Tính đến nay, tỉnh Hà Giang có 27 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Năm 2021 tỉnh Hà Giang nhận diện được 446 danh mục văn hóa phi vật thể với 7 loại hình của 14 dân tộc cư trú lâu năm, sinh sống tập trung thành từng làng, bản, trong đó: Có 17 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 47 di sản ngữ văn dân gian; 12 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian; 259 di sản tập quán xã hội và tín ngưỡng; 13 di sản lễ hội truyền thống; 41 di sản nghề thủ công truyền thống; 57 di sản tri thức dân gian.
Hàng năm, vào khoảng từ ngày 15/10 đến ngày 30 tháng chạp (Âm lịch), người Dao đỏ tại Hoàng Su Phì tổ chức lễ cúng tổ Bàn Vương.
Thầy cúng đang thực hiện nghi lễ cúng Bàn Vương. Ảnh (Diễm Quỳnh) |
Đây là nghi lễ truyền thống đặc sắc được tổ chức hằng năm tại các địa phương có người Dao sinh sống nhằm lưu giữ nguồn gốc lịch sử, văn hóa của dân tộc. Lễ cúng được tổ chức nhằm bày tỏ sự biết ơn với sư tổ Bàn Vương, người đã sinh ra 12 họ người Dao ngày nay. Đồng thời là dịp cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt cho cộng đồng người Dao ấm no, hạnh phúc.
Lễ Cầu mùa thường được người Cờ Lao tổ chức hàng năm sau khi thu hoạch xong, lúa, ngô đã chất đầy bồ. Các gia đình thường chuẩn bị gà luộc và các sản phẩm nông nghiệp khác do chính người dân làm ra như xôi, rượu trắng, thịt lợn, hoa quả cùng tiền vàng và hương. Trong nghi lễ, thầy cúng sẽ tiến hành các nghi lễ cảm tạ, cầu mong thần linh, trời đất, tổ tiên phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, cộng đồng người Cờ Lao sống ấm no, hạnh phúc.
Để có được kết quả đó, tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt việc lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền tôn vinh nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa để góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhất là phát triển du lịch, tạo sinh kế cho người dân; giáo dục, kế thừa, giữ gìn truyền thống quý báu về giá trị văn hóa lịch sử cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Hà Giang; đồng thời từng bước ngăn chặn, xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.