Đặc biệt, một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Luật là cho phép thân nhân của người phải chấp hành án tử hình có thể được nhận tử thi, hài cốt - trừ những trường hợp gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường - nhưng phải qua một quy trình nhất định.
Nhiều mộ tử tù bị đào trộm, cho thân nhân nhận lại thi hài
Nhiều mộ người tử hình bị đào trộm- đây là thông tin từng được đưa ra trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội thảo luận về nội dung của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 từ lúc còn là dự thảo.
Mặc dù số bị án phải thi hành án tử hình không nhiều, chỉ khoảng 100 trường hợp mỗi năm nhưng bà Lê Thị Thu Ba (khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) đã cho biết: “Nhiều trường hợp sau khi xử bắn và mai táng, thân nhân người bị tử hình tìm mọi cách lấy trộm tử thi... Thực tế đó dẫn đến khó khăn trong quản lý phần mộ của người bị thi hành án tử hình, nhất là trách nhiệm giải quyết trong trường hợp thân nhân của người bị thi hành án tử hình có yêu cầu nhận mà hài cốt không còn”.
Trước thực trạng trên đây, với quan điểm nhân văn “nghĩa tử là nghĩa tận”, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình nên để cho thân nhân nhận lại thi hài, hài cốt hoặc tro cốt của người bị thi hành án tử hình, trừ những trường hợp gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an ninh quốc gia. Vì vậy, Điều 60 Luật Thi hành án hình sự đã quy định rõ về giải quyết việc thân nhân xin nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình.
Trước khi thi hành án tử hình, thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người chấp hành án được làm đơn có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú gửi Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm đề nghị giải quyết cho nhận tử thi của người chấp hành án để an táng.
Trường hợp người chấp hành án là người nước ngoài thì đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người chấp hành án mang quốc tịch và phải được dịch ra tiếng Việt. Đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận tử thi, quan hệ với người chấp hành án, cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.
Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị về việc cho nhận tử thi hoặc không cho nhận tử thi khi có căn cứ cho rằng việc nhận tử thi ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường.
Trường hợp người chấp hành án là người nước ngoài, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người đó mang quốc tịch.
Chưa có trường hợp gây ảnh hưởng an ninh, trật tự
Trường hợp không được nhận tử thi hoặc thân nhân của người bị thi hành án không có đơn đề nghị được nhận tử thi về an táng thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu tổ chức việc an táng. Sau 3 năm kể từ ngày thi hành án, thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án lại được làm đơn có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi đã thi hành án cho nhận hài cốt.
Đơn đề nghị phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận hài cốt, quan hệ với người bị thi hành án, cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Nếu người bị thi hành án là người nước ngoài thì đơn đề nghị phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người bị thi hành án mang quốc tịch và phải được dịch ra tiếng Việt.
Trường hợp thân nhân được nhận tử thi, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo cho người có đơn đề nghị ngay sau khi thi hành án để đến nhận tử thi về an táng.
Việc giao nhận tử thi phải được thực hiện trong thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo và phải lập biên bản, có chữ ký của các bên giao, nhận. Hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận tử thi, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm an táng.
Còn nếu không được nhận tử thi hoặc thân nhân của người bị thi hành án không có đơn đề nghị được nhận tử thi về an táng nhưng sau 3 năm lại có đơn đề nghị cho nhận hài cốt thì trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Đối với những trường hợp này, việc giải quyết cho nhận hài cốt do cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định.
Tuy không nêu rõ con số thân nhân xin nhận lại thi hài, hài cốt hoặc tro cốt của người bị thi hành án tử hình, nhưng Báo cáo tổng kết 05 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự trong Công an nhân dân cho biết: Từ năm 2011 – 2016, các trại giam đã giải quyết cho 2.812 gia đình được nhận thi thể, tro cốt; 2.018 trường hợp bốc mộ về mai táng.
Bộ Công an cũng cho biết, chủ trương cho thân nhân được nhận thi thể, hài cốt, tro cốt phạm nhân chết về mai táng là chính sách mang đậm tính nhân văn, nhân đạo, phù hợp phong tục tập quán dân tộc, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhiều thân nhân, gia đình có phạm nhân chết, giảm số mộ chí tại các nghĩa địa trại giam và đến nay chưa có trường hợp nào gây ảnh hưởng an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.