Hàng không thử nghiệm “hộ chiếu vaccine”, Việt Nam đã sẵn sàng?

“Hộ chiếu vaccine” đang được coi là giải pháp phục hồi du lịch quốc tế.
“Hộ chiếu vaccine” đang được coi là giải pháp phục hồi du lịch quốc tế.
(PLVN) - “Hộ chiếu vaccine” đang được coi là “chiếc phao cứu sinh” của du lịch quốc tế. Nhiều hãng hàng không đã bắt đầu thử nghiệm hộ chiếu vaccine, trong đó có Vietnam Airlines.

Thẻ sức khỏe kỹ thuật số, nên không?

“Hộ chiếu vaccine”, hay còn gọi là thẻ sức khoẻ kỹ thuật số, được hiểu là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng vaccine Covid-19 và sau này sẽ là các loại vi rút khác. “Hộ chiếu vaccine” được lưu trữ trên điện thoại, ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR.

Trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới đang có chuyển biến tích cực khi nhiều quốc gia đã thực hiện tiêm chủng cho công dân nước mình. Tuy nhiên, việc thông hành giữa các quốc gia và phục hồi du lịch quốc tế vẫn là một bài toán khó.

Bởi lẽ hệ thống y tế, tình hình phòng chống dịch và loại vaccine được sử dụng tại mỗi quốc gia có thể khác nhau; du khách cũng khó thể chấp nhận việc mỗi khi nhập cảnh phải cách ly từ 7-14 ngày ở nước bạn và ngược lại, khi trở về nước nhà cũng phải cách ly. Như vậy, giải pháp “hộ chiếu vaccine”  đã được một số đất nước áp dụng, nhằm thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế trên cơ sở bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Ngày 17/3, Uỷ ban Châu Âu đã thông qua Chứng chỉ Xanh kỹ thuật số, dưới dạng ứng dụng cài trên điện thoại hoặc in ra giấy, tương tự Sổ tiêm chủng quốc tế. Theo đó, chứng chỉ này lưu giữ những thông tin cá nhân như họ tên, ngày sinh, số thẻ căn cước và phần thông tin y tế bao gồm ngày tiêm chủng vaccine Covid-19, loại vaccine, kết quả xét nghiệm, hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi bị nhiễm vi rút.

Như vậy, những người có chứng chỉ này sẽ được đi lại, du lịch ở 27 quốc gia ở châu Âu. Bà Ursula Von Der Leyen - Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết: “Chứng chỉ Xanh sẽ xác thực mọi dữ liệu hiển thị và các dữ liệu tối thiểu đó được công nhận lẫn nhau tại tất cả các quốc gia thành viên. Thông tin có trong các Chứng chỉ cũng được tập trung thành một cơ sở dữ liệu thống nhất, nhằm mục đích phối hợp mở cửa dần dần một cách an toàn và bền vững”. Một số quốc gia khác như Đan Mạch, Thuỵ Điển, Đức và Mỹ đã thông báo về việc đang nghiên cứu và sẽ sớm ra mắt “hộ chiếu vaccine” của riêng họ. 

Tại châu Á, đất nước tiên phong trong việc phát hành “hộ chiếu vaccine” là Trung Quốc. Chương trình “hộ chiếu vaccine” của Trung Quốc bao gồm một mã QR trong WeChat và các ứng dụng điện thoại thông minh khác của Trung Quốc nhằm cung cấp cho mỗi quốc gia thông tin y tế của du khách. Theo đó, “mã sức khoẻ QR” này đã được yêu cầu phải có khi tham giao thông trong nước và nhiều không gian công cộng ở Trung Quốc.

Đất nước này cũng đã phê duyệt cho 17 loại vaccine Covid-19 để thử nghiệm lâm sàng; trong đó có 7 loại đã bước vào thử nghiệm giai đoạn ba và 4 loại đã được cấp phép sử dụng cho trường hợp khẩn cấp. 

Mặt khác, Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp “hộ chiếu vaccine” và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng. Singpore cũng đang thử nghiệm TravelPass – một ứng dụng di động xác minh sức khoẻ, lịch sử tiêm chủng và kết quả xét nghiệm Covid-19 của hành khách, cho phép kiểm tra ở bất kể đâu, để bắt đầu thử nghiệm các chuyến bay du lịch quốc tế đầu tiên trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã giao các bộ, ngành liên quan chuẩn bị phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và mở lại đường bay quốc tế, giao thương có kiểm soát.

Tuy nhiên, ở một bối cảnh khác, tại Anh, có hơn 200.000 người đã ký tên vào một bản kiến nghị để được đưa ra tranh luận trước Quốc hội để ngăn chặn việc ban hành giấy chứng nhận vaccine. Những người này cho rằng một chứng nhận như vậy có thể “được dùng để hạn chế quyền của những người đã từ chối tiêm vaccine Covid-19”. Do vậy, có thể thấy, giải pháp “hộ chiếu vaccine” vẫn là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia cho đến khi thử nghiệm thành công và có nhiều bằng chứng về tính hiệu quả. 

Hàng không thử nghiệm “Hộ chiếu vaccine”

Ngày 18/3, Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết, hãng sẵn sàng phối hợp các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” trong lộ trình từng bước khôi phục mạng bay quốc tế.

Trong thời gian tạm dừng khai thác các đường bay quốc tế thường lệ, Hãng hàng không quốc gia vẫn duy trì hoạt động thường xuyên trên mạng bay quốc tế qua các chuyến bay đưa công dân hồi hương, vận chuyển hàng hóa và chở hành khách một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài. Hiện nay, các chuyến bay quốc tế đang được VNA thực hiện theo tiêu chuẩn phòng, chống dịch mức 4 - mức cao nhất trong hệ thống an toàn dịch bệnh của hãng. 

Nhiều hãng hàng không quốc tế đã bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vaccine”.
 Nhiều hãng hàng không quốc tế đã bắt đầu áp dụng “hộ chiếu vaccine”.

Trước thông báo này của Vietnam Airlines, nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã chấp nhận đi tiên phong thử nghiệm chương trình “hộ chiếu vaccine” của các Chính phủ. Cụ thể, ngày 12/3, Hãng hàng không Qantas của Úc đã triển khai thử nghiệm hệ thống “hộ chiếu vaccine điện tử” đầu tiên trên một chuyến bay quốc tế từ Đức đến Úc.

Mục đích của chuyến bay này là nhằm đưa công dân Úc hồi hương thông qua ứng dụng theo dõi sức khoẻ kỹ thuật số CommonPass – đây là một trong số ít các ứng dụng theo dõi sức khỏe điện tử đang được các hãng hàng không và các chính phủ chấp thuận như “tấm giấy thông hành”. Dựa vào “hộ chiếu vaccine điện tử” CommonPass, các nhà cung cấp dịch vụ y tế có thể gửi kết quả xét nghiệm đã được xác minh và hồ sơ tiêm chủng của khách hàng trực tiếp lên ứng dụng, phù hợp với các yêu cầu đầu vào của bất kỳ quốc gia nhất định nào.

Trước khi thử nghiệm với hành khách, Qantas đã sử dụng ứng dụng CommonPass cho phi hành đoàn của hãng và dự kiến cũng sẽ kết hợp dùng thử ứng dụng Thẻ thông hành của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) trong thời gian tới.

Mặt khác, Hãng hàng không British Airways thông báo sẽ ra mắt “hộ chiếu vaccine điện tử” vào tháng 5/2021, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân Anh trong kỳ nghỉ. Hãng hàng không này sẽ yêu cầu những người đã tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19 kê khai thông tin chi tiết về thời gian tiêm phòng của mình thông qua ứng dụng của Hãng. Singapore Airlines thông báo sẽ chính thức thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” TravelPass trên các chuyến bay từ Singapore – London (Anh).

Bốn hãng hàng không Air New Zealand, Singapore Airlines, Qatar Airways, Malaysia Airlines cũng đã bắt đầu thử nghiệm “hộ chiếu vaccine kỹ thuật số” trên các đường bay quốc tế. Kế hoạch được triển khai dựa trên ứng dụng do Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) phát triển. Cụ thể, ứng dụng này lưu trữ thông tin y tế của hành khách, bao gồm lịch sử xét nghiệm và tiêm vaccine ngừa Covid-19 nhằm hỗ trợ công tác thông hành.

Những người tham gia chương trình thí điểm này cần xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành. Họ có thể xem kết quả và xác nhận cấp phép bay ngay trên ứng dụng. Trước chuyến bay, những người này phải xuất trình trạng thái đã tiêm phòng được xác nhận trên ứng dụng với nhân viên làm thủ tục bay. 

Trước những động thái nhanh chóng của các hãng hàng không quốc tế về việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” để nhanh chóng phục hồi các hoạt động giao thông quốc tế, các chuyên gia ở Việt Nam đề xuất: Thời gian đầu, Việt Nam chỉ nên công nhận “hộ chiếu vaccine” của các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có quy trình kiểm định, cấp hộ chiếu hoặc chứng chỉ tiêm vaccine Covid-19 một cách chặt chẽ. Bởi lẽ, “hộ chiếu vaccine điện tử” có đáng tin cậy hay không vẫn là một câu hỏi đang chờ được giải đáp. Để hệ thống này đạt chính xác cần phải đáp ứng nhiều tiêu chí như tuân thủ các quy định của các quốc gia khác nhau, dữ liệu không thể sao chép hoặc sửa đổi bất hợp pháp… 

Nhiều chuyên gia ủng hộ chủ trương nghiên cứu và ban hành “hộ chiếu vaccine” là đúng đắn và cấp thiết, giúp từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế. Tuy nhiên, an toàn sức khoẻ cộng đồng vẫn phải được ưu tiên hàng đầu. Dù có “hộ chiếu vaccine” thì sau khi nhập cảnh vẫn phải xét nghiệm bắt buộc.

Theo đó, Việt Nam có thể cân nhắc các giải pháp đi kèm như mở cửa đón khách quốc tế đến các địa điểm du lịch cụ thể, hạn chế việc di chuyển qua nhiều địa phương của du khách, ưu tiên tiêm chủng cho những người phục vụ trong ngành du lịch ở những nơi mở cửa đón khách du lịch quốc tế để tạo miễn dịch cộng đồng…

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.