Giảm áp lực cho nhân viên y tế
Thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 trên cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng diễn biến phức tạp. Đặc biệt, khi các ca nhiễm cộng đồng tăng cao, việc lấy mẫu xét nghiệm của lực lượng y tế gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Chính vì vậy, 2 em học sinh lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP. Đông Hà, Quảng Trị) là Trần Quốc Hùng (SN 2005, trú tại Khu phố 3, phường Đông Thanh, TP. Đông Hà) và Thái Việt Ý (SN 2005, trú tại Xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh) đã mày mò, chế tạo thành công Robot lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
“Chúng em mong rằng nếu được áp dụng vào thực tiễn, robot sẽ giúp giảm bớt căng thẳng, áp lực cho các y, bác sĩ trong công tác phòng, chống dịch. Từ đó, chúng em đã lên ý tưởng và bắt tay vào chế tạo Robot lấy mẫu test COVID-19 dưới sự hỗ trợ của thầy cô trong trường”, Hùng tâm sự.
Em Trần Quốc Hùng cho biết, bản thân em có niềm đam mê robot, thường tìm hiểu trên các phương tiện thông tin và nhận thấy hiện nay những cánh tay robot xuất hiện rất nhiều trong lĩnh vực công nghiệp và trong y tế, đã hỗ trợ con người rất nhiều. Do đó, ý tưởng chế tạo robot lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 được hình thành từ đầu năm học và đây cũng là lần đầu tiên em hợp tác với bạn cùng lớp là Thái Việt Ý để hoàn thiện dự án nói trên.
Robot lấy mẫu COVID-19 của Hùng và Ý. |
Cơ chế vận hành của robot lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 này sẽ bắt đầu bằng việc dùng App PC COVID hoặc CCCD quét mã QR trên robot để lưu trữ thông tin. Sau đó, người cần xét nghiệm sẽ áp sát mặt vào khung lấy mẫu, ngay lập tức máy sẽ tự động nhận dạng và đưa que lấy mẫu vào mũi để lấy mẫu. Bằng cảm biến lực, robot sẽ tự phân tích được việc chạm vào ty hầu rồi lấy dịch trong vòng 5 giây theo quy định của Bộ Y tế. Sau đó, đưa vào máy xét nghiệm để cho ra kết quả.
"Robot sẽ hoạt động theo một quy trình, khuôn khổ nhất định mà không bị ảnh hưởng bởi thể lực, tâm lý giống như con người nên việc lấy mẫu sẽ được đảm bảo đạt chuẩn để xét nghiệm", Hùng chia sẻ.
Em Thái Việt Ý cho biết, robot đảm bảo sự tuyệt đối khi lấy mẫu, đủ lượng dịch cần thiết để thực hiện xét nghiệm. Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất 30 - 40 giây cho một người, nhưng độ chính xác cao.
Để đảm bảo cho cả việc học tập ở trường, vừa cháy với đam mê cả Hùng và Ý đã tranh thủ dùng những quãng thời gian rảnh rỗi để, tập trung tại nhà của Hùng để mày mò, chế tạo. Nhiều đêm, 2 nam sinh đã phải thức trắng để sửa chữa robot làm sao cho nó hoạt động động tốt nhất, hiệu quả nhất.
Cận cảnh cấu tạo của robot. |
Ý tưởng thiết thực
Thầy giáo Hồ Văn Lâm (giáo viên Tin học, người hướng dẫn 2 em thực hiện dự án) cho biết, tại thời điểm này, thiết bị đã thực hiện được việc lấy mẫu và đánh giá đảm bảo các tiêu chí đặt ra. Các em đã thử nghiệm đối với người đã từng được nhân viên y tế lấy mẫu và đánh giá việc lấy mẫu bằng robot dễ chịu hơn. Ý tưởng sáng tạo của 2 học sinh rất đáng khen ngợi.
Việc tiến hành lắp ghép, hoàn thiện robot bắt đầu từ tháng 8/2021 đến nay. Kinh phí thực hiện rơi vào khoảng 20 triệu đồng và đang phát sinh thêm do cả 2 đang hoàn thiện thêm cho con robot.
"Hiện nay bọn em đang tiến hành thay thế lại một số bộ phận cũng như hoàn thiện máy để mong rằng nếu đưa vào thực tế nó là không phải là robot nghiên cứu nữa mà sẽ được ứng dụng rộng rãi", Hùng nói.
Được biết, tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị tổ chức, đề tài “Robot lấy mẫu xét nghiệm COVID-19” của 2 học sinh Trần Quốc Hùng và Thái Việt Ý (Lớp 11 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đã đoạt giải Nhất và được chọn dự thi cấp quốc gia.
Robot đảm bảo sự tuyệt đối khi lấy mẫu, đủ lượng dịch cần thiết để thực hiện xét nghiệm. Mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm chỉ mất 30 - 40 giây cho một người. |
Theo đánh giá của Ban tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm 2021 - 2022, đề tài Robot lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bám sát với yêu cầu, phù hợp trong thực tế phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay. Sản phẩm được trang bị công nghệ, tính năng có thể ứng dụng vào thực tế tại các cơ sở y tế nếu được cải tiến lại về mặt kỹ thuật và cơ khí.
Bà Lê Thị Hương, Giám Đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, việc lắp ráp Robot lấy mẫu test COVID-19 của 2 học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn là một ý tưởng rất sáng tạo. Với niềm đam mê, tâm huyết của 2 em và sự hỗ trợ của giáo viên, tôi tin rằng sản phẩm khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ có kết quả rất thiết thực. Ngành giáo dục tỉnh nhà sẽ luôn bám sát và hỗ trợ 2 học sinh trên hết sức có thể.