Cụ ông mất tích
Ngôi nhà cấp 4 xập xệ của ông Huỳnh Bê (SN 1930, ở thôn An Nội) vắng lặng dù trong nhà lúc nào cũng có người. Đó là người vợ già yếu của ông nay đã ngoài 80 tuổi, tai nặng mắt mờ, chỉ quanh quẩn ở nhà cùng người con gái, là trụ cột gia đình, bà Huỳnh Thị Chín (43 tuổi), nay vẫn độc thân đơn chiếc.
Bà Chín kể, từ khi xảy ra vụ án, căn nhà vốn neo người lại càng thêm trống trải, chỉ còn hai mẹ con bà lủi thủi sớm tối. Còn tai họa năm ấy, có lẽ, cả đời này người phụ nữ cũng chẳng thể quên được. “Hôm ấy buổi sáng ngày 9/4/2008, lúc tôi đã đi làm khỏi nhà…”, bà Chín bắt đầu câu chuyện đau thương.
Khoảng 7h sáng hôm đó, hàng xóm qua nhà gọi ông Bê sang nhà nghe điện thoại của con gái gọi về. Nhà không có điện thoại, ông Bê vẫn hay nghe nhờ điện thoại hàng xóm nên cứ thế sang nhà. Trước khi đi ông còn dặn vợ nấu nước để lát ông về ăn mì tôm. Thế nhưng tới trưa ông cụ vẫn không về.
Đợi mãi không thấy ông về, gia đình đi tìm thì chỉ thấy mỗi chiếc xe đạp của ông đang dựng ở nhà hàng xóm. Hỏi hàng xóm thì cậu ta lại nói sáng đó mình không có ở nhà, không hề biết chuyện gì. Gia đình nghĩ ông Bê có thể đã đi đâu đó nên tìm kiếm, tuy nhiên nhiều ngày sau đó vẫn chẳng có tin tức gì. Cụ ông mất tích một cách bí ẩn.
Đến hơn 4 ngày sau, tức chiều ngày 13/4/2008, người dân phát hiện một chiếc bao tải nổi trên mặt hồ thủy lợi Hòn Lập (xã Vĩnh Thịnh), cách nhà ông Bê 3km. Mọi người vớt bao tải lên rồi mở ra thì hốt hoảng khi thấy bên trong là xác ông Bê, thi thể đang trong quá trình phân hủy mạnh.
Công an sau đó vào cuộc, nạn nhân được xác định tử vong trước khi bị dìm xác xuống hồ. Từ thông tin trước khi mất tích, ông Bê thường mang theo số tiền lớn trong người, tuy nhiên khi được tìm thấy thì số tiền này đã không còn, cơ quan công an nhận định, ông Bê bị sát hại, cướp tài sản. Nghi can số 1 trong vụ án được xác định là người hàng xóm Đỗ Trường Sơn (SN 1985).
Tiến hành xác minh cho thấy, Sơn từng có tiền án về tội đánh bạc. Khoảng thời gian trước khi ông Bê mất tích, Sơn thua sạch tiền, phải cầm cố xe máy. Điều trùng hợp là, sáng 9/4, có người thấy Sơn lảng vảng ở hồ thủy lợi Hòn Lập. Tuy nhiên lúc phát hiện thi thể cụ ông thì nghi can đã không còn ở địa phương.
Phải đến ngày 15/4, khi nghi can bị bắt giữ tại TP.HCM và di lý về Bình Định, vụ án mới được làm sáng tỏ. Duy chỉ có điều chẳng ai có thể ngờ được cậu thanh niên khi đó 23 tuổi lại hành động gây tội ác như vậy.
Tội ác bị vạch trần
Theo Sơn khai nhận, chiều ngày 6/4/2008, Sơn đi đánh bầu cua và thua hơn 2 triệu đồng, phải cầm cố chiếc xe máy nên muốn kiếm tiền để chuộc xe, gỡ gạc lại số tiền đã thua. Lúc này gã nhớ đến ông Bê, người thường hay cất giữ số tiền 30 triệu đồng mà bà Chín vay từ nguồn vốn giúp phụ nữ nghèo vượt khó của ngân hàng trong người.
Sơn lên kế hoạch, lấy cớ nghe điện thoại người thân để gọi ông Bê sang nhà nhằm thực hiện hành vi phạm tội, nhằm tránh bị người khác phát hiện. Trong ngày 7 và ngày 8/4, nhiều lần Sơn lừa ông Bê đến nghe điện thoại nhưng lần nào đi ông cũng dẫn theo cháu nhỏ nên gã không thể ra tay.
Sáng 9/4, khi cha mẹ đi làm vắng nhà, Sơn tiếp tục lừa ông Bê với quyết tâm thực hiện bằng được việc giết người cướp tiền. Sau khi ông Bê vào nhà, Sơn đóng hết cửa sổ, cửa ra vào rồi mở máy hát thật to. Ông Bê thấy chuyện lạ liền hỏi thì bị Sơn đấm vào thái dương đến choáng váng.
Người đàn ông chưa kịp kêu cứu thì liền bị Sơn bóp cổ, đập đầu vào vách tường. Khi biết ông Bê đã chết, Sơn lục túi lấy 8.900.000 đồng rồi bỏ xác vô bao tải, đẩy vào gầm giường để che giấu. Giấu xác ông Bê xong, Sơn thay quần áo rồi đến nhà bảo vệ hồ thủy lợi Hòn Lập lấy sõng (thuyền nan nhỏ) của gia đình gửi tại đây đem ra để ở mép hồ với mục đích sẽ làm phương tiện phi tang.
Sau đó, Sơn điều khiển mô tô đến tiệm cầm đồ ở thị trấn Vĩnh Thạnh, chuộc lại chiếc xe máy Sơn cầm trước đó rồi chạy về nhà. Trưa hôm đó, sau khi xóa xong dấu vết, Sơn lấy xe máy đi chơi đến chiều thì quay lại hồ Hòn Lập xem xét, nghe ngóng tình hình sau đó về nhà ngủ. Sáng ngày 10/4, Sơn đi sang huyện bên chơi và đánh nhau làm một người bị thương tích.
Hung thủ Đỗ Trường Sơn |
Hai ngày sau, sau khi bị triệu tập lên công an làm việc gã bỏ trốn vào TP.HCM sau đó bị bắt giữ. Lần đó công an cũng điều tra làm rõ hành vi đánh bạc của Sơn và các đồng phạm. Vì thế, Sơn đã bị khởi tố vì 3 tội danh: “Giết người”, “Cướp tài sản” và “Đánh bạc”. Tháng 8/2008, trong phiên xét xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt bị cáo Đỗ Trường Sơn mức án tử hình.
Ngôi nhà khổ đau
Giữa trưa, trong ngôi nhà cũ kĩ, bà Chín cùng mẹ già lặng lẽ bên mâm cơm đạm bạc. Bà Chín trò chuyện luyên thuyên, bà cụ thì miệng móm mém với chén cơm, thỉnh thoảng ngước lên ngơ ngác, nhiều năm qua đã bị nặng tai, chẳng còn nghe gì được nữa. “Hàng ngày tôi lên rẫy làm, trưa về nấu cơm cho mẹ. Bà cụ già yếu chẳng làm gì được nữa, công việc trong nhà tôi phải lo tất cả...”, bà Chín buồn rầu.
Vợ chồng ông Bê trước đây có 5 người con, 3 gái, 2 trai, trong đó bà Chín là con áp út trong nhà. Cách đây 20 năm, vợ chồng người anh trai thứ 2 có sinh được 3 đứa con, tuy nhiên vì cuộc sống nghèo khó nên hai vợ chồng bỏ nhà ra đi, để lại 3 đứa con cho ông bà chăm nom.
Bà Chín khi đó là người con duy nhất chưa lập gia đình, chứng kiến cảnh bố mẹ già và đàn cháu nhỏ thì không nỡ đi lấy chồng. Bà ở vậy với cha mẹ để nuôi 3 đứa cháu nhỏ. Gia đình vốn nghèo khó, vất vả lắm đến năm 2008 bà mới vay được ít vốn làm ăn thì tai họa ập đến.
Sau cú sốc ông Bê mất, gia đình khánh kiệt, 3 cháu ngoại của ông, đứa lớn nhất khi đó mới học lớp 10, đứa út học lớp 8, tất cả đều bỏ học. Nhắc đến chuyện này, bà chín lại thở dài: “Ngày xét xử, tòa có tuyên phạt hung thủ phải bồi thường cho gia đình tôi một khoản tiền. Sau đó được tuần thì Sơn tự tử trong nhà giam nên coi như… hết nợ. Mấy năm sau đó, tôi phải nai lưng đi làm để trả nợ cho ngân hàng”.
Để phụ giúp cô, 3 người cháu bất hạnh sau khi nghỉ học phải lăn lộn làm thuê làm mướn nay đây mai đó. Thời gian này các cháu đều lên Gia Lai hái tiêu thuê nên nhà chỉ có hai mẹ con của bà. Cụ tuổi già bị nặng tai, bệnh tật và lại có phần lú lẫn nên cuộc sống phụ thuộc hết vào con gái.
“Hồi trước để trả hết nợ cho ngân hàng, tôi phải vay mượn các anh chị em trong nhà, đến bây giờ vẫn chưa hết nợ nần. Giờ tôi ngày ngày làm thuê để nuôi mẹ, kiếm tiền trả nợ. Có lẽ nếu ngày xưa bố tôi không bị sát hại vậy thì gia đình tôi không đến nỗi thê thảm như bây giờ...”, bà Chín thở dài./.