Chặt hạ hàng ngàn cây xanh, TP Hà Nội có phạm quy?

Ảnh: Những cây cổ thụ khỏe mạnh cũng bị đốn hạ.
Ảnh: Những cây cổ thụ khỏe mạnh cũng bị đốn hạ.
(PLO) - Theo Nghị định của Chính phủ, điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị là: Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đỗ gây nguy hiểm; Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn; Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc giao ban Thành ủy chiều 17/3, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long cho biết, việc chặt cây đã nhiều lần được nói tới, hiện nay có thể thấy cây xanh trồng trên đường phố cũng rất tạp, có rất nhiều cây đổ, gây tai nạn.
"Chính mình lúc đầu cũng không hiểu biết về cây xanh đô thị, nhiều khi trồng lung tung, thậm chí người dân trồng. Sau này tìm hiểu ra ở đô thị có những cây có tiêu chuẩn phải trồng thế nào, độ rễ làm sao không bị đổ cho phù hợp đô thị, không tạo mùi để lôi côn trùng đến hay sâu mọt...". Ông Long cho hay.
Trước việc Nhà báo Trần Đăng Tuấn có thư ngỏ gửi Chủ tịch TP Hà Nội, đặt câu hỏi sẽ chặt cây nào, tại sao phải chặt, 6.700 cây phải chặt có phải là cây sâu mọt hay không và để người dân giám sát. Cây ở đường Nguyễn Chí Thanh đâu phải sâu mọt hết cả tuyến phố? Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long khẳng định: “Không phải sâu mọt hết tất cả, nhưng có 3 chủ trương: một là thay thế các tuyến cây, có thể cây không phải sâu mọt mà không đúng chủng loại, cây người ta nói không nên trồng ở đô thị”.
Theo tìm hiểu của PV, tại khoản 1 Điều 14, Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị có quy định: 
“1. Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị:
a) Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đỗ gây nguy hiểm;
b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn;
c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình”
Do đó, những cây xanh bị đốn hạ theo thông tin ghi nhận của ông Phan Đăng Long và qua báo chí chưa hoàn toàn đủ điều kiện để chặt hạ theo quy định nêu trên. Còn những cây phải chặt hạ theo quy định cần công khai, minh bạch để người dân Thủ đô và dự luận cả nước được biết.
Trao đổi với PLVN, một người dân sống ở phường Ngọc Khánh, (gần khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, nơi vừa bị chặt hạ nhiều cây xanh) bày tỏ: “Không biết sau 10-15 năm nữa có chặt cây hàng loạt vì lúc đó những cây trồng này lại không phù hợp với đô thị? Trước đây trồng cây cũng theo quy hoạch, cũng tính toán cây này, cây nọ phù hợp rồi mới trồng chứ chẳng nhẽ tự phát à? Trách nhiệm những người quy hoạch và phê duyệt việc trồng cây xanh mà Thành phố đang cho là không hợp lý này ở đâu? Cần phải tính toán rất kỹ rồi mới thực hiện”.
Đồng quan điểm, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng cần minh bạch hoá kế hoạch nói trên để tránh gây hoang mang trong dư luận.
Ông Dương Trung Quốc nhận định, cây xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng với môi trường sinh thái và cuộc sống hàng ngày của người dân. Để trồng được một hàng cây xanh vấn đề không chỉ là tiền bạc mà còn là thời gian. Một hàng cây cổ thụ, có thể cần đến vài chục năm để trưởng thành vì vậy việc chặt hạ (kể cả thay thế) là cần phải cân nhắc rất kỹ xem việc làm này có chính đáng hay không, có cần thiết hay không. Và theo ông, khi chặt hạ một số lượng lớn cây xanh như thế thì phải hết sức quan tâm đến việc ảnh hưởng của môi trường sinh thái.
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, các cơ quan có thẩm quyền cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia các nhà khoa học về việc đốn hạ số lượng lớn cây xanh như trên. Kể cả việc đốn hạ được trồng mới (thay thế) cũng phải có cơ sở khoa học, hợp lý chứ không phải thực hiện ồ ạt theo kiểu đến một tuyến phố và đốn hạ toàn bộ cây xanh. “Nếu lý do hợp lý, chính đáng và dựa trên cơ sở khoa học thì người dân cũng cảm thấy yên tâm và ủng hộ” – ông Quốc bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo vừa yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo việc rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
Công văn của UBND thành phố nêu rõ, thời gian qua, một số báo, đài phản ánh về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố, đồng thời đăng thư ngỏ của ông Trần Đăng Tuấn (Phó chủ tịch Hội truyền thông số VN) gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nêu một số kiến nghị về việc thay thế cây xanh trên tuyến phố.
Về việc trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo, rà soát việc cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.
Chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo được đưa ra sau khi một số báo, đài phản ánh về việc cải tạo thay thế cây xanh trên các tuyến phố và nhà báo Trần Đăng Tuấn có thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về vấn đề này.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.
Điều 14. Chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị

1. Điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị:

a) Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm;

b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn;

c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.

2. Các trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị phải có giấy phép:

a) Cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn;

b) Cây bóng mát trên đường phố;

c) Cây bóng mát; cây bảo tồn; cây đã được đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình;

d) Cây bóng mát có chiều cao từ 10 m trở lên; cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân.

3. Các trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị là: chặt hạ ngay do tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy. Trước khi chặt hạ, dịch chuyển phải có biên bản, ảnh chụp hiện trạng và phải báo cáo lại cơ quản lý cây xanh đô thị chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị bao gồm:

a) Đơn đề nghị nêu rõ vị trí chặt hạ, dịch chuyển; kích thước, loại cây và lý do cần chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị;

b) Sơ đồ vị trí cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển; 

c) Ảnh chụp hiện trạng cây xanh đô thị cần chặt hạ, dịch chuyển.

5. Tiếp nhận hồ sơ và thời gian giải quyết cấp giấy phép

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị được nộp tại cơ quan quản lý cây xanh đô thị theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Thời gian giải quyết cho việc cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển tối đa không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền cấp giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép và giấy phép chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II của Nghị định này.

7. Thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị

a) Thời hạn để thực hiện việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị không quá 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép;

b)  Đối với việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong các dự án đầu tư xây dựng công trình phải được thực hiện theo tiến độ thực hiện dự án;

c) Trước khi triển khai việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh, tổ chức hoặc cá nhân thực hiện phải thông báo cho chính quyền địa phương;

d) Việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị trong các khu vực công cộng và trong các khuôn viên của tổ chức, cá nhân quản lý phải bảo đảm quy trình kỹ thuật, an toàn cho người và tài sản.

8. Đơn vị thực hiện dịch vụ quản lý cây xanh đô thị được giao nhiệm vụ chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng đô thị trên địa bàn phải tuân thủ đúng quy định tại Điều này. Trong trường hợp chặt hạ, dịch chuyển cây xanh sử dụng công cộng đô thị và trồng cây mới phải bảo đảm đúng quy định tại Điều 11 Nghị định này. 

9. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều này còn phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây, chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị.

(Trích Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11/06/2010 của Chính phủ quy định về quản lý cây xanh đô thị).

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.