Bộ LĐTBXH thừa nhận mới chỉ nắm bắt được 1/3 số vụ tai nạn lao động ( TNLĐ) trong tổng số TNLĐ nghiêm trọng, chết người xảy ra hàng năm ở nước ta. Tỷ lệ này còn nhỏ hơn rất nhiều nếu tính cả những vụ TNLĐ chưa gây chết người.
Số người nhập viện gấp 3 lần số TNLĐ được báo cáo.
Thống kê của ngành y tế cho thấy, trung bình hàng năm ( từ 2005-2008) mỗi năm có 1655 người chết do TNLĐ trong khi cấp cứu tại bệnh viện. Thế nhưng con số Bộ LĐTBXH công bố thường niên thường thấp hơn nhiều con số này.
Ông Vũ Như Văn- Quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động thừa nhận, công tác quản lý thống kê theo dõi về TNLĐ thực sự còn rất yếu kém.
Số liệu thống kế tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do TNLĐ nhiều gấp 3 lần số liệu TNLĐ được báo cáo về Bộ.
Thống kê không sát thực thế, việc xử lý các doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ tỏ ra thiếu kiên quyết, nghiêm minh, mức xử phạt quá thấp.
Đơn cử, trong số 181 vụ TNLĐ chết người được điều tra năm 2008, chỉ có 2 vụ được đưa ra xử lý hình sự.
Trong số 507 vụ TNLĐ được điều tra năm 2009 cũng chỉ có 2 vụ được chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự và khởi tố các cá nhân liên quan đến vụ TNLĐ.
An toàn lao động là niềm vui của công nhân |
Đáng lưu ý là, nhằm cải thiện tình trạng gia tăng TNLĐ và khả năng quản lý nắm bắt các vụ TNLĐ, một Chương trình Mục tiêu quốc gia về Bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006.
Trong vòng 4 năm, hàng loạt những mục tiêu cụ thể đã được đặt ra: giảm số vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người (bình quân giảm 5% tần suất TNLĐ trong các ngành nghề có nguy cơ cao như khai khoáng, xây dựng, điện); hàng năm giảm 100% số NLĐ mắc mới bệnh nghề nghiệp; 80% NLĐ tại các cơ sở có nguy cơ được khám phát hiện BNN; 100% NLĐ bị TNLĐ, BNN được điều trị, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; trên 80% người làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ và cán bộ được huấn luyện về ATVSLĐ; 100% số vụ TNLĐ chết người và TNLĐ nặng được điều tra, xử lý.
Cho đến thời điểm này, chưa có mục tiêu nào nêu trên đạt được.
Theo nhận định của các chuyên gia ATLĐ thì mục tiêu trên sẽ còn tiếp tục xa vời khi trách nhiệm, chi phí điều tra, bồi thường TNLĐ vẫn đẩy hết cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thực tế là doanh nghiệp cũng sẽ tìm mọi cách để lấp liếm, phần thua thiệt chắc chắn thuộc về NLĐ.
Ở góc độ khác, nguyên nhân để tình trạng khai báo, điều tra TNLĐ ‘có vấn đề”, lỏng lẻo và thiếu sự kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật là bởi thiếu sự thanh kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Cục An toàn lao động cho hay để “kiểm” chặt được thì lực lượng thanh tra lao động phải lên tới con số trên 1000. Song thực tế, lực lượng thanh tra lao động trên toàn quốc hiện chỉ có chưa đến 500 người, thanh tra làm chuyên trách về an toàn lao động.
Quỹ bồi thường TNLĐ có là “cứu cánh”?
Theo bà Đỗ Thị Thúy Nguyệt, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, hoạt động thanh tra kiểm tra tại các địa phương thời gian tới sẽ được tăng cường ở các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực “nóng” về mất an toàn vệ sinh lao động như điện, khai thác khoáng sản, xây dựng…
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam đã thành lập một tổ công tác để thúc đẩy nhanh chóng Đề án “Quỹ bồi thường TNLĐ, bệnh nghề nghiệp”.
Khi Quỹ này đi vào hoạt động sẽ thực hiện chi trả toàn bộ chi phí cho điều tra TNLĐ, BNN; các khoản bồi thường cho NLĐ.
Cơ quan quản lý nhà nước cũng sẽ thắt chặt cơ chế thông tin, khai báo TNLĐ. Dự kiến việc đóng góp vào quỹ bồi thường TNLĐ- BNN sẽ là bắt buộc đối với chủ sử dụng lao động. Bất cứ doanh nghiệp nào khi đăng ký hoạt động đều phải đóng tiền vào quỹ( tùy theo mức độ nguy hiểm của ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp phải đóng tiền vào quỹ theo các tỷ lệ : yếu tố nguy hiểm nhiều, mức đóng có thể tới 10% quỹ lương, ít yếu tố nguy hiểm rủi ro thì đóng ít, có thể chỉ là 0,01% quỹ lương. Bình quân chung khoảng 2% tổng quỹ lương ).
Trường hợp có tai nạn lao động hay người lao động bị bệnh nghề nghiệp, chủ sử dụng chỉ cần thông báo đến cơ quan quản lý quỹ thì cơ quan quản lý quỹ sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người lao động tất cả những gì mà hiện nay chủ sử dụng và cơ quan bảo hiểm xã hội đang phải chi trả theo quy định: chi phí khám chữa, bồi thường, trợ cấp, phục hồi chức năng.
Nếu doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ mà không báo thì người lao động cũng sẽ chủ động thông báo để được hưởng quyền lợi.
Hệ thống bệnh viện cũng rất ủng hộ chương trình này do vậy có thể thấy nếu như được áp dụng sớm, tình trạng “ trốn tránh” khai báo TNLĐ sẽ được giảm thiểu một cách rõ nét.
Thanh Lương