Gỡ vướng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rất nhiều vướng mắc trong giải quyết các vụ án liên quan đến hợp đồng tín dụng mà theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, đây là những vấn đề thực sự cần được tháo gỡ, giải quyết để hỗ trợ việc xử lý nợ xấu, thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng…

Hôm qua - 21/4 tại TP Đà Nẵng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo: “Hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại (KDTM) trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng (HĐTD)”.

Tranh chấp tín dụng ngày càng tăng

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết, cùng với sự phát triển nền kinh tế, nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, theo đó tranh chấp HĐTD ngày càng phát sinh nhiều, với diễn biến phức tạp cả về tính chất, quy mô. Để giải quyết hiệu quả tranh chấp HĐTD, các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ yếu lựa chọn biện pháp tố tụng thông qua Tòa án.

“Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) các cấp đã phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) các cấp về cơ bản giải quyết các vụ án tranh chấp HĐTD đúng pháp luật, kịp thời; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Sự phối hợp tốt giữa VKSND và TAND cũng như giữa kiểm sát viên và thẩm phán đã góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án” - ông Hùng đánh giá.

Tại Hội thảo, ông Đoàn Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 10, VKSNDTC cho biết, theo số liệu khảo sát tình hình thụ lý, giải quyết vụ án KDTM về tranh chấp HĐTD từ 63 VKSND cấp tỉnh trong 4 năm (2016 - 2021) cho thấy số lượng án thụ lý, giải quyết ở các cấp đều tăng, năm sau cao hơn năm trước và luôn chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 30% đến 40%) trong số các vụ KDTM nói chung

“VKSND các cấp đã kiểm sát việc giải quyết hàng ngàn vụ án KDTM về “Tranh chấp HĐTD” của TAND kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; đồng thời phát hiện kịp thời những vi phạm, thiếu sót của Tòa án, TCTD, người vay vốn, người liên quan khác để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa” - ông Thắng nhấn mạnh.

Còn nhiều vướng mắc…

Bên cạnh kết quả đạt được, theo Tổng Thư ký VNBA, các TCTD hội viên phản ánh quá trình giải quyết tranh chấp về tín dụng tại TAND liên quan VKSND còn phát sinh một số vướng mắc, bất cập do khác biệt về nhận thức và áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực ngân hàng như: Việc kiểm tra, giám sát thời hạn giải quyết vụ án, thi hành án; Việc thu thập tài liệu, chứng cứ, giám sát việc thực hiện công khai chứng cứ cho các đương sự; Việc kiểm tra, giám sát quá trình thi hành án, giải quyết khiếu nại của Tòa án; Việc áp dụng quy định pháp luật khi xác định mức phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng; Việc xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp; Xác định hiệu lực của Hợp đồng thế chấp và xác định TCTD là bên thứ ba ngay tình trong giao dịch thế chấp tài sản; Trường hợp giao dịch thế chấp tài sản của đất hộ gia đình khi các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất không tham gia đầy đủ vào giao dịch; Về thủ tục xác minh địa chỉ của bị đơn (khách hàng vay)…

Trong đó, theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (thuộc VNBA), bất cập nhất hiện nay là các TAND thường chậm trễ về thời hạn giải quyết các vụ án. “Việc chậm trễ giải quyết vụ án tranh chấp gây ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi hợp pháp của TCTD. Đặc biệt đối với những vụ việc tranh chấp về HĐTD, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ, việc chậm trễ này dẫn đến giảm sút hiệu quả thu hồi nợ của TCTD, TSBĐ kém thanh khoản sẽ dẫn đến giá trị thu hồi khoản vay bị sụt giảm” - bà Phương nhấn mạnh.

Từ góc độ kiểm sát, đại diện VKSNDTC đã phân tích những vi phạm phổ biết của TCTD, người vay, người liên quan khác và tòa án. Theo ông Đoàn Văn Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 10, đối với việc vi phạm thời hạn giải quyết vụ án quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì VKSND căn cứ Điều 21 BLTTDS thực hiện quyền kiến nghị khắc phục vi phạm. Những vi phạm đó thường là: Bỏ sót người tham gia tố tụng; Xác định việc phạt vi phạm không đúng; Không xem xét, thẩm định tại chỗ TSBĐ; Việc tuyên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu không đúng; Vụ án có dấu hiệu hình sự nhưng vẫn giải quyết theo tố tụng dân sự…

Tại Hội thảo, các ý kiến đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, bất cập liên quan đến hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án KDTM trong lĩnh vực tranh chấp HĐTD.

Theo đại diện VKSNDTC, NHNN cần tăng cường phối hợp với TAND, VKSND trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị, ký quy chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin, cung cấp, phối hợp giải quyết những vấn đề còn có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp, UBND các cấp, Tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án… trong việc cung cấp thông tin, quản lý chặt chẽ về tình trạng pháp lý đối với TSBĐ và việc xử lý TSBĐ.

Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Duy Giảng - Phó Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh, đây là hội thảo có quy mô lớn, nội dung phong phú, phức tạp, thu hút sự quan tâm của các bên liên quan.

Phó Viện trưởng VKSNDTC yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp tổ chức nghiên cứu tài liệu, lưu ý những dạng vi phạm phổ biến, những kinh nghiệm trong công tác này nhằm hạn chế thấp nhất những vi phạm, có kế hoạch, giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại, tăng cường thông báo rút kinh nghiệm đối với việc kiểm sát giải quyết loại án này, có biện pháp hiệu quả nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các tranh chấp HĐTD, bảo đảm đúng thời hạn tố tụng, chính xác, đúng pháp luật ngay từ những giai đoạn tố tụng đầu tiên; lưu ý những kiến nghị xác đáng từ phía TCTD trong công tác kiểm sát. Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị kịp thời để khắc phục vi phạm.

Phó Viện trưởng VKSNDTC cũng đề nghị NHNN, VNBA tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với VKSNTC trong việc trao đổi thông tin, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật về tín dụng. Một số vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật có liên quan được nêu tại Hội thảo cần được lưu ý trong quá trình xây dựng Luật các TCTD (sửa đổi) do NHNN đang chủ trì và các văn bản pháp luật có liên quan.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết tranh chấp HĐTD, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục các vi phạm và nâng cao hiệu quả hoạt động của các TCTD, tại Hội thảo, VKSNDTC kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số nội dung của BLTTDS 2015, Luật Đất đai năm 2013 và Luật các TCTD 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Liên quan đến Luật các TCTD 2010, đại diện VKSNDTC đề nghị bổ sung vào Luật 1 chương riêng về xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu (trên cơ sở kế thừa cơ bản những quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD).

Bên cạnh đó, liên ngành TANDTC, VKSNDTC và một số cơ quan liên quan phối hợp xây dựng Thông tư liên ngành hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục rút gọn cho hiệu quả hơn so với hướng dẫn liên quan đến Nghị quyết 42/NQ-QH14, khái niệm về người thứ ba ngay tình (hiện nay còn nhiều cách hiểu khác nhau là người thứ hai, người thứ ba và việc xác định người thứ ba ngay tình), vấn đề lãi chồng lãi, phạt chồng phạt, đưa những nội dung hướng dẫn nghiệp vụ có liên quan đến giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng Văn bản 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính; Văn bản 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của TANDTC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.

Đọc thêm

Tổng cục Thuế chúc mừng các doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam

Cục trưởng Cục Thuế DN lớn Nguyễn Bằng Thắng trao Thư của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chúc mừng đội ngũ DN và Doanh nhân Việt Nam (ảnh:TCT)
(PLVN) - Trong chuỗi sự kiện chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Tổng cục Thuế đã tổ chức Đoàn công tác đến chúc mừng một số doanh nghiệp lớn tiêu biểu trong chấp hành tốt chính sách pháp luật về thuế, tham gia tích cực vào chương trình chuyển đổi số quốc gia, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước…

Cơ quan Thuế - Công an phối hợp điều tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử

Cán bộ cơ quan Thuế và cơ quan Công an kiểm tra tang vật của đối tượng vi phạm.
(PLVN) - Thông qua việc hợp chặt chẽ, linh hoạt, trong việc rà soát, phân tích, nghiên cứu hồ sơ ban đầu, Cục Thuế TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội đã làm rõ hành vi vi phạm của Công ty NAC trong việc sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm che giấu hàng trăm tỷ doanh thu bán hàng và trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách nhà nước…

Ngành Thuế tăng cường quản lý, thu hồi tiền thuế nợ

Ngành Thuế tăng cường quản lý, thu hồi tiền thuế nợ
(PLVN) - Tính đến hết tháng 8/2024, công tác thu nợ thuế tăng đến 29% so với cùng kỳ, song Tổng cục Thuế đánh giá, tổng số tiền thuế nợ toàn quốc vẫn ở mức cao. Tổng cục Thuế vừa có Công văn chỉ đạo các Cục Thuế địa phương và Cục Thuế doanh nghiệp lớn tăng cường công tác quản lý, thu hồi tiền nợ thuế.

VDF-2024: Thể chế phải đi trước!

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng phát biểu khai mạc sự kiện.
(PLVN) - Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả. Trong đó thể chế phải đi đầu…

'Kinh tế số có thể giúp Việt Nam vào nhóm có quy mô nền kinh tế lớn'

'Kinh tế số có thể giúp Việt Nam vào nhóm có quy mô nền kinh tế lớn'
(PLVN) -  “Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi luôn đau đáu một điều là làm thế nào để nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, giúp người dân hạnh phúc hơn, tham gia các hoạt động xã hội toàn diện hơn, thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội thuận lợi hơn …”, GS. TS Võ Xuân Vinh nói.