Một số xã ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) từ lâu nay có tiếng về XKLĐ, giàu lên trông thấy nhờ XKLĐ, như xã Cương Gián, Xuân Liên, Cổ Đạm.
Cương Gián trước đây vốn là làng chài nghèo ven biển, người dân quanh năm lam lũ nghề chài lưới, cũng không thể trông mong gì ở những thửa ruộng cát trắng phủ đầy. Từ những năm 1990, thanh niên địa phương đã bắt đầu rủ nhau đi lao động ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…
Người đi trước ăn nên làm ra nên kéo người thân, bạn bè sang lập nghiệp ở xứ người. Cứ thế, người người, nhà nhà đi XKLĐ ngày một đông, gửi tiền về cho người ở nhà làm ăn kinh tế, tậu xe, xây nhà khang trang…
“Có những gia đình cả vợ lẫn chồng đi hơn chục năm nay, hiện đang gửi ngân hàng tiền tỷ. Ngày xưa ở quê nghèo chạy ăn từng bữa, nhờ có người này đi kéo người kia qua truyền tay nhau vậy chúng tôi đi theo ra nước ngoài lao động, mới thoát nghèo, sống đủ đầy. Đời sống người dân được nâng cao, đường sá, điện đường, trường trạm đổi mới khang trang, sạch sẽ”, một người dân địa phương cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tính, Chủ tịch Hội đồng Quỹ tín dụng liên xã Cương Gián cho biết: Hiện xã Cương Gián có khoảng 2.700 người sinh sống, lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Bình quân mỗi lao động gửi về cho gia đình khoảng 700 USD/tháng, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng. Nhờ vậy, những ngôi nhà to đẹp, khang trang mọc lên càng nhiều. Từ 2010 đến 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh, từ 21% (năm 2011) xuống còn 4,5% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người 2018 đạt trên 38 triệu đồng.
Làng quê Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) khang trang. |
Nhưng phía sau sự ổn định kinh tế, có của ăn, của để thì XKLĐ cũng đem tới một số hệ lụy. Tỷ lệ ly hôn khá cao, phát sinh các mối quan hệ ngoài hôn nhân gia đình, vi phạm pháp luật. Như trường hợp một phụ nữ ở xã Xuân Liên, năm 2019 để chồng ở lại chăm hai đứa con gái, mình chị đi XKLĐ. Ai ngờ chồng chị ở nhà dính vào bài bạc, bồ bịch… Cuối 2020, chị về nước với mong muốn hàn gắn hạnh phúc gia đình nhưng mâu thuẫn ngày càng gay gắt, vợ chồng quyết định ly hôn.
Nghiệt ngã hơn là chuyện của cặp vợ chồng SN 1963 và 1965 tại xã Cương Gián. Kinh tế gia đình khó khăn, chồng bệnh tật, con dị tật bẩm sinh, người vợ đi XKLĐ Hàn Quốc từ 2000. Sau gần 20 năm bươn chải xứ người, khi kiếm đủ số tiền xây nhà cửa, tích lũy, người vợ trở về thì tình cảm vợ chồng không còn mặn nồng như xưa.
Thấy vợ đi xa lâu năm mới về nhà nhưng không quan tâm, chăm sóc chồng, có biểu hiện muốn đi tiếp nên người chồng đã nảy sinh giết vợ rồi tự tử. Đêm một ngày đầu tháng 2/2019, khi vợ đang ngủ, người chồng đã hạ sát vợ, rồi xuống biển để tự tử nhưng được người dân phát hiện đưa lên bờ. Người chồng sau đó bị tòa án tuyên phạt 20 năm tù giam về tội Giết người.
Ông Mai Anh Lý, Chủ tịch UBND xã Xuân Liên cho biết, số liệu cuối quý I/2022, toàn xã có hơn 1.700 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, đây là những con số quản lý được, còn đi “chui” hoặc có người thân bảo lãnh thì cũng không ít. Bên cạnh việc nguồn ngoại hối gửi về cho gia đình hằng năm, ông Lý thừa nhận XKLĐ cũng đã để lại cho địa phương những hệ lụy. Từ khi phong trào XKLĐ bùng lên trên địa bàn đến nay, toàn xã đã có gần 250 cặp vợ chồng ly hôn liên quan đến XKLĐ.
Một số gia đình cả vợ lẫn chồng đều đi XLKĐ, để con cái ở nhà cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng dẫn đến hư hỏng. Từ 2010 trở lại đây cũng có không ít người mất tích, không liên lạc với gia đình.
Một cán bộ TAND huyện Nghi Xuân đánh giá, XKLĐ giúp nhiều gia đình có kinh tế ổn định, nhưng không ít người khi có nhiều tiền từ việc ra nước ngoài làm thuê, khi đã thoát khỏi cảnh nợ nần thì quay ra đổ đốn, hư hỏng, trẻ em thì bỏ bê học hành.
Ở các xã có tỉ lệ người đi lao động nước ngoài cao trên địa bàn Hà Tĩnh, có một số trường hợp vợ đi XKLĐ, chồng ở nhà lấy vợ khác hoặc vợ gửi tiền nuôi con, chồng ở nhà đam mê cờ bạc, không chịu làm lụng. Mâu thuẫn xảy ra dẫn đến ly hôn, do đó để làm giàu từ XKLĐ mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình bền vững, trước hết phụ thuộc vào nhận thức vợ chồng.