Bắt ma” chữa bệnh
Ở bản vùng sâu Há Tủa Sò của xã Lũng Pù (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), vợ chồng Sình Mí Sính- Hờ Thị Sông là một cặp đôi hạnh phúc với hai đứa con. Một ngày giữa tháng 9/2012, Sính bỗng dưng đổ bệnh, đau ốm liên miên. Thương chồng, Sông mời thầy cúng về cúng ma về nhà mà bệnh tình của Sính vẫn chưa đỡ.
Khoảng 23h45’ ngày 07/10/2012, cho rằng nhà mình vẫn còn ma chưa đuổi hết nên Sính gượng dậy đi sang nhà bố đẻ là Sình Nỏ Lúa, cách nhà Sính khoảng 500m để ngủ nhờ, xem có đỡ hơn không. Sáng sớm hôm sau, khi mặt đất còn mờ sương, Sông đã tất tả đi sang và hỏi Sính: “Anh có đỡ tí nào không?” Sính lắc đầu: “Càng đau thêm, khó chịu lắm.” Sông động viên chồng: “Anh cố gắng chịu vậy, tí em đi mời thầy cúng khác đến xem bói xem sao. Ông này ở xã Cán Chu Phìn, nghe nói bắt ma, trừ tà cao tay lắm”.
Sông đi rồi, Sính nằm ở nhà đến 15h thì bố mẹ đẻ Sính đi làm nương về. Trong người Sính lúc đó đau và tức ngực nên Sính bảo với ông Sình Nỏ Lúa: “Bố đi ngay mời thầy cúng về cúng cho con, con đau lắm không chịu được”. Thương con, ông Lúa vội lật đật đi mời thầy cúng là Hờ Mí Dia (SN 1982, trú cùng bản) đến cúng cho Sính khỏi bệnh.
Thầy cúng Dia lập đàn làm lễ cúng từ 18h ngày 08/10/2012 đến 3h ngày 09/10/2012 thì xong. Dia bảo Sính: “Tao đã cúng ma cho mày rồi mà không khỏi thì không ai chữa khỏi cho mày đâu, trong 3 ngày tiếp theo mày không được ra khỏi nhà”. Sính gật đầu nghe theo. Dia cúng xong thì được ông Lúa biếu lộc và đưa về nhà.
Khoảng 30 phút sau, Sính lại thấy trong người đau dữ dội bèn đi ra chạn bát cầm một con dao nhọn dài 34cm, rộng 4cm mang vào trong giường và để lên trên ngực với mục đích đuổi “con ma” trong người để nó không dám quấy quả mình, sẽ đỡ đau. Khoảng 10 phút sau thấy đỡ hơn, Sính lại để con dao nhọn để dưới gối ngay đầu giường Sính đang nằm rồi thiếp đi.
Nhờ chồng đoạt mạng để bên nhau mãi mãi
Hờ Thị Sông đi xem bói từ hôm 8/10, đến sáng 9/10 mới về đến nhà. Vừa về, Sông vội đi vào giường chỗ chồng nằm và lo âu hỏi: “Mình có đỡ không?”. Sính lắc đầu mệt mỏi và kể lại chuyện tối qua cha mình đã mời thầy cúng về nhà cúng ma nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Thấy vậy, Sông ôm mặt khóc nức nở. Sính gặng hỏi: “Thế em đi xem bói người ta bảo gì?”. Sông nói trong tiếng nấc: “Thầy bảo số anh xấu lắm, chắc không qua khỏi năm nay đâu”.
Sau đó, Sông nằm xuống cạnh Sính ở ngoài mép giường, ôm chặt chồng rồi lại khóc, nước mắt ướt đẫm áo Sính. Sính bùi ngùi an ủi vợ trong tuyệt vọng: “Anh ốm đã lâu rồi, chết cũng được, sống bệnh tật thế này chỉ làm khổ em và các con thôi. Em ở lại chịu khó nuôi hai con mình cho tốt.” Sông nức nở: “Nếu anh mà chết, mình em nuôi các con sao nổi? Anh chết thì cho em cũng được chết theo”.
Nghe vợ nói vậy, Sính nảy sinh ý định sẽ dùng dao đâm chết Sông, sau đó dùng dao tự đâm vào bụng mình để vợ chồng được chết cùng nhau. Ngay lập tức Sính vùng dậy lấy con dao nhọn để ở dưới gối đang nằm và dùng tay phải cầm dao, người hơi nhổm dậy đâm một nhát vào bụng Sông. Theo phản xạ, Sông vùng dậy định chạy nhưng đã bị Sính đâm tiếp một phát vào cổ. Như bị ma làm, Sính tiếp tục đâm một nhát nữa vào phần thắt lưng bên trái Sông làm cô vợ yểu mệnh gục xuống, tử vong ngay tại chỗ.
Biết vợ đã chết, Sính tự đâm hai nhát vào bụng mình để tự sát, rồi ngã vật xuống nền nhà bất tỉnh. Em gái Sính là Sình Thị Dợ thấy thế, tri hô kêu cứu nên một số người hàng xóm chạy đến, phát hiện Sính còn thoi thóp, vội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc. Khi Sính tỉnh lại, sức khỏe dần ổn định cũng là lúc Sính hay tin người vợ đáng thương của mình đã chết, còn bản thân Sính bị bắt giam về tội “Giết người”.
Tại phiên toà sơ thẩm, Sình Mí Sính thành khẩn nhận tội, người đàn ông ngây ngô khai rằng chỉ vì quá yêu vợ, thương vợ, lại mông muội và thiếu hiểu biết nên lỡ tay sát hại vợ hiền. Bị cáo thú nhận chỉ đến khi bị bắt, Sính mới nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm và là tội ác bị pháp luật nghiêm cấm, trừng trị.
Sau giờ nghị án, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên phạt bị cáo Sình Mí Sính mức án 4 năm tù về tội “Giết người”. Được biết, từ ngày mẹ chết, cha vào tù, hai đứa con nhỏ của Sính dắt díu nhau nay ở nhà nội, mai về nhà ngoại. Ông bà các cháu đều nghèo, đau yếu nên rốt cục hai đứa nhỏ lại phải về nhà, tự rau cháu nuôi nhau và hương khói cho “bàn thờ người mẹ đỡ cô quạnh.