Vi phạm hợp đồng
Trong đơn tố cáo, Cty CP Thiết bị và Ô tô Việt Nam (Cty EMC, Km9, đường Võ Văn Kiệt, huyện Mê Linh, Hà Nội) phản ánh: năm 2007, đơn vị này có thuê 300m2 nhà xưởng trên diện tích 5.600m2 đất của Cty CP Sữa Hà Nội (Hanoimilk) để kinh doanh. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, hai bên đã phát sinh nhiều vướng mắc và đang trong quá trình thoả thuận. Tuy nhiên, phía Hanoimilk không thể hiện thiện chí và sử dụng những biện pháp, hành vi trái pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của EMC. Cụ thể, đầu năm 2018, Hanoimilk đã lập chốt, thuê bảo vệ để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và có dấu hiệu xâm phạm tài sản…
EMC còn đề nghị khởi tố hình sự đối với Hanoimilk và “gây ồn ào” tới mức Bí thư Thành ủy Hà Nội đã có ý kiến giao Công an Hà Nội xem xét giải quyết.
Hồ sơ vụ việc cho thấy, năm 2007, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Cty Hanoimilk đã đồng ý góp vốn 3 tỷ đồng vào EMC và ký Hợp đồng số 09/2007/HĐ-HNM (ngày 15/12/2007) cho EMC thuê diện tích nhà đất đã nêu với thời hạn 10 năm.
Đến giữa năm 2009, HĐQT mới của Hanoimilk quyết định rút vốn. EMC đồng ý nhận nợ, bao gồm tiền góp vốn, tiền thuê mặt bằng và lãi phát sinh (thể hiện tại các “Biên bản làm việc và đối chiếu công nợ” vào các năm 2010 và 2011). Tuy nhiên, EMC đã không thanh toán theo cam kết dù Hanoimilk nhiều lần gửi thông báo thu hồi nợ. Nợ đến nay đã là hơn 10 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Cường - Chủ tịch HĐQT EMC lập luận rằng, chỉ nhận nợ thay một cổ đông mua lại phần vốn đã rút của Hanoimilk, một phần đã trả có thể sẽ khấu trừ tiền nợ thuê nhà xưởng. Mặt khác, EMC đã đầu tư xây dựng mặt bằng với chi phí lớn nên khi hết hạn hợp đồng phải được ưu tiên gia hạn, nếu không sẽ đưa tranh chấp ra tòa, kéo dài thời gian.
Vì những lý lẽ đó, dù 31/12/2017 là hết hạn, nhưng EMC không bàn giao mặt bằng. Thậm chí trước đó, đơn vị này còn tự ý ký hợp đồng cho một số đơn vị khác (trong đó có Trung tâm Đăng kiểm 29-04V - Cục Đăng kiểm Việt Nam) thuê lại tới năm 2020.
Hợp đồng giữa EMC và Hanoimilk có điều khoản: khi hết hạn nếu Hanoimilk có nhu cầu thì EMC sẽ phải bàn giao lại nguyên trạng hạ tầng; trường hợp gia hạn phải được sự đồng ý của Hanoimilk. Nhưng dường như EMC đã phớt lờ điều khoản này.
Có hay không dấu hiệu hình sự?
Như vậy, nếu căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa hai bên, có thể tạm kết luận, EMC đã có dấu hiệu vi phạm hợp đồng như: hết thời hạn nhưng vẫn còn nợ tiền thuê nhà đất; không bàn giao mặt bằng và tự ý cho bên thứ 3 thuê lại mặt bằng.
Giữa hai bên không có thỏa thuận nào ràng buộc Hanoimilk phải có nghĩa vụ cho thuê tiếp khi hết hạn hợp đồng thuê hoặc Hanoimilk phải tiếp nhận tài sản, thiết bị mà EMC đã đầu tư để phục vụ kinh doanh của mình.
Việc EMC gửi đơn tố cáo và chây ì, không bàn giao mặt bằng, chậm trả nợ chỉ làm sự việc thêm phức tạp.
Nếu căn cứ theo Quy định Xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự xã hội (Nghị định 73/2010/NĐ - CP, tại điểm d, khoản 1, Điều 18), việc EMC chây ì không trả nợ, không trả lại mặt bằng có thể coi là hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác. Nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, EMC có thể bị xử phạt hành chính.
Còn nếu hành vi trên tái diễn thì các cá nhân liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 177 BLHS 2015 hoặc trước đó, tại Điều 142, BLHS 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 (“Tội sử dụng trái phép tài sản”).
Hiện có rất nhiều trường hợp tương tự như trên phát sinh trong các quan hệ xã hội, nhưng thường được coi là vụ án dân sự có phát sinh tranh chấp, và được hướng tới tòa án giải quyết, dẫn đến quyền lợi của bên cho thuê bị xâm phạm nghiêm trọng. Còn những bên đi thuê thường lợi dụng kẽ hở này để cố tình kéo dài thời gian sử dụng nhằm trục lợi.