Do không có tiền tiêu xài cá nhân và trả tiền chơi game, Trần Tâm Tín (SN 1999, ngụ phường Phú Hiệp, TP Huế) rủ Lại Phước Tiến (SN 1993, ngụ huyện Phú Vang, cùng tỉnh Thừa Thiên Huế) đi trộm xe máy. Cả hai chở nhau rảo khắp các tuyến phố để tìm cơ hội trộm cắp.
Khi phát hiện chiếc xe Dream dựng trước cổng nhà một người dân trong con hẻm nhỏ, Tín dừng xe, đi bộ đến bẻ khóa, còn Tiến đứng cảnh giới. Cả hai đưa chiếc xe trộm cắp về gửi chủ quán internet mình hay chơi, chờ cơ hội để bán. Khi Tín chạy xe ăn trộm được mang đi tiêu thụ, thì bị phát hiện, bắt giữ.
Quá trình điều tra, cả hai “đạo chích” khai chủ quán internet là người khởi xướng, xúi giục Tín và Tiến đi trộm cắp xe về giao cho ông đưa đi tiêu thụ để trả nợ tiền chơi game và sử dụng các dịch vụ ăn uống tại quán. Chủ quán này còn biết xe Dream là do hai đối tượng này trộm cắp mà có nhưng vẫn cho gửi lại quán.
Tuy nhiên không đủ cơ sở để chứng minh người này phạm tội “trộm cắp tài sản” hoặc tội “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”, nên cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý, chỉ răn đe nhắc nhở.
“Không gia đình”
Bà ngoại bị cáo Tín ngồi co ro bên ngoài hành lang tòa án. Cạnh bà là chiếc làn đựng thức ăn. Biết hôm nay cháu ra tòa, bà dậy từ lúc 4h sáng, lọ mọ nấu món cháo mà đứa cháu thích ăn nhất. Bà nuôi Tín từ nhỏ đến giờ. Tín lại chưa đủ 18 tuổi, nên tòa gửi giấy mời triệu tập bà đến.
Tín học lớp 10 thì bỏ học ngang. Bà khuyên kiểu gì cũng không được. Có những ngày, Tín đi chơi cả ngày không về nhà. Bà lão hơn 70 tuổi phải đạp xe cọc cạch đi quanh phố tìm cháu. Thôi thì không học chữ, bà cho cháu đi học nghề sửa xe, để mai này còn ra đời kiếm ăn.
Bà đâu ngờ cháu mình lại dùng những “nghiệp vụ” học được từ nghề sửa xe, để đi trộm xe. Khi hay tin cháu mình bị bắt, bà chết lặng. Mấy tháng trước, Tín bị TAND huyện Phú Vang xử phạt 6 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”. Ngoài phiên tòa hôm nay, Tín còn cõng trên lưng một vụ án trộm cắp khác, chưa được đưa ra xét xử. Cả ba vụ án, Tín đều trộm cắp xe.
Bà bảo bao nhiêu đêm Tín ở trong trại giam, cũng là chừng ấy đêm bà không ngủ được. Rồi những đêm khuya khoắt, người chồng đã lẩn thẩn của bà ngồi ở góc nhà, cứ hỏi mãi một câu, “sao thằng Tín giờ này vẫn chưa về?”, bà chỉ biết ứa nước mắt.
Mẹ Tín đang ốm nặng, nhưng chị cũng đến tham dự phiên tòa cùng chồng. Người phụ nữ xanh xao, ốm yếu kể, chị lấy chồng, rồi sinh được hai đứa con. Chồng chị làm tài xế, mấy năm trước bị tai nạn, sức khỏe yếu nên chẳng làm được gì. Cả gia đình trông chờ cả vào những mẻ bánh chuối chiên chị bán trước cửa nhà. Kinh tế eo hẹp, vợ chồng đều ốm đau, khiến chị chẳng có nhiều thời gian để quan tâm đến Tín.
Bị cáo Tiến và Tín |
Đơn độc
Khác với Tín, bị cáo Tiến chẳng có người thân nào đến dự khán. Có lẽ trong lòng cũng có chút ngóng trông, nên Tiến thường dõi ánh mắt đượm buồn ra ngoài khung cửa. Đáp lại sự chờ mong của bị cáo, chỉ là màn mưa dày đặc trắng xóa. Tiến không đợi ba mẹ.
Bị cáo khẽ khàng: “Chắc cậu không biết hôm nay mở phiên tòa”. Bố mẹ ly hôn khi em mới chào đời. Tiến ở với người cậu ruột từ nhỏ cho đến lớn. Gia cảnh khó khăn, nên Tiến chẳng được đi học hành gì, cũng không có nghề nghiệp ổn định.
Tòa nói với Tiến: “Cha mẹ ly hôn. Bị cáo sống với cậu từ nhỏ. Không đi học, không biết chữ, nhưng từ nhỏ đến lớn bị cáo rất ngoan, chưa từng ăn cắp, ăn trộm của ai, sao lại nghe lời rủ rê của một người nhỏ tuổi hơn mình, để phải ra đứng đây?
Không sống cùng cha mẹ, nhưng bị cáo có cậu thương yêu, chăm sóc, lẽ ra bị cáo phải cố gắng để sống thật tốt chứ? Hôm nay cậu bị cáo không đến. Nếu không, chứng kiến cảnh bị cáo đứng đây, cũng đau lòng mà không dám vào như bà ngoại ở ngoài kia”. Tiến cúi đầu.
Vị chủ tọa lại quay sang Tín: “Bà ngoại bị cáo đã 75 tuổi, nhưng vẫn còn phải nuôi bị cáo. Mà bị cáo lêu lổng, trộm cắp, không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm? Sao bị cáo có thể làm người nuôi nấng mình đau lòng đến thế? Nuôi nấng cháu khôn lớn, dồn hết bao tâm sức, đổi lại chỉ có sự đau lòng này thôi sao? Hôm nay bà ngoại không dám vào phòng xử, theo bị cáo là bà sợ điều gì?”. Bị cáo Tín gục mặt trên vành móng ngựa, khóc tu tu.
Tòa hỏi hai bị cáo: “Bị cáo có được người thân cho ăn uống no đủ. Ngày ba bữa không?”. “Dạ đủ”. “Đủ sao lại đi ăn cắp ăn trộm?”. Cả hai đều lí nhí, bảo ăn trộm để trả tiền chơi game”. “Cả hai bị cáo cùng với ba người bạn của mình vào quán chơi game. Nhưng cả nhóm không ai có tiền trong túi.
Lúc tính tiền, không có tiền trả, cả 5 người còn ngồi lại chơi cho đến tối, rồi uống cà phê, uống nước ngọt trong quán. Sau đó bị cáo Tín rủ bị cáo Tiến đi trộm xe máy lấy tiền trả tiền game. Giờ vô ngồi trong trại giam, có sợ không?”. Cả hai bị cáo đều đồng thanh bảo “sợ”.
Tại phiên tòa, bị cáo Tín một mực cho rằng, bị cáo đi ăn trộm vì ông chủ quán internet xúi giục. Mẹ Tín cũng vẻ bức xúc, bảo con bà còn nhỏ, nên mới bị người kia xúi giục. Việc ông chủ tiệm nét không đến dự khán để đối chất, khiến con trai bà thiệt thòi.
HĐXX công bố lời khai của ông chủ tiệm nét. Ông này khai mình hoàn toàn không hề hay biết việc hai bị cáo đi lấy trộm, cũng không hiểu vì sao hai bị cáo khai ông xúi giục. Mẹ bị cáo Tín ốm, không đứng dậy nổi nên tòa cho phép bà ngồi trả lời các câu hỏi của tòa. Bà cho rằng: “Chính ổng xúi con tui chơi game, rồi xúi con tui đi ăn trộm trả nợ tiền game”.
Vị chủ tọa lắc đầu, bảo con trai bà tuy còn nhỏ, nhưng đã ăn trộm xe máy nhiều lần rồi, chứ không phải mới lần đầu: “Chị có bao giờ tự hỏi, mình làm mẹ, tại sao mình nói con không nghe, mà lại đi nghe lời xúi giục của người khác. Trước khi trách người khác, đổ lỗi cho người khác, phải nhìn lại bản thân mình. Nếu chị dạy con tốt, thì làm sao người khác xúi giục được”. Gương mặt mẹ bị cáo chuyển dần từ xanh mét sang ửng đỏ.
Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại tòa cho biết, quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã đặt ông chủ tiệm nét vào “tầm ngắm”. Tuy nhiên, do không có chứng cứ, nên không thể xử lý. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang điều tra theo dõi người này.
Do Tín là người khởi xướng, và cũng là người thực hiện hành vi gây án, nên phải chịu trách nhiệm chính, bị xử phạt 6 tháng tù giam, bị cáo Tiến giữ vai trò đồng phạm, bị xử phạt 5 tháng tù giam.