Giá tăng “chưa có tiền lệ”
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, giá phân bón, đặc biệt là giá DAP, urê tăng cao, nguyên nhân chủ yếu là nguyên liệu sản xuất phân bón và chi phí vận tải tăng 3-5 lần.
Các yếu tố đầu vào đã tác động trực tiếp đến giá phân bón tại Việt Nam, khiến giá phân bón tăng lên. Đây là yếu tố thuận lợi để các nhà sản xuất phân bón trong nước đẩy mạnh công suất nhằm đáp ứng sản phẩm phân bón cho người dân. Hai đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón của PVN cũng đang nỗ lực gia tăng sản lượng.
Theo ông Văn Tiến Thanh – Tổng Giám đốc PVCFC, 6 tháng đầu năm 2021 được xem là một năm “chưa từng có tiền lệ” trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và urê nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát. Nửa đầu năm 2021, việc vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu, nhưng bằng nỗ lực vượt bậc và kinh nghiệm chuyên môn của đội ngũ vận hành, công ty đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch.
Công suất vận hành nhà máy trong quý 2 đạt trên 110% đủ để bù đắp sản lượng hụt trong quý I và đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường trong nước, đặc biệt bộ sản phẩm phân bón Cà Mau đa dạng chủng loại đã kịp thời đến tay bà con ngay trong vụ Hè Thu tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh, kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng lượng sản xuất của PVCFC đạt 456 nghìn tấn (hoàn thành 102% kế hoạch). Sản lượng tiêu thụ đạt 421 nghìn tấn (106% kế hoạch). Kinh doanh thuận lợi giúp PVCFC đạt doanh thu ước 4.339 tỷ đồng (108% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế ước đạt 411 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
Bên cạnh những kết quả tài chính đạt được, trong chiến lược dài hạn, phân bón Cà Mau cũng đặt ra thêm nhiều mục tiêu thách thức, tiếp cận nhanh với xu hướng công nghệ trong quản trị để mở rộng kinh doanh, marketing và phát triển sản phẩm mới, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khí đầu vào cho sản xuất, tăng dần các sản phẩm phân bón hữu cơ và hỗ trợ người tiêu dùng cuối bằng các chương trình dài hơi…
Dự báo sát thị trường để sản xuất
Một doanh nghiệp phân bón khác của PVN là PVFCCo cho biết, trong bối cảnh phân bón trong nước và thế giới sụt giảm, thương hiệu phân bón Phú Mỹ của PVFCCo đang thực hiện nhiều biện pháp để gia tăng sản lượng, phục vụ nhu cầu phân bón của bà con nông dân.
Đội ngũ vận hành sản xuất của nhà máy không ngừng nâng cao chất lượng và cho ra đời các công thức sản phẩm mới. Tính đến giữa tháng 6/2021, tổng sản lượng phân bón Phú Mỹ do PVFCCo sản xuất đạt 403 ngàn tấn, riêng sản lượng NPK Phú Mỹ tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Đối với các mặt hàng phân bón trong nước không sản xuất được phải nhập khẩu như kali, ngay từ đầu năm, PVFCCo đã xúc tiến các hợp đồng dài hạn, tìm kiếm các nguồn hàng mới, nhờ đó lượng ký hợp đồng trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 170.000 tấn và đã cung ứng ra thị trường trong 6 tháng ước đạt 90.000 tấn, bằng 150% so với năm 2020, đạt 60 % kế hoạch năm. Hiện Nhà máy Đạm Phú Mỹ đang vận hành liên tục với công suất cao nhất, cho ra mỗi ngày khoảng 2.450 tấn Đạm Phú Mỹ và gần 1.000 tấn NPK Phú Mỹ chất lượng cao.
Tính đến giữa tháng 6/2021, PVFCCo đã cung ứng ra thị trường khoảng 555.000 tấn phân bón Phú Mỹ các loại. Đặc biệt, sản phẩm NPK Phú Mỹ có sự tăng trưởng vượt trội, ước đạt 80.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2020.
Theo PVFCCo, khâu phân tích, dự báo thị trường, vận chuyển, điều độ, cung ứng sản phẩm tới từng khu vực tiêu thụ được đơn vị tập trung thực hiện từ sớm và quyết liệt. Hàng ngày, đội ngũ kinh doanh thị trường từ tất cả các khu vực trên toàn quốc đều phải có báo cáo phân tích và dự báo thị trường để công tác quản trị điều hành của PVFCCo sát nhất với thực tế.
Trên cơ sở nhận định đúng tình hình, PVFCCo tập trung toàn bộ sản lượng cho thị trường nội địa, đồng thời thực hiện điều độ hàng nhanh chóng, khoa học để đảm bảo nguồn cung cho nông dân trong điều kiện một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội.