Năm 2012 được dự báo là một năm tiếp tục khó khăn song điều này không có nghĩa các DN “ngồi yên”. Nhiều DN đã có kế hoạch SXKD cho năm con Rồng từ những ngày đầu tiên của năm mới.
Khai phá thị trường mới
* Ông Phạm Hồng Việt – Giám đốc Cty CP Cao su Hà Nội:
Cuối năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, có thể nói là bức tranh xuất khẩu giày dép không mấy sáng sủa. Các đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng. Lượng đơn hàng nhận được ở cuối năm 2011 so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 35-40%. Việc ký tiếp đơn hàng cho cả năm 2012 còn rất nhiều khó khăn và cũng giống nhiều DN xuất khẩu khác, chúng tôi đang nhận và sản xuất các đơn hàng theo quý, chứ không phải như trước đây là 6 tháng.
Để vượt qua khó khăn này, việc đầu tiên chúng tôi xác định là tiếp tục phải mở rộng thị trường mới. Dù đã quen làm đơn hàng cho khách hàng châu Âu, nhưng với dự báo viễn cảnh kinh tế châu Âu vẫn u ám, thì chúng tôi phải chuyển hướng, không chỉ trông đợi ở thị trường truyền thống.
Từ đầu năm 2011, chúng tôi đã tính toán mở rộng thị trường sang châu Phi và các nước Ả Rập. Giải pháp là vậy nhưng còn nhiều cái khó, khó là thuyết phục mở rộng thị trường, khó nữa là thiếu vốn và giữ được nguồn lao động… Khó nhưng không còn cách nào khác là phải vượt qua!
"Đo" thị trường để tìm mặt hàng phù hợp
* Ông Vũ Tuấn Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Sovina:
Phải đo thị trường để tìm mặt hàng để xuất khẩu. Đơn giản là người ta cần gì thì mình cung cấp cái đó. Trước đây, điều tôi thường làm là quảng cáo và bán những gì mình có. Sau này tôi chuyển hướng chỉ bán cái người ta cần. Đơn giản là họ hỏi có cái này không, mình trả lời “tôi sẽ tìm” và tôi đã tìm ra DN Việt Nam sản xuất sản phẩm thích hợp để đáp ứng yêu cầu đó…
Thế giới tương đối phẳng, xuất khẩu không chỉ cứ nhìn vào các thị trường lớn. Chính thị trường nhỏ có thể đem lại lợi ích không nhỏ cho DN nhỏ. Nếu chúng ta biết cách chuyển hướng các mặt hàng đáp ứng yêu cầu thế giới, theo đúng tiêu chuẩn thì vẫn tăng kim ngách xuất khẩu tốt.
Tôi nói đơn giản các mặt hàng nước giải khát của Việt Nam hiện nay, nếu chúng ta làm tốt thì hoàn toàn có thể xuất khẩu được. Chúng tôi đã xuất khẩu đi Nam Phi những loại nước giải khát rất bình thường của Việt Nam.
Hay đơn giản như chuyện xuất khẩu đũa dùng một lần. Hơn nữa, cần phải thiết lập được các kênh kết nối với khách hàng bằng cách nhờ vào Cục Xúc tiến Thương mại cũng là một kênh, các tham tán thương mại, và tự tìm hiểu qua internet, website của DN nước ngoài …
Càng khó khăn càng phải làm tốt trách nhiệm xã hội
* Ông Nguyễn Văn Đô, Tổng giám đốc DHA Group:
Từ những tháng gần cuối năm 2011, chúng tôi đã được cảnh báo lượng hàng sẽ thiếu, và đã phải tiếp thị, tìm kiếm đơn hàng. Ngay lúc đó đã nhận được đơn hàng cho đến hết tháng 3 năm nay. Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, chúng tôi phải giữ uy tín bằng chất lượng, cải thiện quản trị DN, quản lý tốt quy trình, để sản phẩm đạt yêu cầu của khách hàng và lần nào cũng đạt thì đơn hàng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, với khách hàng Mỹ, họ không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, họ còn yêu cầu cả những vấn đề của bản thân DN Việt như trách nhiệm xã hội của DN, chính sách người lao động như nguời lao động phải tối thiểu 16 tuổi và các chế độ bảo hiểm, hưu trí, chế độ thai sản… Mỗi tháng, khách hàng đều có đánh giá DN Việt Nam nếu như DN chúng ta tốt thì họ cấp đơn hàng, nếu không tốt thì không cấp nữa.
Đúng là nếu thực hiện trách nhiệm xã hội thì trong phần hạch toán chi của DN sẽ cao lên. Trong lúc làm ăn khó khăn thì mỗi khoản chi tăng lên đều là áp lực, là khó hơn cho DN. Song, trong lúc kinh tế khó khăn, lạm phát cao, làm tốt trách nhiệm xã hội của DN không chỉ là để giữ đơn hàng cũng là để giữ người lao động. Lao động nhảy việc, bỏ việc đang là nỗi khổ của không ít DN ngành dệt may. Cái được của DN là ở chỗ đó.
Linh Lan