Sĩ tử căng thẳng trước ngày thi THPT quốc gia

Hai ngày trước kỳ thi quan trọng nhất thời học sinh, nhiều thí sinh bồn chồn không yên dù được cha mẹ chăm lo, động viên từng ngày.

Ngoài Toán, Văn và Tiếng Anh, Phùng Ngọc Ánh (học sinh lớp 12 trường THPT Thanh Thủy, Phú Thọ) chỉ đăng ký thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành Y khoa của Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam - ngành có điểm chuẩn năm 2018 là 21,85 khối B (Toán, Hóa, Sinh), Ánh tỏ ra lo lắng khi thi thử bốn lần đều ở ngưỡng 20-20,5.

Ánh cho biết đã chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia từ khoảng kỳ hai lớp 11. Giai đoạn đầu, thầy cô ở trường giúp em và các bạn học trước kiến thức cơ bản của lớp 12 để có nhiều thời gian ôn luyện trọng tâm theo đề thi minh họa vào năm học cuối cấp.

Đến đầu lớp 12, em bắt đầu ôn tập các dạng bài để lấy mức 5 điểm mỗi môn. Giữa kỳ một lớp 12, em bắt đầu luyện đề và tham gia các kỳ khảo sát của trường và Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ. Trước kỳ thi khoảng một tháng, Ánh lật lại toàn bộ kiến thức, kể cả lớp 10 và 11 - những phần sát nhất với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố.

Học sinh trường THCS-THPT Trần Cao Vân (cơ sở quận Gò Vấp, TP HCM) trong giờ ôn tập Toán. Ảnh: Quỳnh Trần.

Học sinh trường THCS-THPT Trần Cao Vân (cơ sở quận Gò Vấp, TP HCM) trong giờ ôn tập Toán. Ảnh:Quỳnh Trần

Nhờ có kế hoạch ôn luyện dài hạn, nữ sinh Phú Thọ không phải thức quá khuya để học bài mỗi ngày. "Buổi sáng, em học ở trường. Chiều có thể tự học ở nhà hoặc lên phòng tự học ở trường đến 18h. Em dành hai tiếng sau đó để làm việc nhà, ăn uống, tắm rửa rồi lại tiếp tục ngồi vào bàn học tới khoảng 23h30", Ánh kể lại một ngày của mình trong suốt năm lớp 12 và khẳng định thời gian biểu này không làm em bị xuống sức.

Dù vậy, sát ngày thi Ánh vẫn thấy hồi hộp, đặc biệt với môn yếu nhất là Hóa học. Học tốt Sinh và từng đạt giải khuyến khích cấp tỉnh, Ánh cũng hơi áp lực việc giành điểm giỏi môn này để nâng tổng điểm lên cao nhất có thể. Em cho rằng nếu không đỗ ngành Y khoa, tương lai sẽ "rất tệ" bởi sẽ phải học ngành không đúng với sở thích hoặc mất một năm để ôn thi lại.

Không chỉ Ánh, gia đình em cũng lo lắng. Thi ngay tại điểm trường cách nhà 2 km, bố mẹ em đã lên kế hoạch từ hơn một tuần trước, thường xuyên bàn bạc xem sẽ cho con ăn gì trong những ngày thi để bụng dạ ổn định, ai chịu trách nhiệm đưa đi, đón về. "Đây là cuộc thi quan trọng nhất với em từ trước đến giờ. Cả nhà đều đặt hy vọng em có thể đỗ được đúng nguyện vọng", Ánh nói.

Không còn phải đi học thêm, Tuấn Anh, học sinh một trường THPT ở Cầu Giấy (Hà Nội) vẫn tỏ ra căng thẳng. "Dù bố mẹ không tạo áp lực, em vẫn cảm thấy có một áp lực vô hình nào đó. Em luôn nghĩ mình không thể trượt đại học", Tuấn Anh nói.

Đã xác định thi Đại học Kinh tế quốc dân từ năm lớp 11, Tuấn Anh ôn luyện kỹ ba môn của tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) và đăng ký tới ba nguyện vọng vào các ngành thuộc trường này. Em tự tin với môn Tiếng Anh bởi được học và rèn luyện từ những năm tiểu học. Với Toán và Lý, dù đi học thêm mỗi môn hai buổi tối mỗi tuần rồi tự học, luyện đề nhiều, Tuấn Anh không mấy tự tin.

Với nam sinh này, việc đạt điểm trung bình (5 điểm) ở các bài thi là khả quan nhưng chừng đó chưa đủ đỗ vào một trường có điểm chuẩn thuộc top cao như Kinh tế quốc dân. Dù luôn tự nhủ sẽ dành ba ngày trước kỳ thi để nghỉ ngơi, xả stress, em vẫn không thể ngồi yên. "Thời điểm này, đọc gì cũng không vào nhưng không đọc thì không yên tâm", Tuấn Anh nói và hy vọng đạt 23-24 điểm khối A1 trong kỳ thi quan trọng bậc nhất thời học sinh này.

Học sinh trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) ôn thi THPT quốc gia. Ảnh: Mạnh Tùng.

Học sinh trường THPT Nguyễn Du (TP HCM) ôn thi THPT quốc gia. Ảnh:Mạnh Tùng

Không chỉ học sinh mới hoàn thành chương trình THPT như ngồi trên lửa, các thí sinh tự do cũng không kém phần lo lắng. Lê Thị Thanh Thái Nguyên (quận Bình Thạnh, TP HCM) thi ba môn Toán, Văn, Vẽ (tổ hợp H1) để xét tuyển ngành Thiết kế đồ họa Đại học Kiến trúc TP HCM. Cận ngày thi, nhưng Nguyên vẫn tập trung ôn bài, cảm giác bồn chồn như "món nợ treo lơ lửng trên đầu".

Lần thứ hai "vượt vũ môn" nhưng Nguyên may mắn được bố mẹ động viên, không tạo áp lực. "Bố mẹ nói học tài thi phận, cứ coi như đây chỉ là một thử thách. Phải cố gắng hết sức để không hối hận", Nguyên nói và cho biết phụ huynh nhắn nhủ giữ gìn sức khỏe, chăm lo chuyện ăn uống từng ngày.

Trong khi đó, nhiều sĩ tử khác lại cảm thấy khá thoải mái trước kỳ thi bởi mục tiêu là các đại học có đầu vào trung bình. Vũ Duy Phúc (THPT Nguyễn Thị Diệu, quận 3) tự tin đã ôn được 80% khối lượng kiến thức. Điểm trung bình lớp 12 của Phúc khá cao, lại xét tuyển vào đại học bằng đường học bạ nên cậu không mấy lo lắng. "Em chỉ hơi lo chứ không áp lực gì nhiều", Phúc nói.

Chọn học trường nghề nên Nguyễn Phúc Khánh Linh (THPT Nguyễn Trãi) đặt mục tiêu thi THPT quốc gia để tốt nghiệp. Rất tự tin nên Linh mong nhanh tới ngày thi để được nghỉ ngơi thoải mái. "Mẹ rất ủng hộ em chọn nghề nhà hàng khách sạn, không bắt ép phải vào đại học. Chỉ đủ điểm tốt nghiệp là em vào học thôi, không khó khăn lắm", Linh nói.

Lịch thi THPT quốc gia năm 2019.

Lịch thi THPT quốc gia năm 2019

Ngày 25-27/6, hơn 887.000 thí sinh cả nước sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Số đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên là hơn 653.000. Thí sinh sẽ thi 5 bài, gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, trong đó trừ Văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm.

Đọc thêm

Từ tác phẩm có câu từ phản cảm phát cho học sinh ở TP HCM: Cẩn trọng khi lựa chọn ngữ liệu học tập

Ngữ liệu học tập cần được lựa chọn phù hợp với lứa tuổi của học sinh. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV)
(PLVN) - Một trường quốc tế ở TP HCM trước kỳ lễ dài ngày vừa qua đã phát cho học sinh lớp 11 một tác phẩm văn học nước ngoài (được dịch sang tiếng Việt) tương đối nổi tiếng. Tuy nhiên, trong ngữ liệu học tập này có chứa những câu từ được nhiều người cho là phản cảm, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, bất bình. Nhà trường đã phải nhanh chóng thu hồi các ấn bản trên và xem xét lại quy trình tác phẩm được giới thiệu cho học sinh.

Câu hỏi bỏ ngỏ trước ngưỡng cửa đại học

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo số liệu thống kê sơ bộ năm 2024 đối với 137 trường đại học và học viện tại các tỉnh phía Bắc tính từ Thanh Hóa trở ra (không bao gồm các trường quốc tế) có 35 trường đại học đang đào tạo đa ngành, tương đương với 25,5% trong tổng số. Trong đó gồm 15 trường có trụ sở tại Hà Nội (chiếm 43%) và 20 trường phân bố tại 16 tỉnh, thành phố khác (tỉnh Bắc Ninh có nhiều nhất với 3 trường).

377 thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại Olympic Tiếng Anh dành cho cấp tiểu học và THCS

Olympics Tiếng Anh toàn thành phố năm nay chào đón 1288 thí sinh THCS đến từ 401 trường, và 1295 thí sinh tiểu học đến từ 490 trường tại Hà Nội (ảnh P.V)
(PLVN) -  Lễ tổng kết và trao giải Olympic Tiếng Anh dành cho cấp tiểu học và THCS đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội). Trải qua hai vòng thi ở mỗi cấp, Ban tổ chức cuộc thi Olympics Tiếng Anh thành phố Hà Nội đã lựa chọn ra 377 thí sinh đạt thành tích xuất sắc để trao các giải đặc biệt, nhất, nhì, ba và khuyến khích.

Bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý điều này

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Sau khi đăng ký thành công, từ ngày 11/5 đến 17/5, tất cả thí sinh phải sử dụng tài khoản và mật khẩu được cấp đăng nhập vào Hệ thống quản lý thi qua địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để kiểm tra thông tin đăng ký dự thi, phản hồi các sai sót và đề xuất duyệt minh chứng đối tượng ưu tiên (nếu có) với đơn vị đăng ký dự thi...

Làm gì để 'gỡ' áp lực các kỳ thi đầu cấp?

Các kỳ thi vào lớp 1, lớp 6 đang ngày càng trở nên áp lực với học sinh. (Ảnh minh họa)
(PLVN) - Ôn thi từ khi bập bẹ biết nói là câu chuyện phổ biến ở các trường tiểu học, THCS. Thay vì được học đúng độ tuổi, khả năng, hiện nay, nhiều gia đình đã hướng con cái đến các tiêu chuẩn học tập “ngoại cỡ”.

'Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh' trong thế giới đa cực

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp tại Hà Nội. (Ảnh: PV)
(PLVN) - Theo báo cáo nghiên cứu vào năm 2019 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (FALMI), khoảng 75% học sinh THPT thiếu hiểu biết cần thiết về các ngành nghề mà mình lựa chọn, theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Vấn đề này dẫn đến có khoảng 60% học sinh nhận thấy bản thân mình đã có lựa chọn sai lầm trong định hướng nghề nghiệp.