Tham dự các buổi tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật tại một số đơn vị trên địa bàn Quân khu 2 mới đây, chúng tôi thực sự ấn tượng về phong cách làm việc khoa học, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Tòa án Quân sự Quân khu.
“Làm dịu” kiến thức
Để “hóa giải” sự khô cứng vốn có trong các buổi tuyên truyền pháp luật, trước khi vào nội dung chính, bao giờ các anh cũng bắt nhịp cho bộ đội hát vang một số bài ca cách mạng giúp “làm nóng” sân khấu, khiến không khí buổi học tập về pháp luật như giãn ra.
Tại Sư đoàn 316, trước khi tuyên truyền pháp luật về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, Đại tá Lê Thành Nam - Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 2 - chưa vội đi thẳng vào những “Căn cứ”, “Chương”, “Điều” khô khan mà nhẹ nhàng đưa ra một số câu hỏi nhằm kiểm tra nhận thức của chiến sỹ: Từ khi thành lập, nước ta đã trải qua mấy cuộc bầu cử ĐBQH? Hãy kể tên một số bộ luật quan trọng? Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND ra đời khi nào? Chiến sỹ nào lần đầu tiên tham gia bầu cử?...
Sau những câu hỏi, rất nhiều cánh tay giơ lên xin trả lời. Dù đáp án của các chiến sỹ có chính xác hay còn chưa đúng nhưng cũng góp phần làm không khí của buổi trao đổi thông tin về pháp luật trở nên sôi nổi.
Nội dung tuyên truyền về bầu cử thu hút sự chú ý của bộ đội ngay từ những giây đầu tiên khi trên màn ảnh hiện lên các hình ảnh sinh động, minh họa cho nội dung tuyên truyền: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa đầu tiên của nước Việt Nam DCCH năm 1946 với hình ảnh Bác Hồ hòa vào dòng người dân Thủ đô tham gia bầu cử; hình ảnh cờ hoa rực rỡ, ánh mắt hân hoan, ngập tràn niềm tin yêu, phấn khởi của hàng triệu đồng bào hai miền Nam-Bắc trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất ngày 25/4/1976…
Hình ảnh ấy, con người ấy như khắc sâu vào trái tim các bạn trẻ niềm vinh dự, tự hào khi chuẩn bị trở thành những cử tri tham gia vào cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ngày 22/5 tới, một sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc năm 2016.
Ngay sau đó, với diễn đạt truyền cảm, gần gũi, dễ hiểu, Đại tá Lê Thành Nam bắt đầu giải thích cặn kẽ từng nội dung, trình tự bầu cử; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; người ứng cử và tự ứng cử; vị trí, chức năng, quyền hạn của Quốc hội, HĐND và tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn đại biểu HĐND… và nhiều thuật ngữ chuyên ngành pháp luật trừu tượng khác. Anh cũng phổ biến và nhấn mạnh một số âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm độc của các thế lực thù địch về cuộc bầu cử sắp tới, đồng thời định hướng tư tưởng cho bộ đội không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Thượng úy Nguyễn Văn Hiệp - Chính trị viên Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 - chia sẻ: “Phương pháp tuyên truyền của cán bộ Tòa án Quân sự Quân khu 2 dễ hiểu, dễ nhớ, liên hệ sát thực tế đời sống bộ đội. Đặc biệt, hệ thống hình ảnh minh họa cho các buổi tuyên truyền của họ rất sinh động, phong phú, tạo nên những điểm nhấn quan trọng, thu hút sự chú ý, theo dõi của bộ đội”.
Phải có “3 dễ”
Tuyên truyền pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn Quân khu 2, Tòa án Quân sự Quân khu 2 đều thống nhất về nội dung, phương pháp tuyên truyền, với chỉ tiêu đặt ra là phải giúp bộ đội, nhân dân “dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện”.
Thượng tá Lê Trung Dũng - Phó Chánh án Tòa án Quân sự Quân khu 2 - chia sẻ: “Tuyên truyền pháp luật là nội dung không mới, được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch. Tuy nhiên, nội dung này “khô khan”, “khó nhớ”, khiến bộ đội có tâm lý căng thẳng khi nghe phổ biến. Do vậy, cán bộ ngành pháp chế chúng tôi thường chuẩn bị rất công phu về tài liệu tuyên truyền, chắt lọc từ các cơ quan ngôn luận chính thống của Đảng, Nhà nước và Quân đội, nội dung các thông tin được cập nhật mới nhất, “nóng” nhất. Quá trình diễn giải, cán bộ đảm nhiệm nội dung thường đi thẳng vào vấn đề, truyền đạt ngắn gọn, lấy những ví dụ sát thực tế cuộc sống, thường xuyên gặp phải, gắn vào nội dung cần tuyên truyền để bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ”.
Mỗi lần xuống đơn vị cơ sở, cán bộ Tòa án Quân sự Quân khu 2 đều tranh thủ thâm nhập thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, chiến sỹ, nhất là thăm dò, đánh giá sự hiểu biết pháp luật của bộ đội để có kế hoạch tham mưu giúp Hội đồng Giáo dục pháp luật Quân khu xây dựng các chuyên đề tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, kết hợp định hướng cho các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu có những biện pháp cụ thể trong quản lý bộ đội, phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm kỷ luật quân đội, pháp luật nhà nước có thể xảy ra.
Những biện pháp, cách làm ấy đã góp phần không ngừng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật ở Quân khu 2 những năm qua.