Góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm
Báo cáo tổng kết việc thực hiện Đề án tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết, thực hiện Đề án 258, Chỉ thị số 1958/CT-TTg, Luật Giám định Tư pháp (GĐTP) UBND thành phố đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản nói trên được các ngành triển khai thực hiện nghiêm túc, trong đó tập trung công tác phổ biến các quy định của pháp luật về GĐTP cho người giám định, người tiến hành tố tụng.
UBND TP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật GĐTP trên địa bàn. Sở Tư pháp đã phát huy vai trò cơ quan thường thực Ban chỉ đạo Đề án. Đến nay, đội ngũ giám định viên được củng cố, kiện toàn, trong đó Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hà Nội có 26 giám định viên, Trung tâm Pháp y Hà Nội có 05 giám định viên; tổng số người GĐTP theo vụ việc tính đến 30/9/2015 là 137 người, so với thời điểm trước năm 2010 tăng 85 người.
“Đội ngũ giám định viên kỹ thuật hình sự, pháp y và người GĐTP theo vụ việc được đào tạo chính quy, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật, các giám định viên luôn đề cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, đảm nhận hiệu quả yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên địa bàn thành phố”, bà Hương nói.
Nhìn chung các kết luận của các cơ quan giám định trên địa bàn Hà Nội về cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền và lợi ích liên quan trong vụ án hình sự, dân sự và hành chính.
Bên cạnh kết quả đạt được, Hội nghị cũng nhận định hoạt động giám định còn một số khó khăn như việc triển khai Đề án, Luật còn chậm, chưa tạo bước đột phá trong nhận thức và triển khai thực hiện của các cấp, các ngành; cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi tham gia hoạt động GĐTP chậm được ban hành; sự quan tâm, chỉ đạo về công tác GĐTP của một số sở, ngành có liên quan còn hạn chế; cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu; việc củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất cho các tổ chức GĐTP thực hiện chậm, chưa đáp ứng tốt nhu cầu đặt ra, nhất là tổ chức giám định pháp y...
Chủ động tháo gỡ khó khăn cho hoạt động giám định
Để góp phần gỡ bớt khó khăn trong hoạt động giám định, đại diện Sở Xây dựng, Cục Thuế, Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP Hà Nội, Trung tâm Pháp y Hà Nội đều chung đề nghị như: bổ sung đội ngũ giám định viên; tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng; về chế độ chính sách cho đội ngũ giám định viên còn nhiều bất cập; đề nghị đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động giám định…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn biểu dương những chuyển biến tích cực trong công tác giám định của TP trong thời gian qua. Ông Sơn cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các tổ chức giám định và yêu cầu Sở Tư pháp khẩn trương tổng hợp kiến nghị của các sở, ngành về vấn đề trang thiết bị, cơ sở vật chất để TP trình ra trước cuộc họp gần nhất của HĐND TP; trong đó lưu ý cả vấn đề về kinh phí bồi dưỡng cũng như kinh phí cho công tác thi đua khen thưởng.
Phó Chủ tịch cũng giao Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính xây dựng cơ chế bồi dưỡng cho giám định viên; tăng cường phối hợp với các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động giám định; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu và đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động GĐTP.