Góp phần kiểm soát giá dịch vụ
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH – cho rằng: Trong Luật BHYT đã nêu rõ phương thức thanh toán dịch vụ y tế có áp dụng theo chẩn đoán trường hợp bệnh (DRG) nhưng chưa được đưa vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Vì thế, trong Dự án Luật KBCB (sửa đổi) cần có thêm phần thanh toán dịch vụ y tế theo DRG.
Theo đó, để triển khai trên thực tế, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, bệnh viện nào đủ điều kiện về đội ngũ y, bác sĩ, cơ sở vật chất thì nên áp dụng thanh toán dịch vụ y tế theo DRG trước. Bệnh viện nào chưa đủ điều kiện thì vẫn triển khai thanh toán dịch vụ y tế theo phí dịch vụ cho đến một thời điểm nào đó thích hợp sẽ thực hiện theo DRG sau.
Đồng quan điểm, ông Dương Huy Liệu - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam cho biết: Ở nhiều nước trên thế giới có đông đảo người dân tham gia BHYT, BHXH thì việc thanh toán dịch vụ y tế theo DRG góp phần kiểm soát giá dịch vụ, chi tiêu của người dân rất hiệu quả. Đây cũng là giải pháp góp phần phân bổ nguồn lực để chi trả cho từng bệnh trong 1 năm, không làm tăng giá dịch vụ y tế một cách bất thường. Đồng thời đảm bảo nguồn thu BHYT cũng phù hợp với giá dịch vụ mà bệnh viện thu thông qua DRG.
Ngoài ra, ông Liệu cho rằng: Việc thanh toán dịch vụ y tế theo DRG cũng phải gắn với kiểm soát phí dịch vụ KCB theo yêu cầu. Tuy nhiên, thời gian qua, việc quản lý, kiểm soát giá dịch vụ KCB chưa thực hiện sát sao khiến trong dư luận có nhiều ý kiến. Vì thế, trong Dự án Luật KBCB (sửa đổi) cần quy định rõ khung giá để các bệnh viện thực hiện KCB theo yêu cầu, chứ không phải tăng lên mức nào cũng được.
Mặt khác, thu phí dịch vụ hiện nay cũng phải gắn với việc chăm sóc, KCB theo tuyến. Ở tuyến xã (tuyến 1) thu phí dịch vụ KCB khác với ở tuyến huyện (tuyến 2) trở lên. Tuy nhiên, ở một số nơi, bệnh viện tỉnh cũng chỉ là tuyến huyện nên rất khó nhận được sự đồng thuận của người dân khi thu phí dịch vụ ở một mức nào đó.
Theo đó, để giảm thiểu bất cập trên, theo ông Liệu, chúng ta cần ban hành một Nghị định quy định thu phí dịch vụ ở các tuyến một cách rõ ràng, bệnh viện như thế nào là thuộc tuyến 1, 2, 3...?
Bên cạnh đó, nghiên cứu về vấn đề tài chính y tế Việt Nam, bà Caryn Bredenkamp - đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - phân tích: Thanh toán dịch vụ y tế theo DRG sẽ khuyến khích các bệnh viện cấp dịch vụ phù hợp lâm sàng theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hiệu suất hơn.
Mặt khác, hình thức thanh toán dịch vụ y tế theo DRG cũng góp phần giảm mâu thuẫn giữa BHXH và cơ sở cung cấp dịch vụ y tế khi đánh giá tính hợp lý của dịch vụ y tế. DRG còn giới hạn rủi ro tài chính của BHXH bằng cách xác định mức trần thanh toán có thể sử dụng thanh toán theo nhóm chẩn đoán DRG. Phân loại người bệnh theo nhóm chẩn đoán cũng có thể được sử dụng để so sánh kết quả hoạt động giữa các bệnh viện. Sau một thời gian, DRG cũng có thể đóng góp vào việc giảm quá tải bệnh viện tại tuyến Trung ương và tuyến tỉnh - bà Caryn Bredenkamp cho biết.
Tránh chồng chéo giữa các Luật
Đóng góp ý kiến về thanh toán dịch vụ y tế theo DRG, Tiến sĩ Đàm Viết Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách y tế, đề xuất: Về định hướng đổi mới tài chính y tế như chuyển sang thanh toán dịch vụ y tế theo DRG cũng cần phải có một luật quy định lộ trình cụ thể để các cơ sở KCB áp dụng.
“Khi nhắc đến thanh toán dịch vụ theo DRG vào trong Dự án Luật KBCB (sửa đổi) phải xem xét kỹ Luật này có sự chồng chéo với những Luật nào, cách thức để tháo gỡ sự vướng mắc giữa các Luật. Nếu thực hiện chi trả y tế theo tuyến mà còn vướng vào Luật Ngân sách thì bệnh viện sẽ chi trả hay thực hiện như thế nào cũng rất cần được lấy ý kiến rộng rãi để trình lên Quốc hội”, ông Đàm Viết Cương nhấn mạnh.
Cùng với đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, cũng bày tỏ băn khoăn: Luật BHYT đã quy định rõ thu viện phí theo dịch vụ, định suất và DRG. Để các bệnh viện thanh toán viện phí theo DRG thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và phía cơ quan BHYT. Khi đưa nội dung thanh toán dịch vụ theo DRG vào trong Dự án Luật KBCB (sửa đổi) phải xem xét kỹ có những xáo trộn đối với cuộc sống, người dân như thế nào để có những giải pháp điều chỉnh kịp thời.