Cây trôi nằm trên cánh đồng xã Bình Minh, còn được người dân địa phương gọi là cây âm - dương, bởi ở cây có tính phong thủy cùng nhiều đặc điểm riêng biệt lạ thường. Cây trôi có đường kính khoảng 15m. Chu vi gốc cây khoảng 8m và phải 5 - 6 người ôm mới hết.
Cây có dáng đẹp hoàn hảo, sống lâu năm, ước tính trên 1000 năm tuổi. Cây cao chừng 10m; tán xòe rộng.
Từ xa nhìn dáng cây sừng sững thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Việc ra hoa kết trái cũng lạ thường, 2 năm mới ra hoa kết trái một lần và thường rơi vào tháng 12 âm lịch.
Nếu năm nay nửa cây phía Đông ra lộc non, lá xanh tốt thì nửa cây phía Tây ít ra lộc, lá thưa, có màu vàng vàng. Đến năm sau thì ngược lại, nửa cây phía Tây ra lộc non, lá xanh tốt và nửa cây phía Đông ít ra lộc, lá thưa, có màu vàng.
Cây trôi chỉ có 1 thân, bên trên có nhiều tán xòe rộng ra xung quanh như cái ô. Rễ chùm bám sâu xuống lòng đất. Nhiều cụ già trong làng Bình Đà cho biết, vóc dáng cây trôi như hiện tại đã có từ lâu, bao nhiêu năm cây vẫn vậy, cây vẫn ra hoa nhưng quả rất ít.
Cây trôi hiện nay bị rỗng bên trong. Người dân cho biết có lần một số trẻ nghịch ngợm châm lửa ném vào hốc cây để đuổi chim lợn bay ra ngoài gây cháy, người dân phải bơm nước vào ngọn cây, bơm bùn đất vào bên trong thân cây chữa cháy nên cây mới sống được đến hôm nay.
Xung quanh cây trôi nghìn năm này có rất nhiều câu chuyện ly kỳ mang tính tâm linh được người dân kể lại.
Theo tương truyền cây trôi cổ thụ này có từ thời Đỗ Cảnh Thạc trong lịch sử, gắn liền với sự kiện dẹp loạn 12 sứ quân.
Lá xanh sẫm ken dày đặc.
Một chùm hoa của cây trôi.
Hiện tại rễ cây lan rộng ăn xuống ngay cạnh mương nước, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của cây nếu nguồn nước ô nhiễm. Trước đây làng Bình Đà có 3 cây trôi, chết 2 cây, trong đó có cây chết vì sống cạnh nguồn nước ô nhiễm.
Năm 2016, cây trôi cổ thụ nghìn tuổi làng Bình Đà đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.