Còn định kiến giới khi chọn nghề
Tại buổi tọa đàm, GS Vương Tiến Hòa đã chia sẻ, phân tích những thông tin vô cùng bổ ích về giới tính, về sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới xét về mặt y - sinh học, sự khác biệt giới tính này từ cấu tạo hoóc môn, nhiễm sắc thể, các bộ phân sinh dục,... nhưng không ảnh hưởng gì đến thành công của các em trong nghề nghiệp mà các em chọn (ngoại trừ một vài nghề đặc biệt), vì đa số các nghề đều phù hợp với cả nam lẫn nữ. Vì thế, những yếu tố quyết định sự thành công trong nghề nghiệp của một người gồm khả năng (trình độ), đam mê và kỹ năng.
Theo khảo sát của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam trên một số cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam thì có tới 20% các quảng cáo tuyển dụng yêu cầu hoặc ưu tiên giới tính nhất định. Trong đó, 70% các quảng cáo chỉ tuyển dụng nam, chỉ có 30% doanh nghiệp muốn tuyển người lao động là nữ giới.
Cũng tại Toạ đàm, theo chuyên gia tư vấn về giới và giáo dục của văn phòng UNESCO tại Việt Nam, bà Trần Thị Phương Nhung, tại Việt Nam, Luật Bình đẳng giới đã được Quốc hội thông qua năm 2006, trong đó đề cập bình đẳng giới trong giáo dục, y tế, chính trị, việc làm... Trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng ghi gõ các mục tiêu từ năm 2011 đến năm 2020. Đây là hành lang pháp lý quan trọng của Việt Nam về bình đẳng giới. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều phụ nữ muốn thể hiện bản thân vẫn còn e ngại những quan điểm, thái độ của xã hội.
Trong xã hội đã có những rào cản từ quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng của phụ nữ từ trình độ, kiến thức và năng lực trong khi đó chức năng làm mẹ, chăm sóc con cái vẫn là trách nhiệm của phụ nữ. Những luồng ý kiến như phụ nữ thông minh, mạnh mẽ quá, phản bác lại ý kiến của sếp... là điều không bình thường. Tất cả những điều đó làm nên sự bất bình đẳng về giới trong công việc
Chính các em phải thay đổi trước
Ths. Hà Thị Vân Khánh, chuyên gia bình đẳng giới, cũng cho rằng để có thể đảm bảo bình đẳng giới cần tác động trên mọi khía cạnh xã hội để phát triển con người. Luật Bình đẳng giới đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, gồm có 6 chương và 44 điều. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 4 nghị định, 3 thông tư hướng dẫn thi hành cho công tác bình đẳng giới. Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ LĐTBXH, tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp chiếm hơn 44% trên tổng số gần 1.120.000 người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm hơn 57% trong hơn 590.000 quyết định trợ cấp.
Như vậy, nhiều chính sách trong lĩnh vực lao động - việc làm chưa được lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả. Bên cạnh đó, lương bình quân hàng tháng của lao động nữ khoảng 4,6 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là gần 5,2 triệu đồng.
Những con số kể trên ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các bạn trẻ. Những nội dung được các bạn trẻ quan tâm là vấn đề nâng cao nhận thức về vai trò và tiềm năng của nguồn nhân lực nữ, về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ, từ đó nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trong nghề nghiệp, vấn đề lao động nữ trong tuyển dụng và sử dụng lao động tại doanh nghiệp.
Bởi vậy, các chuyên gia khẳng định, muốn nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển nguồn nhân lực nói chung, phát triển nguồn nhân lực nữ nói riêng trong bối cảnh hội nhập, cần có sự thay đổi nhận thức từ chính các em, những học sinh lớp 12 đang chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. Các em cả nam cũng như nữ phải nhận thức đúng về vai trò và tiềm năng của nguồn nhân lực nữ, về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực nữ, từ đó nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trong nghề nghiệp.