'Giảm tải' học online

0:00 / 0:00
0:00
Theo ​phân phối chương trình dạy online năm học mới, môn tôi dạy vốn dĩ một tuần ba tiết, nay bị cắt giảm còn hai tiết.

Tôi đang dạy tại Hà Nội. Không chỉ môn của tôi, những môn khác cũng vậy, số tiết đều được rút bớt ở năm học này với lý do "thời khóa biểu online cần thu gọn", hoặc nội dung dạy học phải cô đọng để đáp ứng tối đa đặc thù của phương pháp dạy, học trực tuyến.

Trước khai giảng, tôi và vài đồng nghiệp nhận được lời mời tham gia hội đồng giảm tải sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với bộ môn mình đang phụ trách, nhiệm vụ của nhóm chúng tôi là rà soát toàn bộ sách giáo khoa cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, từ đó "cắt giảm từng phần" - những phần trong mỗi bài được đánh giá là "học sinh có thể tự học, tự làm, tự đọc". Khung chương trình, số lượng bài, phạm vi kiến thức được yêu cầu giữ nguyên.

Thoạt nhìn, cách làm này có vẻ đúng là "giảm tải", bởi nó giúp giáo viên hoàn thành giáo án trong các tiết học online khi phần lớn nội dung trong bài đã được lược bỏ. Nhưng với tư cách là người tham gia hội đồng giảm tải cũng như giáo viên trực tiếp đứng lớp, tôi lại nhận thấy thực chất của việc này là tăng áp lực cho học sinh.

Gần hai tuần học online đã trôi qua. Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được tin nhắn: "Cô ơi, phần luyện tập này làm như thế nào ạ?", "Cô ơi, từ này, trong bài tập, ở trang... nghĩa là gì ạ?"... Những câu hỏi đó đều liên quan đến phần đã "giảm tải" mà lẽ ra các em được nghe giảng kỹ, được chữa kỹ nếu học trực tiếp.

Nhìn một bài tập trong sách, người lớn chúng ta thường nghĩ, bài này quá dễ, học sinh có thể tự xem lại lý thuyết và bài cũ để làm. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Trẻ càng nhỏ càng cần có thầy cô hướng dẫn, giải thích. Điều đó không đơn giản chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là khơi nguồn cảm hứng, nắn rèn ý thức. Tôi không thể tưởng tượng được học sinh sẽ tự học và duy trì say mê thế nào khi vấp phải những rào cản học hành mà không có người hỗ trợ.

Tôi và một số đồng nghiệp tham gia làm giảm tải đã có ý kiến rằng cần giảm tải thực chất thay vì chỉ cắt vài phần trong từng bài và yêu cầu học sinh tự học. Song, tiếc thay, việc giảm tải ở năm học này vẫn chỉ đơn giản là dồn chương trình sao cho ngắn tối đa để kịp đi hết trong một năm học đang có nguy cơ ở nhà nhiều hơn ở trường.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành chủ quản khi dịch bệnh kéo dài từ năm học 2019-2020 đến nay. Tôi cũng hiểu "giảm tải" là bài toán rất khó vì nếu cắt bớt số lượng bài, thu gọn phạm vi kiến thức sẽ ảnh hưởng lớn đến khung chương trình đã chạy ổn định nhiều năm nay của Bộ, ảnh hưởng đến những kỳ thi quan trọng như thi vào cấp ba, thi đại học.

Nhưng tôi cũng tự hỏi một khi dịch bệnh đã khiến mọi mặt của cuộc sống thay đổi thì có còn cái gì được phép ổn định như cũ không? Tất cả đều lộn nhào và cần sắp xếp lại để đạt được một trạng thái bình thường mới. Không thể cố chạy theo để ép hoàn thành những kế hoạch đã được xây dựng trong bối cảnh hoàn toàn khác với hiện tại. Tất cả những gì bị dồn ép quá mức đều trở nên méo mó.

Trải qua ba mùa dịch, chứng kiến đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh của mình chật vật làm quen với việc dạy và học trực tuyến, khắc phục khó khăn muôn hình vạn trạng, tôi thực sự cảm phục và cảm động. Họ, từ những người mù công nghệ, chỉ biết phương pháp dạy và học truyền thống, điều kiện kinh tế hạn hẹp, vậy mà giờ đây đều đã chuyển mình để thích nghi.

Vậy, Bộ Giáo dục có thể chuyển mình, thay đổi nhiều hơn để đáp ứng hoàn cảnh song song với người học hay không? Có nhất thiết phải giữ nguyên một khung chương trình vốn rất nhiều bài, quá nặng kiến thức, thiên nhiều về lý thuyết, ít ứng dụng thực tế và thiếu kỹ năng sống như thời tiền COVID? Nhất là trong bối cảnh trường học đóng cửa triền miên, tại sao không thể giảm tải với cấp hai, cấp ba bằng cách cắt hẳn bài, bớt hẳn lượng kiến thức, thu nhỏ hẳn phạm vi ôn thi?

Ngành giáo dục nhiều năm nay cũng liên tục đổi mới, từ thang đánh giá thành tích, sách giáo khoa, đến chế độ thi cử... Vì vậy, tôi tin Bộ không thiếu nhân lực cũng như thời gian và kinh nghiệm để có thể lên và thực hiện một kế hoạch giảm tải thực sự vì quyền lợi của đối tượng duy nhất là học sinh.

Hàng ngày tôi vẫn lên lớp online, cô trò chúng tôi vẫn phải chạy theo chương trình gọi là "giảm tải" sao cho hết chừng đó bài khi hết năm học. Để về mặt lý mà nói, học sinh được dạy hết chương trình, đã lĩnh hội đủ kiến thức để đi thi.

Nhưng trong lòng tôi cảm thấy trĩu nặng bởi cảm giác chính tôi, nhân danh "giảm tải", đang đá trách nhiệm giảng dạy của mình sang nhiệm vụ tự học của học sinh. Và nhiệm vụ đó trở nên nặng nề hơn lúc nào hết khi các em chưa biết bao giờ được trở lại trường.

Đọc thêm

Nuôi dưỡng tình yêu sách thời mạng xã hội

Người trẻ vẫn chọn đọc sách, yêu sách giữa thời buổi mạng xã hội lên ngôi. (Nguồn: Tạp chí công dân & khuyến học)
(PLVN) - Giờ đây, mạng xã hội lên ngôi với biết bao điều hay ho, hấp dẫn. Thế nhưng, tình yêu sách vẫn luôn là dòng chảy âm thầm mà bền bỉ, được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Để rồi, thế giới số bao la không thể làm lu mờ sức hút của sách, mà còn là công cụ để vun đắp thêm lòng say mê với sách, với việc đọc.

Nhiều điểm mới trong chương trình 'Tiếp sức mùa thi' năm 2024

Buổi gặp mặt báo chí, triển khai Chương trình “Tiếp sức mùa thi” 2024 được tổ chức sáng (16/4), tại Hà Nội.
(PLVN) - Chương trình “Tiếp sức mùa thi” năm nay triển khai nhiều nội dung và hình thức mới: mở sớm tổng đài tư vấn tâm lý, tổ chức hành trình tiếp sức tinh thần tại các điểm trường trên cả nước, tập trung hướng đến hỗ trợ các thí sinh thi vào lớp 10, thí sinh tham gia các kỳ thi đánh giá năng lực và học sinh có nguyện vọng du học ở nước ngoài...

Lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5 của học sinh, sinh viên

Ảnh minh họa
(PLVN) - Đa số sinh viên cả nước đều được nghỉ lễ 30/4 - 1/5 trong 5 ngày, một số trường đại học cho sinh viên nghỉ dài hơn, có nơi kéo dài 8 ngày. Lịch nghỉ và học bù của học sinh sẽ được điều chỉnh phù hợp.

Hoàn thiện chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

Trường phổ thông dân tộc nội trú được Nhà nước thành lập cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. (Nguồn ảnh: baochinhphu.vn)
(PLVN) - Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có những chuyển biến đáng kể. Để phát huy những kết quả đã đạt được, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với khu vực này.

Cần chuẩn bị gì cho thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025?

Học sinh cần xác định lộ trình học tập phù hợp với năng lực và kì thi mình tham gia. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐN)
(PLVN) - Kì thi tuyển sinh đại học những năm gần đây đã có nhiều thay đổi cùng với các kì thi riêng của các trường đại học lớn… Đồng thời, kì thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vậy học sinh và phụ huynh cần chuẩn bị gì cho những kì thi từ năm 2025 theo chương trình mới?