Góp phần cải cách thủ tục hành chính
Cụ thể, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, việc triển khai các văn bản pháp luật về chứng thực về cơ bản được thực hiện nền nếp, đã giải quyết một lượng lớn yêu cầu của công dân. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu, Hà Nội kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét, thống nhất với đề xuất của TP báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho việc triển khai thí điểm việc ủy quyền cho công chức tư pháp cấp xã được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký. “Điều này nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, vai trò của công chức tư pháp” - ông Sơn nhấn mạnh.
Trước đó hơn 3 tháng, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Ngô Anh Tuấn đã đưa ra kiến nghị này. Theo đó, ông Tuấn cũng mong muốn Bộ Tư pháp xem xét nhất trí cho triển khai thí điểm việc ủy quyền cho công chức tư pháp cấp xã được ký chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm, vai trò của công chức tư pháp.
Không riêng ở Hà Nội mà theo phản ánh của những địa phương nơi có nhu cầu chứng thực bản sao lớn, Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp xã phải dành quá nhiều thời gian cho việc ký chứng thực bản sao (đặc biệt vào mỗi kỳ tuyển sinh, nhiều trường hợp phải ký hàng nghìn bản/ngày) nên không còn thời gian dành cho công việc quản lý nhà nước. Trong khi đó, đây là những chức danh được bầu để thực hiện công việc chính là quản lý nhà nước. Việc những chức danh này phải dành quá nhiều thời gian để giải quyết các việc sự vụ như ký chứng thực bản sao… là chưa hợp lý.
Mặt khác, chưa kể những chức danh này thường rất bận rộn và phải tham gia nhiều công việc quản lý nhà nước, họp hành... khiến tiến độ giải quyết việc chứng thực bị chậm. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến cho hiện nay việc chứng thực bản sao từ bản chính tại hầu hết các UBND cấp xã đều không đảm bảo được thời gian theo quy định hiện hành của pháp luật (hầu hết đều phải hẹn người dân đến nhận kết quả vào buổi làm việc khác) hoặc một số UBND cấp xã chỉ tiếp nhận yêu cầu chứng thực vào một số buổi làm việc trong tuần. Từ thực tế này, việc nghiên cứu giao cho công chức tư pháp - hộ tịch thẩm quyền ký chứng thực những loại việc đơn giản như bản sao, chữ ký… nhằm rút ngắn thời gian giải quyết việc chứng thực, góp phần thiết thực cải cách thủ tục hành chính.
Phải làm chặt chẽ
Một số chuyên gia pháp lý cách đây nhiều năm cũng đã đề xuất giao cho công chức tư pháp - hộ tịch có thẩm quyền ký chứng thực. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, công chức tư pháp - hộ tịch không phải là một chức danh có thẩm quyền ký, do đó chữ ký của công chức tư pháp - hộ tịch không được đóng dấu của UBND cấp xã. Để tháo gỡ vướng mắc này, nhiều ý kiến cho rằng, các văn bản về công tác văn thư cần có quy định linh hoạt về thẩm quyền ký, đóng dấu để tạo thuận lợi cho các lĩnh vực đặc thù như lĩnh vực chứng thực.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh hoan nghênh đề xuất của UBND TP Hà Nội. “Việc chứng thực bản sao từ bản chính là công việc chiếm rất nhiều thời gian của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Số lượng bản sao không giảm đi mà thậm chí còn tăng lên theo năm tháng. Đây là nỗi lo lắng không chỉ của UBND TP Hà Nội, Bộ Tư pháp mà của tất cả các cấp chính quyền” - ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, hiện tượng ngày càng gia tăng bản sao giấy tờ từ bản chính là việc bất bình thường. Trong khi theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật, cấp chính quyền cơ sở là cấp gần dân nhất, chịu áp lực rất nhiều việc và cái gì cũng dồn cho cấp xã.
“Một ngày với thời gian như vậy, Chủ tịch hay Phó Chủ tịch UBND xã ký số lượng bản sao đó thì không thể đủ được. Yêu cầu ủy quyền, cá nhân tôi rất ủng hộ. Nếu làm được điều này, lãnh đạo chính quyền cấp xã sẽ giải phóng được rất nhiều thời gian, dành làm những việc khác quan trọng hơn, lớn hơn cho dân, cho xã hội”, ông Khanh nêu.
Tuy nhiên, để ủy quyền được, ông Khanh cho rằng, phải “khai thông” từ Luật Tổ chức chính quyền địa phương vì Điều 14 của Luật quy định rất rõ việc ủy quyền cho cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. “Tôi e rằng cơ chế ủy quyền bị vướng ở điểm đó, chứ với Nghị định 23 thì có thể báo cáo Thủ tướng và vấn đề này không khó để giải quyết”.
Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đề nghị, ngoài xin ý kiến của Bộ Tư pháp, UBND TP Hà Nội nên xin ý kiến của Bộ Nội vụ cũng như một số bộ, ngành liên quan trước khi trình xin ý kiến Thủ tướng.