Hai sai lầm “ngớ ngẩn” trong “vụ cướp triệu USD hoàn hảo”

Chiếc xe tải màu đen được sử dụng trong vụ cướp
Chiếc xe tải màu đen được sử dụng trong vụ cướp
(PLVN) - Vụ cướp Lufthansa xảy ra ở Sân bay quốc tế John F. Kennedy (JFK) vào ngày 11/12/1978. Khoảng 5 triệu USD tiền mặt và số trang sức trị giá 875.000 đã bị lấy đi, đưa đây trở thành vụ cướp tiền mặt lớn nhất tại Mỹ ở thời điểm đó. 

Kế hoạch

Kẻ đầu sỏ trong vụ cướp táo tợn nói trên là tên Jimmy Burke. Tên này bắt đầu lên kế hoạch thực hiện vụ việc sau khi một kẻ chuyên cho vay nặng lãi tên Martin Krugman rỉ tai với đồng bọn của hắn là Henry Hill về sự tồn tại của hàng triệu USD tiền không thể truy nguồn gốc tại nhà kho của Sân bay JFK ở quận Queens, thành phố New York. 

Theo lời Krugman, mỗi tháng một lần, hàng triệu USD tiền của Mỹ sẽ được vận chuyển từ các điểm đổi tiền cho các nhân viên quân sự và khách du lịch ở phía Tây nước Đức bằng máy bay của hãng hàng không Đức Lufthansa về Mỹ và sau đó được lưu trữ tại kho ở Sân bay JFK. Burke đã móc ngoặc với hai nhân viên ở sân bay Kennedy là Louis Werner và Peter Gruenwald. Trong đó, Louis Werner với kinh nghiệm làm việc lâu năm tại sân bay đã cung cấp cho Burke sơ đồ sân bay, bố trí an ninh... phục vụ cho việc lập kế hoạch chi tiết của vụ cướp.

3h12 sáng 11/12/1978, toán cướp đi trên một chiếc xe tải hiệu Ford Econoline màu đen tới sân bay JFK. Nhờ có “tay trong”, toán cướp dễ dàng đột nhập vào nhà kho. Dù hệ thống an toàn trong kho tiền được thiết kế rất thông minh với hệ thống cửa kép, trong đó một cánh cửa phải đóng thì cánh cửa còn lại mới có thể mở ra mà không kích hoạt hệ thống báo động tới cảnh sát sân bay, nhưng vì đã được tay trong cung cấp thông tin nên toán cướp đã tiến hành mọi việc rất suôn sẻ. Chúng thuận lợi vào được khu chứa tiền và lấy đi khoảng 40 kiện hàng chứa đầy tiền mặt. 

Đến 4h21, chiếc xe tải chở những tên cướp và tiền mặt cướp rời khỏi  sân bay JFK. Toàn bộ vụ cướp diễn ra trong 64 phút. Toán cướp sau đó lái xe tới một garage ở Canarsie, Brooklyn, nơi Jimmy Burke đang đợi sẵn.

Toàn bộ tiền mặt cướp được sau đó được chuyển lên chiếc xe thứ ba và được Burke và con trai của hắn lái đi. Tại nơi trú ẩn sau đó, Burke đã vô cùng sửng sốt khi nhận thấy đã cướp được đến tổng cộng gần 6 triệu USD, đưa đây trở thành vụ cướp tiền lớn nhất từng xảy ra ở nước Mỹ tính đến thời điểm lúc bấy giờ.

Vụ cướp được tiến hành hoàn hảo cho đến toán cướp tản ra. Theo kế hoạch được thống nhất từ đầu, sau khi tiền được cả bọn chuyển sang chiếc xe của Burke và con trai, một thành viên của nhóm này tên Parnell “Stacks” Edwards sẽ phải mang chiếc xe tải đã sử dụng khi gây án tới bãi phế liệu để phá hủy.

Tuy nhiên, khi thấy toàn bộ vụ cướp được thực hiện quá dễ dàng, không vấp phải bất cứ sự truy đuổi nào nên Edwards có phần đắc ý và lơ là nhiệm vụ. Rời khỏi điểm tập kết, Edwards liền lái xe đi “làm” một chầu ma túy trước khi tiếp tục tới nhà bạn gái để “ăn mừng” bằng rượu mạnh và cần sa. 

Không những thế, hắn còn phạm phải thêm một sai lầm nghiêm trọng là đỗ xe ngay ở khu vực cấm đỗ ở khu dân cư. Vì vậy nên vào sáng hôm sau, trong khi Edwards vẫn đang say ngủ, cảnh sát đã phát hiện chiếc xe và nhanh chóng nhận ra đó là chiếc xe được dùng trong vụ cướp.

Từ chiếc xe, cảnh sát lần ra được dấu vân tay của Edward trên vô lăng. Dù tên này đã nhanh chân trốn thoát được trước khi bị cảnh sát bắt nhưng chiếc xe thu được vẫn là một tình tiết quan trọng giúp cảnh sát sớm lần ra được thủ phạm trong vụ cướp chấn động.

Chỉ ba ngày sau vụ việc, nhờ vào việc phát hiện chiếc xe tải, cộng với việc phát hiện Edwards từng nhiều lần làm ăn với băng nhóm của Burke, FBI đã xác định Burke là nghi phạm. Tuy nhiên, để có thể buộc tên này nhận tội, họ phải thu thập được những bằng chứng xác đáng. Để làm được điều đó, các điệp viên của FBI đã bắt đầu thiết lập một mạng lưới do thám dày đặc với không chỉ Burke mà còn với cả các thành viên trong băng nhóm. 

Vụ việc gây xôn xao báo chí Mỹ một thời gian dài
Vụ việc gây xôn xao báo chí Mỹ một thời gian dài

Các máy bay trực thăng đã được điều động để theo dấu của những thành viên trong băng của Burke, thiết bị nghe lén được thiết lập trên xe của chúng. Thậm chí cả điện thoại bàn ở đại bản doanh của băng này cũng như những điểm điện thoại công cộng ở gần đó cũng bị nghe lén.

Trong quá trình này, họ cũng thu được một số thông tin nhưng tất cả đều không đủ mạnh để làm bằng chứng chứng minh sự liên quan của Burke đến vụ việc, cũng không thể giúp cảnh sát có thể có được lệnh khám xét nơi ở và “trụ sở” của nghi phạm.

Trả giá

Cùng lúc, Burke bắt đầu nhận thấy sai lầm của Edwards đã thu hút quá nhiều sự chú ý của cảnh sát tới những thành viên trong băng nhóm và nảy sinh ý định thủ tiêu tên này cũng như những cộng sự, những người có liên quan để tránh khả năng cảnh sát lần ra được những bằng chứng chứng minh trách nhiệm của hắn đối với vụ cướp. 

Edwards bị hai tay chân của Burke bắn chết tại nhà riêng vào ngày 18/12/1978, tức chỉ bảy ngày sau vụ cướp táo tợn. Ngày 6/1/1979, đến lượt Martin Krugman, chính là người đã nói cho Burke biết được hoạt động lưu trữ tiền với số lượng lớn ở Sân bay JFK, bị sát hại dã man.

Trước đó, Krugman đòi Burke phải chia cho 500.000 USD vì đã có công chỉ điểm, khiến Burke rất tức giận. Burke quyết định cho người giết Krugman vì nghĩ rằng tên này có thể sẽ báo FBI khi đòi hỏi không được chấp thuận. 

Mười một ngày sau, đến lượt một người tên Richard Eaton bị sát hại. Eaton không trực tiếp tham gia vụ cướp nhưng bị Burke nghi đã lén lấy một số tiền cướp được khi được giao đem tiền bất hợp pháp đi rửa. Thi thể tên này được tìm thấy bị treo trong một xe tải chứa thịt đông lạnh.

Ngày 10/2/1979, Theresa Ferrara, tình nhân của một kẻ được biết một số thông tin về vụ cướp, đồng thời là một cộng sự thân thiết của Eaton, cũng mất mạng vì tình cờ biết được vụ việc và bị Burke tình nghi thông đồng với Eaton bớt xén tiền cướp được. Cùng chung số phận với Ferrara là Tom Monteleone, một tên cướp có vỏ bọc là một chủ nhà hàng ở Florida. Tên này bị sát hại vào tháng 3/1979.

Trong tháng 3/1979, Louis Cafora, kẻ chuyên rửa tiền cho Burke, cũng mất mạng vì liên đới tới vụ cướp. Theo các nguồn tin, Cafora bị giết chết vì bị Burke phát hiện đã nói với vợ hắn về vụ việc. Vợ của Cafora là Joanna Cafora cũng chịu chung số phận với chồng.

Ngày 16/3/1979, tức năm tháng sau vụ việc, hai người giám sát hàng hóa ca đêm của hãng Air France là Joe Buddha Manri và Robert McMahon được phát hiện đã chết cùng nhau trong một chiếc ô tô do bị bắn vào phía sau đầu theo kiểu hành quyết. Cả hai được xác định là tay trong của Burke và đã giúp tên này lên kế hoạch thực hiện vụ cướp. Ngày 13/6/1979, thêm tay buôn bán ma túy người Italia tên Paolo LiCastri bị sát hại. 

Liên tiếp những vụ án mạng như vậy khiến giới chức Mỹ càng gấp rút đẩy nhanh việc điều tra. Cuối cùng, họ đã thu thập đủ bằng chứng để khởi tố tay trong của nhóm cướp làm việc tại Sân bay JFK là Louis Werner. Với việc bị bắt quả tang khi đang mang 20.000 USD được xác định là tiền bị cướp đi tiêu thụ, Werner đã phải nhận bản án 15 năm tù giam.

Sau khi ngồi tù chưa được một năm, tên này quyết định hợp tác với cảnh sát, khai báo những thông tin mà hắn biết để đổi lấy việc được giảm án. Một tên khác tham gia vụ việc là Henry Hill cũng chấp nhận hợp tác với cảnh sát khi biết được rằng Burke đã lên kế hoạch trừ khử hắn.

Dù Jimmy Burke rất khôn ngoan khi hành động khi không bao giờ để lộ hành vi của hắn với người ngoài, nhưng với những thông tin mà hai đồng phạm đưa ra, cảnh sát Mỹ cuối cùng cũng có được những bằng chứng buộc tội Burke là kẻ đã ra lệnh hạ sát Richard Eaton. Năm 1980, tên này bị kết án tù chung thân vì vụ giết người này.

Trong quá trình Burke ngồi tù, cảnh sát Mỹ vẫn tiếp tục tìm kiếm bằng chứng chứng minh hắn có liên quan đến vụ cướp chấn động cả nước Mỹ nhưng đều không thành. Năm 1996, Burke chết vì ung thư phổi ở tuổi 64 khi vẫn đang ngồi tù.

Những tên còn lại tham gia vào việc lập kế hoạch, thực hiện hoặc có liên đới đến vụ việc dù không bị Burke ra lệnh thủ tiêu nhưng cũng đều có kết cục không mấy tốt đẹp. Angelo Sepe, người trực tiếp giúp Burke giết hại các nhân chứng, bị giết chết cùng bạn gái vào năm 1984. Con trai của Burke là Frank James bị một kẻ buôn bán ma túy giết chết vào năm 1987 vì tranh cãi trong một vụ mua bán…

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.