Theo đó, Hội thảo đã công bố 3 Đề tài gồm “Chức năng kinh tế của Nhà nước trong 30 năm đổi mới - Nhìn từ góc độ pháp lý” do TS Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý làm Chủ nhiệm; “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước Việt Nam và đề xuất các biện pháp phòng ngừa” do ThS Trần Anh Tuấn làm Chủ nhiệm và “Nguyên tắc về quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật trong Hiến pháp năm 2013 và những vấn đề pháp lý đặt ra” do TS Nguyễn Văn Hiển, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội làm Chủ nhiệm.
Công bố Đề tài đầu tiên, thư ký khoa học Đề tài cho biết, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu về chức năng kinh tế của Nhà nước nhưng cơ bản mới đề cập tới một số vấn đề liên quan đến chức năng kinh tế của Nhà nước mà chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện chức năng này nhìn từ góc độ pháp lý trong quá trình diễn tiến 30 năm đổi mới (tính từ năm 1986). Bởi vậy, Đề tài đã góp phần nhận thức sâu sắc hơn nữa nhu cầu tiếp tục đổi mới chức năng kinh tế của Nhà nước phù hợp với yêu cầu, hoàn cảnh và trình độ phát triển mới của đất nước, đồng thời cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện thể chế về chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Giới thiệu thêm về đề tài do mình làm Chủ nhiệm, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương vui mừng thông tin: Với sự tham gia của 15 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Đề tài đã được nghiệm thu từ đầu năm, đã có ứng dụng nhất định trong xây dựng một số nghị quyết về kinh tế vừa qua.
Qua nghiên cứu, Đề tài chỉ ra một số bất cập về chức năng kinh tế của Nhà nước ở Việt Nam hiện nay như chưa định hình chuẩn xác được chức năng kinh tế của Nhà nước; Nhà nước còn can thiệp sâu vào hoạt động kinh tế và trực tiếp tham gia đầu tư vào nhiều lĩnh vực của nền kinh tế; Nhà nước chưa hoàn toàn làm tốt vai trò hoạch định chính sách vĩ mô, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế, điều tiết thu nhập xã hội, khắc phục khuyết tật của cơ chế thị trường...
Đặc biệt, theo ông Cương, còn không ít việc Nhà nước cần phải làm nhưng không làm hoặc làm không đầy đủ. Trong khi đó, Nhà nước lại tham gia nhiều hoạt động mà chủ thể khác có thể làm, thậm chí làm tốt hơn Nhà nước. Vậy vì lợi ích công, “trong những hoạt động nào thì Nhà nước sẽ lui và lui thế nào khi chủ thể khác có thể làm tốt” là câu hỏi ông Cương nêu lên để các đại biểu cùng thảo luận.
Bên cạnh đó, một vấn đề nóng hiện nay đang thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội chính là giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư với Nhà nước Việt Nam đã được Đề tài thứ 2 nghiên cứu hết sức thấu đáo. ThS Trần Anh Tuấn chia sẻ, trong Đề tài đã được nghiệm thu có dẫn ra 6 vụ, còn tính đến thời điểm hiện tại thì có 7 vụ nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện Nhà nước Việt Nam ra trọng tài quốc tế một cách chính thức. Trong bối cảnh Việt Nam gia nhập ký kết ngày càng nhiều các hiệp định về đầu tư, về thương mại tự do, đối tác kinh tế, sẽ không tránh khỏi các tranh chấp phát sinh và Bộ Tư pháp được giao làm đầu mối chủ trì việc tham gia giải quyết tranh chấp.
Một trong những đóng góp mới của Đề tài là đưa ra các kiến nghị sâu sắc hơn cho Việt Nam trong phòng ngừa tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước Việt Nam. Theo đó, giải pháp lâu dài hàng đầu là ban hành luật hoặc pháp lệnh về phòng ngừa, giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước Việt Nam và Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược hoàn thiện thể chế liên quan đến vấn đề này một cách tổng thể.
Riêng với Đề tài thứ 3, Đề tài đánh giá quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân (khoản 2 Điều 14) là một điểm sáng của Hiến pháp năm 2013, thể hiện bước tiến trong nhận thức về bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy, còn có nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, phát triển.