Hà Nội trồng cây 100 năm nay chưa ai nghiên cứu lấy... bóng mát

Cây được trồng mới ở đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm trong sách đỏ, mà là cây Mỡ?
Cây được trồng mới ở đường Nguyễn Chí Thanh không phải là cây vàng tâm trong sách đỏ, mà là cây Mỡ?
(PLO) - Khi Hà Nội tạm dừng việc chặt hạ, thay thế hàng loạt cây xanh, một số nhà lâm nghiệp đã lên tiếng khẳng định “những cây đang được trồng thay thế tại Hà Nội không phải là cây vàng tâm mà là cây gỗ mỡ...".
"Nhầm" gỗ mỡ thay vì vàng tâm?
Trong đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh của TP.Hà Nội, cây vàng tâm là loại cây được lựa chọn để trồng mới trên nhiều tuyến phố, hiện đã được triển khai trên phố Nguyễn Chí Thanh.
Tuy nhiên, sau khi loạt cây mới được trồng lên, nhiều chuyên gia lâm nghiệp lại khẳng định Hà Nội vừa trồng cây gỗ mỡ chứ không phải cây Vàng tâm như đã thông báo, có lẽ đã có sự nhầm lẫn ở đây vì hai loại cây này cùng họ nhưng khác chi và có những đặc điểm khá giống nhau.
Trên tờ Dân trí, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường, Hội khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho hay, "khi có thông tin cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh là cây vàng tâm nhưng thực tế khi tôi trực tiếp khảo sát thì lại là cây mỡ. Rất nhiều nhà khoa học cũng có thể chứng minh được rằng đó là cây mỡ có nhiều ở Yên Bái, nơi thuỷ tổ của trồng mỡ tại Việt Nam”.
Ông Cường cho biết, với những kiến thức và kinh nghiệm trong việc nghiên cứu và bảo tồn cổ thụ và cây quý nhiều năm nay thì cây Vàng tâm và cây Mỡ là hai cây cùng một họ thực vật. Cây Mỡ là một chi khác, cây Vàng tâm là một chi khác, và cây Mỡ cũng không được nghiên cứu làm cây bóng mát vì tán của nó rất hẹp.
Hình ảnh cây gỗ vàng tâm (trái) - Cây gỗ mỡ (phải). Nguồn hkwildlife.com và cayxanh.com.vn.
 Hình ảnh cây gỗ vàng tâm (trái) - Cây gỗ mỡ (phải). Nguồn hkwildlife.com và cayxanh.com.vn.
Thậm chí, việc trồng cây Vàng tâm làm cây bóng mát ở Hà Nội cũng không nhận được ý kiến đồng tình từ phía chuyên gia lâm nghiệp.
Ông Cường cho biết, bản thân ông cũng hết sức bất ngờ vì cây mỡ là loại cây trồng rừng, có nhiều ở khu vực Yên Bái, gỗ chủ yếu để làm giấy, bút chì và gỗ dán. 
Ông Cường nói thêm, ông đã từng làm nhiều đề tài nghiên cứu cho Công viên cây xanh để đưa cây bóng mát về Hà Nội, và trong suốt hơn 100 năm nay, chưa ai nghiên cứu để trồng cây mỡ hay cây vàng tâm để lấy bóng mát cả.
"Tôi thấy tiếc cho kiểu làm ăn không có cơ sở khoa học, không có nghiên cứu cụ thể nào. Cây ở Hà Nội có được bóng mát ít nhất phải mất 20 năm, không thì phải 30 năm. Ở Hà Nội hiện có những cây 120 năm tuổi. Như vậy giờ trồng thì phải tới con cháu, chút chít mới được hưởng", ông Cường nói đầy tiếc nuối.
Theo TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam), cây Vàng tâm là loại cây gỗ quý. Hiện nay đa số tồn tại trong tự nhiên vì nó sinh trưởng rất chậm chưa được phát triển rộng rãi vì hiệu quả kinh tế nó cũng không cao. 
“Tôi cho rằng người cung cấp giống và người trồng cây đã phải có báo cáo chính xác vì cây Mỡ và cây Vàng tâm là khác nhau không thể đánh bùn sang ao được. Còn thực sự nếu trồng cây Vàng tâm ở đường Nguyễn Chí Thanh thì cây cũng rất khó phát triển, thậm chí không tồn tại được” – TS Hà nhấn mạnh.
Trồng cây vàng tâm cũng không hợp?
Theo quan điểm của Tiến sĩ Đặng Văn Hà, trồng cây Vàng tâm tại các tuyến phố ở trung tâm Hà Nội là không phù hợp. Cây rất khó phát triển, thậm chí không tồn tại được.
Theo Tiến sĩ Hà, cây Vàng tâm chỉ thích hợp trồng ở những nơi thoáng mát, độ ẩm cao, khí hậu mát mẻ, thường phải dưới 30 độ C thì cây mới tồn tại và phát triển được. 
Cây Vàng tâm nếu trồng làm cảnh quan, người ta thường trồng ở công viên, nơi có không gian thoáng mát; hoặc nếu trồng ở đường phố phải ở những nơi có khí hậu thích hợp như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Cây vàng tâm (danh pháp khoa học Magnolia fordiana) là một loài cây gỗ thuộc họ Mộc lan - cùng họ với cây mỡ. Cây xanh thường cao trung bình 25 - 30m, đường kính thân cây 70 - 80cm.
 Cây vàng tâm (danh pháp khoa học Magnolia fordiana) là một loài cây gỗ thuộc họ Mộc lan - cùng họ với cây mỡ. Cây xanh thường cao trung bình 25 - 30m, đường kính thân cây 70 - 80cm.
Tiến sĩ Hà phân tích: “Cây Vàng tâm ưa nơi có khí hậu thoáng mát, thường dưới 30 độ C và độ ẩm cao, nhưng không được ngập úng. Đường phố trung tâm Hà Nội vào mùa hè, nhiệt độ có chỗ lên đến 40 độ C thì cây làm sao mà phát triển được, nó sẽ cứ còi cọc, thậm chí còn khó tồn tại được. 
Mặt khác, đường phố Hà Nội vào mùa mưa rất hay ngập úng, cộng với đất dinh dưỡng ít nên Vàng tâm trồng ở đó là không phù hợp. Tôi lấy ví dụ, cây Vàng tâm đã được trồng ở đường vào khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc từ năm 2009, nhưng mấy hôm trước tôi đến, cây vẫn rất còi cọc, mà ở đấy không khí còn thoáng hơn nhiều so với ở trung tâm Hà Nội”.
Tiến sĩ Hà khuyến cáo, nếu tiến hành trồng mới thay thế những cây bị hỏng trên những tuyến phố của Hà Nội, nên trồng những loại cây như Sao đen, Lát hoa, Sấu bởi những cây này có khả năng “chống chọi” tốt với khí hậu, cũng như thổ nhưỡng nghèo dinh dưỡng trên các đường phố.
Theo ông, trước khi quyết định “khai tử” 6.700 cây xanh, Hà Nội đáng lẽ nên bàn bạc với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về cây và các đơn vị khác để có những quyết định đúng đắn, hợp lý hơn; tránh sự phản đối kịch liệt của dư luận như hiện nay.
Cũng theo quan điểm của Tiến sĩ Hà, nếu TP. Hà Nội muốn thực hiện thay thế những cây “không đúng chủng loại đô thị” thì cần tính toán thêm; phải làm từ từ, trồng xen kẽ, đợi cây con lớn lên rồi mới đánh chuyển cây cần thay thế. Nếu ồ ạt thực hiện thay thế 6.700 cây như đề án trên, Hà Nội sẽ rất “tan hoang”./.
Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Cây mỡ có tên khoa học: Manglietia glauca Bl (M. conifera Dandy ) thuộc họ Mộc lan – Magnoliaceae. Mỡ là cây gỗ lớn cao tới 25-30m, đường kính ngang ngực đạt tới 50-60 cm. Thân tròn, thẳng. Vỏ xám bạc, thịt màu trắng có mùi thơm nhẹ. Thân đơn trục, cành nhỏ. Tỷ lệ chiều cao dưới cành đạt 2/3 chiều cao. Lá đơn mọc cách, phiến lá hình trứng, gân nổi rõ cả 2 mặt, cuống lá mảnh. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành, có màu trắng, to. Quả kép hình nón. Hạt có nội nhũ màu đỏ, khi xát hết nội nhũ hạt có vỏ màu đen, có mùi thơm. Hạt có nhiều dầu. 
Cây mỡ có nhiều trong rừng thứ sinh ở Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mỡ là loài cây lá rộng thường xanh. Mỡ thường sống với các loài giổi, giẻ, trâm, ngát, gội. Mỡ thích hợp với vùng có lượng mưa: 1400 -2000 mm/năm. 
Theo Wiki pedia, Cây Mỡ chủ yếu dùng phủ xanh đất trống, phục hồi rừng, lấy gỗ phục vụ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Gỗ mỡ là sản phẩm từ cây mỡ, tên thương phẩm quốc tế là Mo. Gỗ mỡ mềm, thớ thẳng, mịn, dễ gia công, khó bị mối mọt. Gỗ mỡ có phần gỗ giác màu xám trắng, phần gỗ lõi màu vàng nhạt hơi có ánh bạc. Gỗ mỡ dùng chủ yếu cho nguyên liệu giấy, sản xuất ván lạng, dùng làm bút chì, làm trụ mỏ và cũng có thể đóng đồ gia dụng, làm nhà của. Gỗ lõi cây Mỡ lâu năm rất quý, được gọi là Gỗ Vàng Tâm (không phải cây Vàng tâm trong sách đỏ), đường kính hơn 1 mét. Gỗ Vàng Tâm nhẹ và bền nên hay làm cung đình, nhà thờ, nhà chùa, hoành thiên, câu đối, áo quan, tượng Phật, và ngày nay làm hộp khảm trai, sơn mài, và làm tranh sơn mài. Theo chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường thì để cây Mỡ có lõi như trên thì đường kính phải đạt 70 – 80 cm, tuổi đời gần trăm năm trong một môi trường sinh trưởng phù hợp.
Cây gỗ mỡ (Manglietia conifera) là cây gỗ nhỡ cao 20-25m, đường kính 30–60 cm. Thân đơn trục thẳng, tròn đều, độ thon nhỏ. Tán hình tháp. Vỏ nhẵn màu xám xanh, không nứt, nhiều lỗ bì tròn; lớp vỏ trong màu trắng ngà, thơm nhẹ. Cành non xanh nhạt gần thẳng góc với thân chính. Lá kèm bao chồi rụng sớm để lại sẹo vòng quanh cành. Lá đơn mọc cách, hình trái xoan hoặc trứng ngược, đầu và đuôi lá nhọn dần; phiến lá dài 15–20 cm, rộng 4–6 cm, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới nhạt hơn, hai mặt lá nhẵn, gân lá nổi rõ. Cuống lá dài, mảnh, gốc mang vết lõm. Hoa lớn, dài 6–8 cm, mọc lẻ ở đầu cành. Bao hoa có 9 cánh, màu trắng; 3 cánh ngoài cùng phớt xanh. Nhị nhiều, chỉ nhị ngắn, nhị và nhụy xếp sát nhau trên đế hoa hình trụ. Nhụy gồm nhiều lá noãn rời xếp xoắn ốc tạo thành khối hình trứng. Quả đại kép hình trứng hoặc hình trụ. Hệ rễ hỗn hợp. Cây mỡ ưa đất hơi chua, sâu, ẩm mát, còn nhiều mùn hoặc thảm tươi. Mỡ chủ yếu dùng phủ xanh đất trống sau khai thác rừng, phục hồi rừng nghèo kiệt, khó thích nghi ở đất trống đồi trọc. 
Cây vàng tâm (Magnolia fordiana). Cây gỗ thường xanh, cao 25–30 m, đường kính thân cây 70–80 cm. Vỏ màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu. Lá chất da, dày, hình mác - bầu dục dài, dày 5–17 cm, rộng 1,5-6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành. Cuống hoa dài 1–2 cm; bao hoa màu trắng; nhị nhiều; lá noãn nhiều, xếp xoắn ốc. Mỗi lá noãn chứa 5 noãn. Quả hình trứng hay tròn - trứng, dài 4-5,5 cm, gồm nhiều đại. Phân quả đại chất thịt, màu đỏ thẫm; lúc chín hóa gỗ, màu tím, ngoài có nhiều mụn lồi, đấu tròn hay có mũi nhọn nhỏ rất ngắn. Mùa hoa tháng 3-5, mùa quả tháng 9-10. Tái sinh bằng hạt. tốc độ tăng trưởng trung bình. Mọc rải rác. trong rừng rậm thường xanh mưa mùa nhiệt đới, ở độ cao 100 - 700m. Cây trung tính, lúc nhỏ ưa bóng, ưa đất hơi chua, ẩm, màu mỡ và sinh trưởng tốc độ trung bình.

Đọc thêm

Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người

Toàn cảnh Hội nghị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh: V.Anh
(PLVN) - Sáng 11/12, Hà Nội và các điểm cầu trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố diễn ra Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đóng góp cho sự phát triển của đất nước
(PLVN) -  Sáng 10/12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 15 năm thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Ông Phạm Đức Ấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh
HĐND tỉnh Quảng Ninh nhất trí bầu bà Trịnh Thị Minh Thanh – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, làm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh; ông Phạm Đức Ấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV...

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá

Hiệu quả từ tư duy đổi mới, đột phá
(PLVN) -  Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024 tổ chức ngày 7/12 vừa qua, nhìn lại 11 tháng của năm 2024, cho thấy cả nước đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, nên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước đều phục hồi và phát triển tốt. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao.