Đây là một định hướng chính sách quan trọng nhằm nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng và ngành ngân hàng.
Công cụ chính sách hữu hiệu để củng cố niềm tin của người gửi tiền
BHTG bắt đầu được thành lập tại Mỹ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính những năm 1930 và tính đến nay đã có 146 quốc gia trên thế giới thành lập tổ chức này. Khi các ngân hàng không thể thực hiện nghĩa vụ đối với người gửi tiền thì tổ chức BHTG sẽ thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền thông qua việc chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo hạn mức trả tiền bảo hiểm được quy định tại từng quốc gia. Chức năng này giúp người gửi tiền yên tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng.
Ngoài ra, khi xảy ra khủng hoảng tài chính, nhiều quốc gia sẽ nâng cao hạn mức bảo hiểm hoặc tạm thời áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ nhằm duy trì niềm tin của công chúng, ngăn chặn tình trạng rút tiền hàng loạt, gây đổ vỡ hệ thống ngân hàng.
Thực tế, Chính phủ các nước sẽ không phải thực hiện cam kết này nếu như không để ngân hàng nào phải áp dụng biện pháp phá sản nhưng giải pháp tình thế này sẽ giúp trấn an người dân và đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính và kinh tế, xã hội của đất nước. Sau khủng hoảng, các nước sẽ dần rút về cơ chế bảo hiểm có giới hạn như trước khi xảy ra khủng hoảng.
Cơ sở thiết lập hạn mức trả tiền bảo hiểm
Theo Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), hạn mức và phạm vi bảo hiểm cần có giới hạn để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và duy trì kỷ luật thị trường, đảm bảo phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ (chiếm tỷ lệ từ 90-95% người gửi tiền) nhưng có một tỷ lệ nhất định giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Đồng thời, hạn mức đó cần đảm bảo công bằng cho tất cả các ngân hàng thành viên và được đánh giá, điều chỉnh định kỳ (khoảng 5 năm một lần).
Ngoài ra, hạn mức BHTG cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, như: lạm phát, thu nhập của người dân, năng lực tài chính của tổ chức BHTG, tình hình hệ thống tài chính - ngân hàng, hiệu lực của cơ chế giám sát...
Theo khảo sát thường niên của IADI năm 2018, Thái Lan và Indonesia có hạn mức BHTG ở mức rất cao so với GDP bình quân đầu người, lần lượt là 62,8 lần và 38,5 lần với tỷ lệ bảo vệ toàn bộ người gửi tiền lên đến 99,9%. Đa số các quốc gia còn lại quy định hạn mức BHTG không quá 5 lần GDP bình quân đầu người.
Cần sớm nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập vào năm 1999 theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Hành lang pháp lý về hoạt động BHTG luôn được Chính phủ, Quốc hội quan tâm hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Cùng với quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý, hạn mức BHTG cũng được quy định và điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo đó, từ năm 1999-2005 (6 năm), hạn mức BHTG là 30 triệu đồng, từ 2005-2017 (12 năm), hạn mức là 50 triệu đồng và từ 2017 đến nay là 75 triệu đồng.
Từ thông lệ quốc tế và thực tế Việt Nam cho thấy, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay không còn phù hợp. Đối với yêu cầu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ/tổng số người gửi tiền được bảo hiểm, tỷ lệ này ở Việt Nam đang là 87,72%, thấp hơn so với mức khuyến nghị 90-95% của IADI. Nếu nâng mức BHTG lên 125 triệu đồng, gấp 2 lần GDP bình quân đầu người thì tỷ lệ này mới tăng lên mức 90,94%, nằm trong khoảng khuyến nghị của IADI.
Đối với yêu cầu đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức BHTG, đến nay tổng tài sản của BHTGVN đã tăng lên hơn 64 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt hơn 58 nghìn tỷ đồng. Đây là nền tảng quan trọng giúp BHTG Việt Nam có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính.
Ngoài ra, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục khả quan trong những năm gần đây. GDP bình quân đầu người danh nghĩa tăng trưởng tốt, năm 2019 đạt tương đương 2.600 USD. Theo đó, hạn mức BHTG 75 triệu đồng hiện nay chỉ bằng 1,25 lần GDP bình quân đầu người năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2 lần theo thông lệ quốc tế.
Nếu nâng hạn mức BHTG lên mức 125 triệu đồng, tương đương 2 lần GDP bình quân đầu người thì quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam có đủ khả năng để đảm bảo chi trả tiền gửi cho 100% Quỹ tín dụng nhân dân.
Vì vậy, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh tăng hạn mức bảo hiểm lên 125 triệu đồng để giúp người dân yên tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, nhất là người dân gửi tiền tại các QTDND.