“Hy vọng các bạn trẻ có thể làm được những điều lớn lao”
Empower Women Asia được sáng lập bởi Rachel Nguyen Isenschmid (Trang Nguyễn), một người phụ nữ gốc Việt đang sống và làm việc tại Thụy Sĩ. Đây là một dự án thuộc tổ chức phi chính phủ KIBV (Keep It Beautiful Vietnam), hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số ở các làng dệt Việt Nam, giúp họ có thể nâng cao trình độ, hiểu biết, năng lực và lợi thế cạnh tranh bằng việc tạo ra các sản phẩm dệt may chất lượng và bền vững và có nhiều cơ hội hơn nhằm nâng cao mức sống cũng như có được nguồn thu nhập ổn định.
Khi được hỏi về lí do sáng lập dự án, chị Trang chia sẻ: “Ý tưởng về dự án bắt đầu từ chuyến thăm Việt Nam của tôi tại Mai Châu, Hòa Bình năm 2019, để tìm tài liệu cho luận văn thạc sĩ về chủ đề thời trang bền vững. Sinh ra và lớn lên ở Hòa Bình, nhưng tôi rất hiếm khi có cơ hội đặt chân tới Mai Châu. Trải nghiệm khi được thăm các bản làng và nói chuyện cùng các chị em đã cho tôi cảm hứng và động lực cố gắng làm điều gì đó dù nhỏ bé nhất, giúp họ có thêm cơ hội giữ nghề truyền thống, cải thiện thu nhập”.
Trong sự phát triển không ngừng của xã hội, nhiều người mải chạy theo xu hướng, theo cái mới mà quên đi những giá trị cốt lõi truyền thống. Thông qua dự án EWA, chị Trang không chỉ mong muốn hỗ trợ các chị em phụ nữ làng nghề mà còn muốn khơi lên tình yêu, sự trân trọng và niềm tự hào với những giá trị văn hóa, tinh hoa của Việt Nam qua các sản phẩm vải thời trang thủ công.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án EWA đã hoạt động được khoảng 5 năm, có tới hàng trăm tình nguyện viên (TNV) khắp nơi trong nước và quốc tế, thu về được những thành công nhất định. Năm 2019, chỉ trong một thời gian ngắn thành lập, EWA đã vinh dự được Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc vinh danh. Năm 2021, với sức ảnh hưởng của mình, EWA chính thức tổ chức 2 sự kiện gây quỹ lớn “Giấc mơ bên khung cửi” và “Dệt mùa hy vọng”. Các sự kiện gây quỹ đã thành công trao tận tay 16 suất quà bao gồm hiện kim và dụng cụ sản xuất cho các chị em tại Bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình. Trong 3 tháng đầu năm nay, dự án lại tiếp tục thu về số tiền khoảng 50 triệu đồng cho quỹ “Dệt cửi thêu mây” nhằm mục đích hỗ trợ kinh tế cho phụ nữ và trẻ em gái dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại làng dệt.
Đồng thời, dự án cũng tổ chức hàng loạt các sự kiện, hội thảo giúp công chúng tiếp cận, trải nghiệm quá trình hình thành sản phẩm từ sợi dệt, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa Việt và giá trị của thời trang bền vững.
Với chị Trang, người đang tiếp tục viết nên những chặng đường sắp tới của dự án, khi so sánh những gì đã làm được với biết bao dự án lớn của các tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân ngoài kia, chị cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ. Tuy nhiên, điều đáng trân trọng hơn cả là những giá trị và tầm ảnh hưởng mà dự án mang lại. “Tôi luôn hy vọng các bạn trẻ có thể làm được nhiều điều lớn lao, vĩ đại hơn khi được nuôi dưỡng bởi lý tưởng, giá trị nhân văn trong môi trường làm việc và thời gian đồng hành cùng dự án. Đối với tôi, sự thành công không phải là dự án đã làm được những gì mà còn cả ở việc chúng tôi đang nhân rộng, gieo sự tử tế trong cộng đồng để sẽ có nhiều các tổ chức, cá nhân sẽ làm những điều tương tự như vậy”.
Đường đến thành công “không toàn hoa hồng”, để đạt được những kết quả thiết thực ở hiện tại, chị Trang và EWA đã phải trải qua không ít những thử thách. Thời gian đầu mới thành lập, dự án gặp phải một số vấn đề như rào cản ngôn ngữ của các bạn TNV với các chị em dân tộc Thái tại Mai Châu, những ý tưởng muốn được thực hiện nhưng lý thuyết lại khác xa với thực tế.
“Sau khi đại dịch COVID bùng nổ, các bạn TNV nước ngoài không thể về Việt Nam, đó là thời điểm các bạn trẻ TNV Việt Nam phát huy tinh thần vì cộng đồng cùng nhiệt huyết tham gia dự án. Tuy còn gặp nhiều khó khăn và những gì đạt được còn rất xa so với mục đích đặt ra, nhưng mọi người đều cố gắng hết sức để dù một phần công sức nhỏ bé nhất vẫn có thể mang lại hy vọng về những thay đổi tích cực. Và có lẽ, khó khăn lớn nhất trong cả hành trình đó là việc thuyết phục các đối tác, công chúng hiểu về thông điệp dự án muốn truyền tải. Làm thế nào để những thông điệp nhân văn thật sự chạm tới trái tim mà không bị các rào cản về mục đích lợi nhuận chi phối” - chị Trang bộc bạch.
Khắc khoải dòng máu Lạc Hồng trong mỗi người con xa xứ
Chia sẻ về dấu ấn khiến bản thân cảm đáng nhớ nhất trong quá trình thực hiện dự án, chị Trang cho rằng đó là các hoạt động quảng bá về làng nghề dệt truyền thống trong và ngoài nước, điển hình là các sự kiện thời trang tại Thụy Sĩ trong nhiều năm qua. Chính chúng đã góp phần giúp dự án mang hình ảnh Việt Nam giới thiệu tới đông đảo bạn bè quốc tế.
“Thổ cẩm trong tiềm thức của nhiều người là các sản phẩm của người dân tộc miền núi điển hình trong các trang phục truyền thống hay các sản phẩm lưu niệm. Chúng tôi mong muốn mọi người có cái nhìn khác đi, rằng các sản phẩm từ thổ cẩm có thể gắn bó với cuộc sống hàng ngày”.
Khi bắt tay vào dự án, các bạn TNV quốc tế khi về Mai Châu đã cực kỳ hăng hái bắt tay vào việc nghiên cứu thị trường vải và thời trang tại đất nước của mình, để có thể đưa ra các ý tưởng về màu sắc, mẫu mã có thể áp dụng chất liệu thổ cẩm. Một loạt các sản phẩm mẫu đã được ra đời và đem đi quảng bá tại thị trường trong và ngoài nước với thông điệp: “Thổ cẩm có thể hiện diện tinh tế, sang trọng, phong cách trong đời sống hàng ngày”.
Sản phẩm thổ cẩm được giới thiệu đến bạn bè quốc tế. (Nguồn ảnh Facebook EWA) |
Đặc biệt, cơ duyên đã giúp chị Trang gặp chị Ngọc Anh - nhà sáng lập La Phạm, một người vốn rất tâm huyết, sáng tạo với các sản phẩm thời trang thổ cẩm. Đồng hành với La Phạm, chị Trang và dự án của mình đã có những cột mốc trong hành trình đưa thổ cẩm ra thế giới.
Tháng 9 năm 2021, dự án đã có chương trình diễn thời trang áo dài thổ cẩm đầu tiên tại Thụy Sĩ trong chương trình kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Sĩ. Trong 2022, dự án tham gia vào chương trình UNDRESS tại Saint Gallen trong khuôn khổ chương trình thời trang bền vững quốc tế và chương trình “Ngày Việt Nam” tại Lucerne Thụy Sĩ. Ngoài ra, tại Zurich, dự án có một showroom để trưng bày các sản phẩm thổ cẩm Việt Nam để các khách hàng quốc tế có thể ghé thăm và lắng nghe câu chuyện về người phụ nữ làng nghề và hành trình thổ cẩm.
Thông qua việc tham gia các sự kiện quốc tế quy mô, Việt Nam với những bộ trang phục với hoạ tiết tinh tế, đậm nét văn hoá Việt đang dần được nhiều khách hàng và bạn bè quốc tế yêu thích.
Có lẽ, động lực lớn nhất thôi thúc chị Trang trong công cuộc đưa thời trang Việt ra thế giới là tình yêu đối với quê hương, đất nước. “Mỗi người Việt khi lựa chọn cuộc sống xa xứ sẽ có vô vàn lý do. Nhưng tôi tin rằng, kể cả những người hiện chưa có cơ hội để đóng góp cho đất nước, thì một lúc nào đó, dòng máu Lạc hồng và sự khắc khoải thương nhớ về quê hương sẽ thôi thúc họ làm những điều dù nhỏ bé nhất. Bản thân tôi cũng luôn tự nhủ dù có thể những gì mình đang làm chưa thấm vào đâu nhưng tinh thần và tấm lòng hướng về quê hương có lẽ cũng là một sự khởi đầu tốt”.
Trong thời gian tới chị Trang và các tình nguyện viên sẽ vẫn tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu mà dự án đề ra. “Tôi hy vọng trong thời gian tới, dự án sẽ nhận được nhiều hơn sự ủng hộ chung tay của các nhãn hàng, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân. Để hành trình sẽ có thêm cộng sự cùng chí hướng, để có thêm nhiều cơ hội hỗ trợ cho các đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ làng nghề”.
Đồng thời, chị cũng bày tỏ mong muốn các sản phẩm vải thổ cẩm, vải làm từ chất liệu Việt sẽ được biết tới và đón nhận nhiều hơn tại thị trường quốc tế. Chính vì vậy, việc lên kế hoạch các chương trình quảng bá nhiều hơn tại các sự kiện thời trang quốc tế là không thể bỏ qua.
Hướng đến mục tiêu trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái ở các làng dệt thiểu số tại Việt Nam, chặng đường sắp tới của dự án hẳn sẽ còn rất dài và nhiều thử thách. Tuy nhiên, tinh thần cố gắng không ngừng nghỉ của chị Trang và các tình nguyện viên chắc chắn sẽ giúp cho dự án vượt qua mọi khó khăn và tiếp tục phát triển.