đều thấy người dân xếp hàng dài chờ đợi hàng giờ để được gặp Vanga, để được nghe lời tiên tri của bà.
Khắp nơi tại thủ đô Skopje, có thế thấy rõ những nỗ lực dựng lên vô số tượng đài của Alexander Đại đế, như một cách khẳng định sự thật của lịch sử. Trận động đất 6,1 độ Richter năm 1963 và những tranh chấp, nội chiến của các quốc gia thuộc Nam Tư cũ, những công trình kiến trúc ở Skopje hầu như đã không thể tồn tại, ngày nay đang trong quá trình tái tạo, phục hồi.
Theo một số ghi chép, Paionia là vương quốc cổ đầu tiên được thành lập tại vùng đất nay là Cộng hòa Bắc Macedonia. Chủ nhân của vương quốc này là người Thrace-Ilyria, đã kiểm soát một phần lớn khu vực sông Axius và các khu vực xung quanh thời bấy giờ. Do đó, Cộng hòa Bắc Macedonia đã nhiều năm có những tranh cãi với Hy Lạp về tên gọi của nước này.
Vì Macedonia lại là một vùng đất lịch sử nằm trên lãnh thổ nhiều quốc gia khác nhau và có lịch sử, văn hóa gắn liền Hy Lạp; nên tên của quốc gia này cũng bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Μακεδονία (Makedonía), Có nghĩa là người vùng cao nguyên hay người cao, ý muốn nói đến tầm vóc cao lớn của người Macedonia cổ đại hoặc nói đến địa hình vùng núi cao nơi họ sinh sống.
Theo Reuters, hồi tháng 6 năm nay, Macedonia và Hy Lạp đạt thỏa thuận lịch sử để giải quyết mâu thuẫn về tên quốc gia kéo dài gần 3 thập niên: Quốc hội Macedonia thông qua thỏa thuận đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia.
Con đường Širok Sokak thuộc Bitola thu hút du khách bởi kiến trúc tân cổ điển |
Bên cạnh những thăng trầm ngổn ngang, có lẽ du khách phương xa cũng sẽ phải ngạc nhiên trước cuộc sống bình lặng của người dân thành phố Skopje. Những quán cà phê, bar, pub mọc lên san sát, bình yên bên dòng sông Vardar, một trong những nguồn nước ngọt quan trọng của cả Macedonia và nước láng giềng Hy Lạp, bắt đầu từ quảng trường trung tâm. Từ trung tâm bước lên cây cầu đá ngàn tuổi hướng về phía khu chợ cổ Old Bazaar sẽ thấy một Skopje sinh động hơn hẳn. Từ chân cây cầu đá, ngang qua nhà thờ Cơ đốc giáo cổ nhất của Macedonia, khu chợ dần mở ra.
Có người du khách đến đây từng nói rằng: “Sự đa sắc tộc của Macedonia có lẽ được thể hiện rõ nhất ở khu chợ này, những người Thiên chúa giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo và cả những người Digan không được cả thế giới này công nhận cùng hội tụ ở đây, mua mua bán bán, rộn rã, ồn ào. Khu chợ cổ Old Bazzar ở đây hiện là khu chợ có quy mô lớn và cổ thứ hai ở vùng bán đảo Balkan, sau khu chợ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Old Bazaar là một quần thể kiến trúc mang đậm dáng dấp thời kỳ bạo chúa Ottoman và còn may mắn tồn tại sau những thiên tai và biến động chính trị, dù rằng quy mô đã thu nhỏ rất nhiều”.
Cây Cầu Đá (Stone Bridge) bắc qua sông Vardar Skopje cũng có câu chuyện của riêng nó. Đây được coi là biểu tượng của thành phố Skopje, có thể thấy hình ảnh cây cầu trên cả huy hiệu lẫn trên lá cờ của thành phố này. Để có được vị trí đó, cây cầu đã trải qua rất nhiều biến cố lịch sử và trở thành một “nhân chứng sống” theo những thăng trầm của Macedonia. Cây cầu được xây dựng từ năm 1451 đến năm 1469 trên nền móng từ thời La Mã. Nguyên liệu xây dựng chính bằng các khối đá và được hỗ trợ bởi các cột vững chắc đã kết nối thành 12 vòng cung hình bán nguyệt.
Cầu Đá có chiều dài 214 m kết nối Quảng trường Macedonia (trung tâm của Skopje) với khu chợ cổ Old Bazaar. Ngoài cây cầu này, thủ đô Skopje còn sở hữu rất nhiều các điểm đến thu hút như hồ Matka, núi Vodno, Quảng trường Macedonia, Nhà tưởng niệm Đức Mẹ Teresa, Nhà thờ Panteleimon, Bảo tàng Khảo cổ Macedonia…
Đất nước này sở hữu rất nhiều nhà thờ Chính Thống giáo với kiến trúc đẹp |
Viên ngọc cổ của châu Âu
Hồ Ohrid cách thủ đô Skopje khoảng ba tiếng đồng hồ lái xe, cũng có nghĩa đã đi gần hết chiều ngang của đất nước Macedonia. Từ khi Cộng hòa Nam Tư tan rã, có lẽ hồ Ohrid là một trong số ít di sản ở lại cùng Macedonia. Di sản kết hợp tự nhiên và văn hóa của vùng Ohrid được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1979.
Hồ Ohrid được hình thành từ hơn 3 triệu năm trước, là một trong những hồ cổ nhất và sâu nhất ở châu Âu, được sở hữu bởi Macedonia và nước Albania láng giềng. Với chiều dài hơn 30km và độ sâu trung bình 300 mét. Vào mùa Hè, hồ Ohrid trở thành một bãi biển nước ngọt của người dân Macedonia và những quốc gia xung quanh.
Nằm trên bờ hồ Ohrid, thị trấn Ohrid là một trong những khu dân cư lâu đời nhất ở châu Âu, được xây dựng chủ yếu là giữa thế kỷ thứ VII và XIX. Thị trấn Ohrid cổ nằm trên sườn núi, từ hồ Ohrid du khách sẽ phải đi bộ bám theo sườn núi để lên đây. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh khắc họa một lịch sử hào hừng của đất nước Macedonia, bao gồm các Tượng đài kỉ niệm, Nhà thờ Ohrid, Nhà thờ Jovan Kaneo, Tu viện Saint Naum, Vườn quốc gia Galicica, Nhà thờ Sophia, Nhà hát cổ của Ohrid, Tsar Samuel’s Fortress, Sveti Kliment Ohridski, Pháo đài Samuil được xây dựng từ thời kỳ Trung cổ…
Những khách du hành tới Ohrid trước kia đã ví von mỗi một ngày của năm tương ứng với một nhà thờ ở đây. Điều này là bởi con số 365 nhà thờ lớn nhỏ nằm gọn trong thị trấn Ohrid bé nhỏ đã gây bất ngờ với bao nhiêu du khách đặt chân đến đây. Trong thị trấn còn giữ được những nhà thờ tường đá tổ ong từ hàng thế kỷ trước đó. Ở Macedonia, số người theo đạo Chính Thống giáo là chiếm đa số hơn cả. Do vậy, đất nước này sở hữu rất nhiều nhà thờ Chính Thống giáo với kiến trúc rất đẹp. Theo một thống kê năm 2011 thì cả nước có tất cả là 1.842 nhà thờ Chính Thống giáo và 580 nhà thờ Hồi giáo.
Đây là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp |
Ngoài Skopje, Ohrid, thì thành phố Bitola gần giáp biên giới Hy Lạp cũng là vùng thu hút bước chân du khách. Người ta biết đến con đường Širok Sokak – một con phố đi bộ đường dài thuộc trung tâm Bitola, bắt đầu tại Quảng trường Magnolia Square và kết thúc tại công viên thành phố. Điều khiến cho con đường này thu hút du khách chính là ở kiến trúc của các tòa nhà tân cổ điển trên phố.
Những nét kiến trúc đậm chất châu Âu với các nhà hàng, cafe và cửa hàng lưu niệm kéo dài gần cây số đã khiến cho du khách mãi nhớ đến Bitola. Cũng là một “tượng đài” lịch sử, khi đến Bitola du khách cũng có thể ghé thăm Vườn quốc gia Pelister, Bảo tàng Bitola, Tháp đồng hồ, Tượng Philip II, Nhà thờ Demetrius Solunskogo, Heraclea, Đài tưởng niệm d’Orient, Nhà tưởng niệm của Goce Delchev…
Cộng hòa Bắc Macedonia – một đất nước đầy thăng trầm lịch sử đối với bất kỳ ai bước chân đến đây; nhưng chúng ta lại thấy đáng quý tinh thần tự hào dân tộc của người dân nơi đây, cũng như những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn di sản lịch sử, di sản thiên nhiên, văn hóa từ cổ xưa như là một lời khẳng định đất nước, khẳng định con người xứ này.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Macedonia có tên chính thức là Cộng hòa Bắc Macedonia, nằm ở Đông Nam Âu, trên bán đảo Balkan, có biên giới chung với Albania, Serbia, Bulgaria, Hy Lạp, Kosovo. Skopje là thủ đô và thành phố lớn nhất của Cộng hòa Macedonia, tập trung hơn 1/4 dân số của quốc gia này. Đây chính là trung tâm giáo dục, văn hóa, chính trị và kinh tế của Macedonia - thành phố có lịch sử lâu đời, con người sinh sống từ thời cổ đại. Ngôn ngữ chính thức của Macedonia hiện nay là tiếng Macedonia và Albania. Thành phần dân tộc gồm người Macedonia (64,2%), Albania (25,2%), Thổ Nhĩ Kỳ (3,9%), Di-gan (2,7%), Serbia (1,8%), còn lại là người các dân tộc khác.