Hàng trăm trẻ Hà Nội nhập viện vì cúm

(PLVN) - Những tuần gần đây, thời tiết giao mùa lại cũng là lúc bầu không khí Hà Nội phá kỷ lục về độ ô nhiễm. Tất cả những yếu tố trên khiến số trẻ mắc bệnh về hô hấp, nhất là bệnh nhi mắc cúm mùa gia tăng đột biến.
Thời tiết thay đổi, không khí ô nhiễm khiến trẻ em mắc nhiều vấn đề về đường hô hấp
Thời tiết thay đổi, không khí ô nhiễm khiến trẻ em mắc nhiều vấn đề về đường hô hấp 

Bệnh nhân gia tăng

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) mỗi ngày tiếp nhận gần trăm ca đến khám và điều trị liên quan đến các bệnh về đường hô hấp và cúm của trẻ nhỏ. Về lý do nhiều trẻ đến khám và điều trị các bệnh về đường hô hấp, bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Trong thời gian qua, đặc biệt là một tháng trở lại đây, bệnh nhân có bệnh lý hô hấp vào Khoa tăng cao hơn so với các tháng trước, khoảng 20-30%. Một phần do đây là mùa dịch cúm, mùa của bệnh lý đường hô hấp dưới, đặc biệt thời gian gần đây, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm, khói bụi cũng ảnh hưởng. Dù chúng tôi chưa có thống kê tỷ lệ thay đổi thế nào, ảnh hưởng của khói bụi ra sao nhưng rõ ràng, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện trong thời gian này có cao hơn và phần lớn có những bệnh nhân bội nhiễm trên nền sốt virus, viêm long đường hô hấp trên…”.

Bác sĩ CK2 Phạm Thị Như Hoa, Khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Trong thời điểm ô nhiễm không khí như hiện nay, bệnh đường hô hấp, nhất là trẻ nhỏ, chúng tôi gặp nhất nhiều. Ngày cao điểm nhất, riêng Khoa Nhi của chúng tôi có ngày tiếp nhận tới 200 bệnh nhân, trong đó có cả các trường hợp nhập viện, cũng như nội trú. Hầu hết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao từ 39-40 độ. Điều này khiến nhiều bố mẹ không yên tâm nên đưa con vào viện”.

Trong năm nay, đợt dịch sốt xuất huyết và dịch cúm A bệnh viện tiếp nhận cao điểm tới hàng trăm ca. Còn trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 50-60 ca. Thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết, bệnh về đường hô hấp ở trẻ nhỏ rất dễ gặp, nhất là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hay gặp viêm tiểu phế quản. Do vậy, bố mẹ cần giữ ấm cho con, cho uống đủ nước. Trẻ lớn đi học, cần lưu ý vì đang mùa dịch cúm A. 

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là trẻ sốt cao. Nhiều bố mẹ cho con uống hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ nên đã đưa trẻ vào khám. Những biến chứng sau đó có thể là trẻ ho nhiều hơn, bị viêm phế quản hoặc viêm phổi. Nếu trẻ có những biểu hiện phải lưu ý để cách ly trẻ, tránh để bệnh lây lan. Đã có trường hợp phụ huynh đưa con đến khám cho biết, ở lớp trẻ có tới 10 bạn nghỉ học vì sốt.

Bác sĩ Hoa khám cho bệnh nhân
Bác sĩ Hoa khám cho bệnh nhân 

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng trẻ nhập viện cũng đang gia tăng. Theo PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, thời điểm này, số lượng bệnh nhi mắc cúm A đang gia tăng. Bệnh viện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trung bình mỗi ngày có khoảng 100-120 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi..., nghi ngờ mắc cúm. Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Thuốc Tamiflu điều trị cúm đang khan hiếm

Đáng lo ngại là trước tình hình bệnh cúm gia tăng, thuốc Tamiflu điều trị cúm đang khan hiếm tại một số bệnh viện. Khiến nhiều người bức xúc phản ánh khi phải tìm mua thuốc Tamiflu với giá đắt gấp nhiều lần so với bình thường.

Theo PGS-TS Trần Minh Điển, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg là thuốc không được sử dụng tùy tiện, chỉ được chỉ định với những trường hợp có các biến chứng như viêm phổi và khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm. Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương đã có văn bản gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) để thông báo tình trạng kho thuốc đang hết dần Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời.

Thuốc Tamiflu điều trị cúm đang khan hiếm, nhiều người kinh doanh được dịp ép giá
Thuốc Tamiflu điều trị cúm đang khan hiếm, nhiều người kinh doanh được dịp ép giá 

Đại diện Cục Quản lý dược cho biết, thuốc Tamiflu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Thuốc được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện. Ngoài ra, một đơn hàng nhập khẩu bổ sung Tamiflu sẽ sớm về Việt Nam, phục vụ cho điều trị. Cục Quản lý dược khuyến cáo, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng.

Trước tình trạng trên, để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Người dân cần tiêm vắc-xin cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

Người bệnh khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. 

Bệnh cúm mùa và cách điều trị

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Triệu chứng bệnh 

Sau khoảng 2 ngày ủ bệnh (sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm) cơ thể bắt đầu có các triệu chứng: Sốt, cảm giác ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực, đau tai, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Sau 5 ngày, sốt và các triệu chứng khác thường biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Bệnh nhân nghi ngờ nhiễm cúm hoặc đã xác định nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng. Sau đó, nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh nhân và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên. Thuốc kháng vi-rút được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định, ưu tiên điều trị tại chỗ, nếu điều kiện cơ sở điều trị cho phép nên hạn chế chuyển tuyến.

Phòng bệnh cúm mùa

Bên cạnh việc phát hiện sớm bệnh để có kế hoạch điều trị thì công tác phòng bệnh cũng cần được quan tâm bởi lẽ phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh.

Khi tiếp xúc với người bệnh nghi nhiễm cúm cần đeo khẩu trang, tăng cường rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh hô hấp khi ho khạc; tránh tập trung đông người khi có dịch xảy ra.

Cần lưu ý, chống cúm bằng các thuốc kháng virut không phải là một thay thế cho việc tiêm phòng vắc-xin; Nên tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm. Các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm nên được tiêm phòng cúm là nhân viên y tế, trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch...) và người trên 65 tuổi.

Việc dự phòng bằng thuốc: Có thể điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virut oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Thời gian điều trị dự phòng là 10 ngày.

Để phòng lây truyền từ người bệnh, cần cách ly người bệnh ở buồng riêng; người bệnh phải đeo khẩu trang trong thời gian điều trị; thường xuyên làm sạch và khử khuẩn buồng bệnh và quần áo, dụng cụ của người bệnh. Nhân viên mang thai, mắc bệnh tim phổi mạn tính nên tránh tiếp xúc với người bệnh.

Với các nhân viên y tế: Cần rửa tay thường xuyên trước và sau khi thăm, khám người bệnh bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn nhanh; phương tiện phòng hộ gồm khẩu trang, găng tay, mũ, bao giày hoặc ủng, mặt nạ che mặt… phải luôn có sẵn ở khu vực cách ly, được sử dụng đúng cách và khi cần thiết. Sau khi dùng được xử lý theo quy định của Bộ Y tế.

Đọc thêm

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

Xử phạt một bác sĩ chẩn đoán sai bệnh

(PLVN) - Thanh tra Sở Y tế tỉnh Gia Lai mới ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Văn Phán (SN 1961), bác sỹ Chuyên khoa I, đồng thời đình chỉ 2 tháng hoạt động của phòng khám chuyên khoa Ngoại (thuộc phòng khám đa khoa Tây Nguyên) vì chẩn đoán sai bệnh rồi chỉ định phẫu thuật dương vật của bệnh nhân. 

Cần nhiều giải pháp để phòng, chống bệnh dại

Giải cứu các chú chó và kêu gọi các nhà hàng thịt chó chuyển mô hình kinh doanh ở Thái Nguyên. (Ảnh: HSI )
(PLVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Đây là biện pháp kịp thời trong việc phòng, chống bệnh dại cũng như hành động quyết liệt hơn nữa nhằm chấm dứt nạn buôn bán và giết mổ chó, mèo để lấy thịt hàng năm trên toàn quốc.

1.000 người nghèo Yên Bái được khám, chữa bệnh miễn phí

1.000 người dân Yên Bái được thăm khám và cấp thuốc miễn phí. Ảnh: Vụ Sức khỏe Bà mẹ - trẻ em
(PLVN) - Trong 4 ngày vừa qua (20-23/3), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em - Bộ Y tế và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chương trình khám, chữa, sàng lọc bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 1000 người, hỗ trợ bệnh nhân nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật cấp cứu sản khoa cho Bệnh viện Sản nhi Yên Bái và Trung tâm Y tế huyện Yên Bình.